Bồ Tát Sĩ Đạt Ta đã tuyên bố về sự quyết tâm tu tập như thế nào với Ma Vương?
Hỏi: Bồ Tát Sĩ Đạt Ta đã tuyên bố dõng dạc với Ma Vương về sự quyết tâm tu tập của mình như thế nào khi bị Ma Vương tìm cách dụ dẫn?

Lần thứ hai Ma Vương tìm cách phá hoại Bồ Tát Sĩ Đạt Ta ra sao?
Đáp:
Khi nghe những lời có vẻ đầy thiện ý của Ma vương, Bồ tát quả quyết đáp lại rằng: “Này Ác-ma, ngươi là kẻ chỉ có thể trói buộc những chúng sanh không có chánh niệm gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên để họ không thể thoát khỏi luân hồi! Ngươi đến trước mặt Ta vì lợi ích của riêng ngươi và với ẩn ý gây tai hại và rối ren cho kẻ khác”. “Ta không ưa thích chút nào về loại phước chỉ dẫn đến luân hồi khổ. Lẽ ra ngươi nên nói như vậy với những ai khao khát phước hữu lậu.
“Này Ác-ma, có những người không có niềm tin chút nào đối với Niết bàn; có những người có niềm tin như vậy nhưng tinh tấn quá yếu, lại có những người có đủ cả hai, niềm tin lẫn tinh tấn nhưng không có trí tuệ (paññā), ngươi nên nói chuyện với họ và khuyến khích họ nên trân trọng sự sống lâu. Về phần Ta, Ta có sự tin tưởng tuyệt đối rằng, nếu phấn đấu hết mức thì ngay trong kiếp này Ta sẽ giác ngộ Niết bàn – nơi mà thân Ta sẽ ngưng hiện hữu. Ta có sự tinh tấn nhiệt tình, có khả năng đốt cháy, và biến tất cả cỏ rác phiền não thành tro bụi. Ta có trí tuệ vô song, giống như cái chày sấm sét của Đế thích và có thể nghiền nát ngọn núi vô minh (avijjā) ra thành mảnh vụn. Ta cũng có cả niệm (sati) lẫn định (samādhi). Niệm giúp Ta có thể thành Phật – Bậc không bao giờ quên điều gì đã làm và được nói đến trải qua nhiều thế hệ, và định tâm đứng vững trước ngọn cuồng phong của các pháp thăng trầm, giống như cột trụ bằng đá được chạm trổ, không lay chuyển trước cơn bão lớn. Nhờ có đầy đủ năm đức tánh này giúp Ta có thể đạt đến bờ bên kia của Niết bàn, Ta đang xả thân để tinh tấn hành đạo. Với một người như Ta, tại sao ngươi muốn bàn về sự trường thọ và tại sao ngươi lại huênh hoang khuyên bảo Ta hãy tiếp tục sống?
“Này Ác ma, gió trong thân Ta, được tạo ra do tốc độ tinh tấn trong việc thực hành thiền An chỉ định (appanā-samādhi) có khả năng làm khô cạn nước sông Hằng, sông Yamuna. Vì ngươi không biết rằng tâm của Ta rất kiên định nên ngươi nói những lời về ‘sự yêu thích đời sống’. Không những tâm của Ta được trong sáng mà niệm của Ta, giống như châu báu của vị Chuyển luân, và trí tuệ của Ta giống như kim cang chùy bằng kim cương, và định của Ta cũng như núi Meru không bị lay chuyển, càng trở nên mạnh hơn và vững chắc hơn.”
“Này Ác ma, Ta muốn ngươi biết về Ta như sau: Vị thái tử Siddhattha này, là con người cao quý, bậc anh hùng thực sự, khi ra chiến trường không bao giờ lùi dù chỉ một bước. Vị ấy quả thật là vị tướng lãnh lỗi lạc, mang trên đầu những bông hoa dũng cảm, những bông hoa của loại cỏ muñja được xem là điềm tốt, là anh hùng thực sự, là lá cờ chiến thắng. Nếu Ta bị ngươi đánh bại mà rút lui khỏi trận chiến và còn sống trong thế gian này, thì quả thật đó là điều xấu hổ, nhục nhã và đáng khinh thường. Do đó, hãy xem Ta là người có niềm tin vững chắc như vầy: ‘Chết giữa chiến trận tốt hơn là nhận thất bại trước sức mạnh của ngươi!’ ”
“Vì trong thế gian này, có những vị Sa-môn và Bà-la-môn trong chiến trận phiền não, mặc chiếc y vàng và trang bị đầy đủ những món vật dụng như là bộ yên cương của họ, nhưng thiếu sức mạnh, sẽ bị mười đạo binh Ma của ngươi đánh bại. Như vậy, họ giống như những người không có ánh sáng của các đức như giới, v.v… đành phải chìm vào bóng tối. Vì họ bị khống chế bởi mười đạo binh của ngươi, này Ác ma, nên họ không còn cách nào có thể biết được con đường của bánh xe Pháp bảo, đó là Thất giác chi (Bojjhaṅga) – con đường tối thắng mà chư Phật Độc giác và Thinh văn Phật bước vào để đạt Niết bàn. Nghe Bồ tát nói những lời cương quyết như thế, Ma vương đành biến mất khỏi chỗ ấy mà không thể đối đáp được một lời.
Đại Phật Sử, Mingun Sayadaw.
Minh Huệ dịch