Chiếc lá rơi không phải từ vô minh, cũng không phải từ giác ngộ

Ngay cả khi chiếc lá rơi từ vô minh nó cũng đang hướng về sự giác ngộ. Nhưng nếu đã hiểu rõ rằng vô minh và giác ngộ vốn không hai, thì chiếc lá rơi đơn thuần chỉ là chiếc lá rơi.

Trong cái nhìn của Bát Nhã, tất cả các pháp đều không có tự tánh, không có thực thể độc lập kể cả vô minh và giác ngộ. Nếu nói “chiếc lá rơi từ vô minh” tức là đã thừa nhận vô minh có một thực thể cố định, có nơi chốn để chiếc lá rơi xuống. Nhưng khi quán chiếu thấu đáo, ta thấy rằng vô minh không phải một thực tại có thật mà nó chỉ là một khái niệm sinh khởi khi có sự chấp trước và vọng tưởng.

Nói cách khác, chiếc lá rơi không phải từ vô minh mà từ nhân duyên hội tụ. Chiếc lá rơi vì đủ duyên để rơi, không hẳn do vô minh cũng không hẳn do giác ngộ. Khi trí tuệ Bát Nhã soi sáng, không có gì thực sự “rơi từ đâu” cả vì vốn không có cái gì “thật có” để mà rơi.

Nếu vô minh sinh ra chiếc lá rơi, thì cũng chính vô minh là duyên dẫn đến giác ngộ. Trong Phật pháp, vô minh không phải là một thực thể bất biến. Chính nhờ vô minh mà có sự khát khao tìm kiếm trí tuệ. Một kẻ đang mê mới có cơ hội giác ngộ; nếu đã là Phật rồi thì chẳng còn gì để giác ngộ nữa.

Vậy nên, ngay cả khi chiếc lá rơi từ vô minh nó cũng đang hướng về sự giác ngộ. Nhưng nếu đã hiểu rõ rằng vô minh và giác ngộ vốn không hai, thì chiếc lá rơi đơn thuần chỉ là chiếc lá rơi. Không phải từ vô minh, cũng không phải từ giác ngộ. Nó chỉ là sự vận hành tự nhiên của pháp giới.

Cách thấy rõ quá trình sinh diệt

Chiếc lá rơi không phải từ vô minh, cũng không phải từ giác ngộ 1
Ảnh minh họa. 

Nếu chiếc lá rơi từ vô minh, thì gió, cành cây, mùa thu có vô minh không? Một chiếc lá rơi không thể đứng ngoài nhân duyên mà tồn tại độc lập. Nó rơi vì có gió, có mùa thu, có sự già cỗi của cành cây, có quy luật sinh diệt của vạn vật. Nếu ta bảo rằng nó rơi từ vô minh, vậy có phải gió cũng vô minh? Có phải mùa thu cũng vô minh? Hay cả thiên nhiên đều đang vận hành từ vô minh?

Nếu nói như vậy, thì vạn vật đều đang “vô minh” mà vận hành, nhưng có thực là vậy không? Hay chỉ vì ta còn dính mắc vào nhị nguyên giữa vô minh và giác ngộ, nên mới nhìn sự rơi ấy bằng một nhận định phân biệt? Một chiếc lá có thể rơi, nhưng pháp giới thì không rơi vì nó vốn chưa từng sinh, cũng chưa từng diệt.

Chiếc lá rơi không phải từ vô minh, cũng không phải từ giác ngộ nó rơi từ nhân duyên và tự tánh vốn Không.

Khi chưa hiểu rõ bản chất của thực tại, ta nhìn mọi thứ từ nhị nguyên: vô minh hoặc giác ngộ, sai lầm hoặc chân lý. Nhưng khi trí tuệ Bát Nhã soi sáng, cả vô minh và giác ngộ đều là những khái niệm tạm thời, không có tự tánh riêng biệt.

Chiếc lá rơi không phải từ vô minh, cũng không phải từ giác ngộ. Nó chỉ là sự vận hành tự nhiên của pháp giới, của nhân duyên, và của Tánh Không bất biến.

Vậy thì, chiếc lá có thực sự rơi không? Hay chỉ có tâm ta đang rơi vào ý niệm nhị nguyên giữa vô minh và giác ngộ?

Trần Việt Nhân