Chánh kiến hay nhận thức đúng tức là như thế nào?


Mình học Phật Pháp, nghe các vị thầy giảng, nghe pháp thoại và đọc các kinh sách tức là mình đang trau dồi kiến thức về con đường tu học Đạo Phật. Đó chưa phải là đã có Chánh kiến, mà mới chỉ đang học kiến thức thôi.

Giờ mình mới trở về tự kiểm chứng những kiến thức học được với những gì xảy ra nơi thân-tâm chính mình ngay trong đời sống thực hàng ngày. Qua đó mình chiêm nghiệm lại xem những gì đang xảy ra nơi mình có đúng như những gì mình học được hay không?

Trong kinh Kalama Đức Phật đã dạy “Đừng vội tin”. Khi nghe các thầy giảng pháp, đọc kinh sách, học giáo lý thì chúng ta đừng vội tin thầy, đừng vội tin kinh sách, đừng vội hoàn toàn tin vào giáo lý, mà cần trở về tự kiểm chứng lại ngay trong đời sống thực tế hàng ngày mới được. Nghe có vẻ “ngược đời” nhưng học Phật đúng là như vậy.

Chánh kiến hay nhận thức đúng tức là như thế nào? 1
Ảnh minh hoạ.

Những kiến thức học được chưa phải là sự thật, chúng mới là những mô tả về sự thật, giờ mình phải về kiểm chứng lại trên những sự kiện thực trong đời sống của chính mình. Khi nào mình chiêm nghiệm trên cái thực rồi và thấy ra “À! Cái mà Đức Phật khai thị là vậy đó, những gì Thầy dạy là vậy đó!”. Chính lúc thấy ra ấy mới là Chánh kiến.  

Xem những gì đang xảy ra nơi thân-tâm mình có đúng như những gì mình học được hay không khác rất xa với việc đem những gì mình học được áp dụng lên chính mình. Các Phật tử cần thấy rõ sự khác biệt này.

Một mặt mình sống, mình làm việc bình thường, chợt mình phát hiện sự thật ngay trên cái thực đang xảy ra và mình nói “À! Hóa ra là vậy” – đó là hướng tu học đúng đắn dẫn tới Chánh Kiến.

Ngược lại mình đem nhưng kiến thức học được, đem lời dạy của Đức Phật và của các vị thầy, đem những chứng nghiệm của người khác về ép vào những gì mình đang trải nghiệm thì lại là tu học sai hướng. Bởi vì tất cả những kiến thức học được đều chưa phải là cái thực, mình đem những cái không thực áp dụng vào cái thực đang xảy ra nơi chính mình thì chỉ làm rắc rối thêm, chứ làm sao thấy sự thật mà có Chánh Kiến.

Vậy nên mình cứ trải nghiệm & chiêm nghiệm trọn vẹn những gì đang xảy ra, và chính ngay trên cái thực đang xảy ra ấy mà tu học, mà thấy ra sự thật. Thấy ra ngay trên trải nghiệm thực gọi là Chánh Kiến. Tức là thấy ra sự thật ngay từ trải nghiệm của chính mình qua mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý, cho nên gọi là Chánh Tri Kiến, hay nói cho đầy đủ là Chánh Kiến-Văn-Giác-Tri. 

Tóm lại Chánh Kiến phải là cái thấy dựa trên trải nghiệm thực qua mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý chứ không phải ngồi mà tưởng tượng.

Vậy nên khi học Phật Pháp, học Giáo Lý cần lưu ý những điều sau :

+ Kiến thức ấy đang được diễn tả bằng ngôn ngữ

+ Kiến thức ấy đang được giải nghĩa và dẫn dắt bởi người giảng

+ Kiến thức ấy đang được tiếp nhận qua cách hiểu biết của cá nhân mình

Như vậy những gì Đức Phật dạy tới được nơi mình ít nhất đã qua 3 lần “sao chép”, nên người ta mới có câu “tam sao thất bản”. Lời Đức Phật dạy tới được nơi mình đã thành “tam sao thất bản” rồi, cho nên thi sĩ Bùi Giáng mới có câu thơ:

“Người nằm xuống từ ngàn xưa vang bóng

Ta bước qua ngôn ngữ rụng hai lần”

Ý nói chân lý vô ngôn từ ngàn xưa vẫn vậy, nhưng khi diễn tả chân lý ấy qua ngôn từ thì những từ ngữ ấy phải rụng hai lần, mà theo Thầy ít nhất phải rụng tới 3 lần hay 4 lần mới thấy được sự thật, mới có Chánh Kiến được. 

Vậy nên học Giáo Lý là tốt, nhưng cần phải tự kiểm chứng qua trải nghiệm thực thì nhận thức mới tự điều chỉnh để trở nên chính xác được…

Thầy Viên Minh