Bản ngã to đùng
Nhiều lúc ngồi ngẫm nghĩ về nhân tình thế thái, thấy cũng hơi chạnh lòng.
Có nhiều người tu càng cao, ngã mạn càng lớn, coi trời bằng vung, miệng thì bảo tu lâu năm, dự các khoá thiền dài ngày mà mở miệng ra là chửi thiên hạ không còn một chỗ, mà ngặt nỗi cái người họ xúc phạm trong số đó là người xuất gia. Người ta dẫu tu chưa tới đâu nhưng cũng chưa đến lượt cho một cư sĩ kiêu mạn sơ cơ rủa xả. Một con vật khi còn phải trả nghiệp, chưa hết kiếp nạn, hoặc đang trong kiếp độn thì có khi ba-la-mật của nó còn nhiều hơn mình, huống hồ là một con người mà mình không biết tiền kiếp của họ là ai. Vì nếu mình có trí tuệ minh sát để thấy rõ thì đâu có thời giờ ngồi đó mà phán xét và kiêu mạn. Hành giả có chánh niệm thật sự không rảnh rỗi để làm chuyện đó.
Điều tôi muốn nói ở đây là, ở đời, khinh thường kẻ mà mình cho là thấp kém, thiểu trí hơn mình coi chừng mắc cái nghiệp phỉ báng tăng chúng, trong khi người ta chẳng đụng chạm gì tới mình thì hà cớ gì mình nổi sân rồi thay trời hành đạo. Trong khi một trong những lợi ích của thiền là khả năng kiểm soát thân- khẩu- ý bằng chánh niệm (sati) để dứt trừ phiền não, thoát khổ thân tâm.

Chúng ta có thể tham khảo thêm bài kinh “Khinh Miệt Kẻ Ôn Hòa” (Pessalā Atimannanā – S.i,187) thuộc Tương Ưng Bộ Kinh (Saṃyutta Nikāya). Trong đó, Tôn giả Vangìsa thường hay khinh miệt các vị Tỷ-kheo ôn hòa khác vì khả năng biệt tài của mình. Tôn giả Vangìsa sau đó tự hối trách mình, liền ngay khi ấy, nói lên những bài kệ:
“Ðệ tử Gotama,
Hãy từ bỏ kiêu mạn,
Và cũng tự bỏ luôn,
Con đường đến kiêu mạn.
Nếu hoàn toàn đắm say,
Trong con đường kiêu mạn,
Sẽ tự mình hối trách,
Trong thời gian lâu dài.
Những ai khinh khi người,
Với khinh khi kiêu mạn,
Ði con đường kiêu mạn,
Sẽ đọa lạc địa ngục…
Biết phân biệt đúng sai, phải trái, chánh tà là người có phước lớn nhưng luôn mang cái bản ngã to đùng bên mình thì khó có thể trưởng thành trong đạo và đời.
Tâm còn sân si, hơn thua với đời thì cho dù ngồi mấy trăm khoá thiền hay cả đời cũng chỉ là hình thức.
Kiến thức thế gian và trí tuệ là hai thứ hoàn toàn khác nhau. Nếu dung hoà được cả hai thì càng tốt, nhưng lẽ thường ở đời, người có trí tuệ lại không nặng lòng với những chuyện được mất của thế gian.
Không nhận ra dukkha (tiếng Pali, tạm dịch là khổ) xuất phát từ trong tâm mình chứ không phải do ngoại cảnh thì chữ khổ sẽ còn khắc mãi trong đời mình như một gánh nặng tiền kiếp, lẽ này mà tiếng Việt có hai từ “khắc khổ” đi với nhau như hình với bóng.
Tâm ta thế nào thì ta sẽ kết giao với người thế ấy. Xu hướng tâm thường hay sân hận thì sẽ gặp người nói nghe lọt tai mình, rồi mình âm thầm cổ suý cho điều đó. Tương tự như vậy đối với các trạng thái tâm khác. Thế nên người đời có câu “đồng sanh tương ứng đồng khí tương cầu” – gió tầng nào gặp mây tầng đó, hay “birds of a feather flock together”.
Tôn kính không có nghĩa là phải đồng thuận tất cả mọi việc làm hay lời nói của một vị thầy hay cộng sự nào đó. Việc đánh đồng quan điểm của người này với người kia rồi sanh tâm khinh miệt, ganh ghét, đố kỵ cũng chỉ làm hao tổn phước đức của mình. Phiền não cứ thế mà tăng dần qua nhiều kiếp.
Nói tới đây chắc có người nghĩ rằng tôi tôn thờ cá nhân vị nào. Không phải thế! Giáo pháp mênh mông, vi diệu kia mà, tại sao lại phải dính mắc với ai.
Ngày trước, nguyện vọng của chúng tôi là góp một phần nhỏ trong việc chia sẻ giáo pháp, mong chánh pháp được lan toả, trường tồn. Một người biết đến giáo pháp của Đức Thế Tôn cũng coi như đời bớt khổ, và tôi chỉ chia sẻ khi ai đó thật sự cần, cũng như giới thiệu họ tới minh sư, hoặc tham khảo Tam Tạng kinh điển chứ đừng tự mò rồi phán bậy.
Phật pháp là đến để mà thấy (Ehipassiko, – come and see for yourself) chứ không phải để trang trí ngắm nghía cho vui hay khẩn cầu, cúng bái.
Có người tôi từng chia sẻ chân thành, sau khi họ học hiểu được chút giáo pháp lại quay qua nổi quạu với tôi, thậm chí còn coi tôi như oan gia ngõ hẹp. Đời là thế!
Vì vậy, bây giờ cái gì tuỳ được thì tuỳ: tuỳ duyên, tuỳ hỷ, tuỳ tâm, tuỳ thời.