Bắt đầu tu học dễ rơi vào chấp không
Xin Thầy giảng cho con hiểu 2 câu thơ: “Cái Tôi hoàn lại đất trời, Trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sinh.” Xin cám ơn Thầy.
Trả lời:

Ảnh minh hoạ.
Một thi sĩ Trung Hoa họ Phạm đã viết một bài thơ nói lên thân phận sinh ra làm một kiếp người của mình để rồi không ăn thì đói, không mặc thì lạnh… “Ông Trời vô cớ sinh ra ta làm gì để mà phải sống, phải chết một cách vô nghĩa như thế này?”
Tích ngã vị sinh thời
Minh minh vô sở tri
Thiên Công hốt sinh ngã
Sinh ngã phục hà vi?
Vô y sử ngã hàn
Vô phạn sử ngã cơ
Hoàn nhĩ Thiên sinh ngã
Hoàn ngã vị sinh thời.
Hai câu cuối có thể dịch là: “Trả Ông Trời cái tôi mà Ông sinh ra. Trả lại cho tôi cái thời tôi chưa sinh – Cái tôi hoàn lại Đất Trời, Trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sinh”, nghĩa là nhà thơ không muốn sinh ra làm thân phận vô nghĩa của một kiếp người, nên chỉ muốn trở về phi hữu.
Theo Đạo Phật thì nhà thơ này đang chấp không hoặc là đoạn kiến xuất phát từ phi hữu ái nên không những không thể thoát được thân phận làm người mà còn chuốc thêm cái khổ tâm lý nữa (Khổ khổ trong Khổ đế).
Chính cái Ta ảo tưởng mới muốn hủy diệt (phi hữu) hoặc muốn thường hằng (hằng hữu) mà tạo ra phiền não khổ đau, luân hồi sinh tử.
Diệt Đế chính là diệt cái Ta ảo tưởng lăng xăng tạo tác để không phải trở về “phi hữu” mà là trở về với “thực tánh” muôn đời không sinh không diệt của pháp ngay trong thực tại đang là…
Nguồn: trungtamhotong.org