LTS: TP.HCM và các tỉnh lân cận có nhiều ngôi chùa cổ không chỉ có kiến trúc đặc sắc mà còn sở hữu những pho tượng đặc biệt. Mỗi bức tượng của các chùa này đều ẩn giấu những câu chuyện, giá trị văn hóa tâm linh riêng.

VietNamNet giới thiệu loạt bài ghi lại những điều đặc biệt ở một số ngôi chùa có tượng Phật độc đáo. Các bài viết đem lại thông tin, giá trị mới của những ngôi chùa vốn đã là danh lam cổ tự. 

Một góc chùa Hội Khánh, một trong những danh lam cổ tự tại Bình Dương.

Danh lam cổ tự

Dưới những tán cổ thụ, chùa Hội Khánh (TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương) hấp dẫn khách tham quan bởi vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc.

Theo sách Lịch sử Phật Giáo Bình Dương của Thượng tọa Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Pháp chế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chùa Hội Khánh được xây dựng năm 1741. Đến nay, chùa đã gần 300 tuổi.

Tiền thân ngôi cổ tự chỉ là một cái am lá nhỏ được thiền sư Đại Ngạn lập lên để tu hành trên ngọn đồi thuộc làng Bình An (huyện Phước Long, Dinh Trấn Biên), nay là phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một. Sau một thời gian tu tập, thiền sư Đại Ngạn xây dựng am cỏ tranh thành chùa Hội Khánh.

Ngôi cổ tự được xây dựng từ nhiều loại gỗ quý.

Ngay sau khi được xây dựng, chùa Hội Khánh trở thành nơi sinh hoạt tôn giáo của đông đảo người dân địa phương. Năm 1860, chùa bị thực dân Pháp thiêu hủy. Sau đó, chùa được xây dựng lại dưới chân đồi, cách vị trí cũ khoảng 100m như hiện nay.

Trải qua nhiều biến cố, đến nay chùa Hội Khánh vẫn được xem là một trong những danh lam cổ tự của tỉnh Bình Dương. Vẻ đẹp của chùa đến từ cảnh quan cũng như kiến trúc, nghệ thuật trang trí tinh xảo.

Chánh điện của chùa gồm hai căn, mỗi căn xây theo kiểu ba gian hai chái và đều được xây dựng bằng nhiều loại gỗ quý. Điểm nhấn trong chánh điện là 100 tượng điêu khắc bằng gỗ mít sơn son thiếp vàng.

Tại đây còn có bộ tượng thập bát La Hán cao khoảng 90cm với thần thái an nhiên, tự tại. Những bức tượng là công trình tạo tác của nhóm thợ nổi tiếng đất Thủ Dầu Một vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Xung quanh cổ tự là toà tháp cao 7 tầng và tháp tổ Từ Vân.

Bên cạnh chánh điện là tòa tháp 7 tầng, cao 27m. Cách tòa tháp này là ngôi tháp tổ Từ Vân cổ kính với bức bình phong trang trí hoa văn bắt mắt.

Sân chùa cũng được trang trí, điểm xuyết bằng những loài hoa cỏ quanh năm hương sắc khiến không gian nơi đây luôn thông thoáng, rợp bóng cây.

Theo Thượng tọa Thích Huệ Thông, vẻ đẹp của chùa Hội Khánh nổi tiếng từ xa xưa. Bằng chứng là hiện nay, chùa còn lưu giữ bài thơ, câu đối của thi nhân, nho sĩ đời trước miêu tả, ví cảnh chùa đẹp như chùa Thiên Mụ ở cố đô Huế.

Đặc biệt, nét đẹp của ngôi cổ tự cũng khiến người Pháp chú ý. Năm 1920, khi mở cuộc triển lãm hội chợ tại Marseille, người Pháp đã mang mô hình chùa Hội Khánh và bộ tượng La Hán, Thập điện sang triển lãm.

Khuôn viên chùa ngoài cây cổ thụ còn có nhiều hoa cỏ bốn mùa hương sắc.

Báu vật 

Tuy nhiên, điểm thu hút bậc nhất của chùa Hội Khánh phải kể đến bức tượng Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni nhập Niết bàn. Tượng có chiều dài 52m, cao 22m, nặng 600 tấn.

Năm 2008, chùa Hội Khánh xây dựng Trung tâm văn hóa Phật giáo tỉnh Bình Dương trên diện tích đất nằm ở phía trước ngôi cổ tự. Và, toàn bộ phần mái của công trình này chính là bức tượng Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni nhập Niết bàn.

Bên dưới bức tượng khổng lồ có 20 bức phù điêu thể hiện cuộc đời của Đức Phật từ lúc Đản sinh đến lúc nhập Niết bàn. Xung quanh tượng được trang trí 840 cánh hoa sen đắp bằng xi-măng.

Tháng 5/2013, bức tượng khổng lồ được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập là Tượng Phật nhập Niết bàn trên mái chùa dài nhất châu Á.

Tượng Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni nhập Niết bàn dài 52m, cao 22m, nặng 600 tấn nằm trọn trên mái Trung tâm văn hóa Phật giáo tỉnh Bình Dương.

Ngoài bức tượng khổng lồ, chùa Hội Khánh còn sở hữu một báu vật khác có liên quan đến cụ thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là cặp liễn đối do cụ Nguyễn Sinh Sắc viết tặng vị trụ trì thứ 6 của ngôi cổ tự.

Theo Thượng tọa Thích Huệ Thông, khoảng cuối năm 1923, do bị mật thám Pháp theo dõi, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc từ Thủ Đức (Gia Định cũ, nay là TP Thủ Đức, TP.HCM) đến tỉnh Thủ Dầu Một, nay là TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương.

Tại đây, cụ Nguyễn Sinh Sắc hội ngộ với cụ Tú Cúc (tên thật Phan Đình Viện đang bị Pháp truy lùng vì tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục) và Hòa thượng Từ Văn, trụ trì thứ 6 của chùa Hội Khánh.

Cùng chung lý tưởng, cả ba lập ra “Hội danh dự yêu nước”. Trong thời gian gian  hoạt động, tổ chức này đã quy tụ được nhiều nhà yêu nước tại địa phương. Tuy nhiên, đến năm 1926, Hội danh dự yêu nước bị thực dân Pháp phát hiện, giải tán.

Cặp liễn đối của cụ Nguyễn Sinh Sắc được treo tại ban thờ cụ Phó bảng và Bác Hồ. 

Trong thời gian nương nhờ cửa chùa, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã tặng câu đối có nội dung: “Đại đạo quảng khai, thố giác khêu đàm để nguyệt; Thiền môn giáo dưỡng, quy mao thằn thụ đầu phong” (tạm dịch: Mở rộng đạo lớn như sừng thỏ, như mò trăng đáy nước/ Nuôi dưỡng mái chùa như lông rùa, như cột gió đầu cây” cho Hòa thượng Từ Văn.

Hiện nay, cặp liễn đối do chính tay cụ Nguyễn Sinh Sắc thủ bút vẫn được chùa Hội Khánh treo trang trọng tại khuôn viên thờ cụ Nguyễn Sinh Sắc và Bác Hồ. Ngoài ra, chùa cũng lưu giữ bức tranh vẽ Hòa thượng Từ Văn cùng đàm đạo với cụ Phó bảng và vị phụ tá cho hòa thượng.

Hà Nguyễn Nhà báo -Vietnamnet