“Biết đủ là đủ chứ đợi cho đủ thì không biết khi nào mới đủ”
Thầy ơi, một người bạn hỏi con: “Biết đủ là biết bao nhiêu là “đủ” đây?”
Hỏi:
Con trả lời bạn là: “Thầy mình dạy khi làm gì thì thận trọng, chú tâm, quan sát cho kỹ. Khi thận trọng sẽ ít quyết định bồng bột, sai lầm. Khi làm gì chú tâm thì kết quả sẽ tốt. Và khi đã quan sát tốt rồi thì chắc chắn lời nói, hay kết quả hành vi sẽ được kiểm soát. Đó chính là ‘Đúng’ là ‘Đủ’.
Còn nếu có mắc sai lầm thì cũng không sao, biết sai nghĩa là sẽ làm đúng thôi! Biết đủ nghĩa là không tham muốn ‘thêm’ hơn mức cần thiết. Buông những tham đắm, suy tính làm mất đi năng lượng tích cực thì tâm thái sẽ thoải mái và sẽ ít bệnh tật”.
Đáp:
Có câu “Biết đủ là đủ chứ đợi cho đủ thì không biết khi nào mới đủ” bởi vì đủ không có tiêu chuẩn nhất định mà tùy vào mức định của mỗi người.
Người xưa cũng nói: “Biết đủ thì không lỗi, biết dừng thì không nhục”. Con nói đúng, người biết thận trọng, chú tâm, quan sát sẽ biết mình, biết hoàn cảnh để thấy ra đâu là lòng tham, đâu là nhu cầu cần thiết để biết đủ biết dừng.
Nói như Sigmund Freud, văn minh của loài người hiện nay là kết quả của tính dục (libido) nên đang đưa trái đất chúng ta đến vực thẳm mà vẫn không biết đủ, biết dừng. Tình trạng suy thoái hiện nay trên toàn cầu chính là xuất phát từ không biết đủ. Mỗi người phải tự biết đủ cho mình để dừng lại đúng lúc chứ không ai đưa ra tiêu chuẩn biết đủ nào được.
HT. Viên Minh