Chơn lý Tánh thủy
Tổ sư Minh Đăng Quang.
Tánh thủy là tựa đề (18) của một bài viết trong Bộ Chơn lý, gợi ý một góc nhìn dung thông giữa đạo Phật và nền văn hóa phương Đông nơi mà hệ thống tư tưởng Khổng Mạnh là nền tảng.
Quân tử tánh như thủy
Ông Khổng Phu Tử nói:
Phu là đại trượng phu
Tử là chí quân tử
Chí quân tử xưa nay
Lấy cửu châu1 lập nghiệp
Đại trượng phu cũng vậy
Lấy tứ hải vi gia
Tức bốn biển là nhà!
Người trượng phu quân tử
Tánh như mây, như nước
Bay khắp cùng thiên hạ
Mà được chỗ hơn người
Phật gọi là tâm thủy
Là trời trăng mây gió
Vì lớp trong nổi lên
Lớp trên mắt kiếng nước
Có ánh sáng ngũ sắc
Soi rõ cả muôn hình
Tất gọi là mắt trời
Nơi mặt biển, trời nước
Dính liền một màu sắc
Gọi đó là chân trời
Trên trời có chi thì
Xem trên nước sẽ thấy
Nên gọi là Trời nước.
Trời là lớp trên cao
Thanh nhẹ, chớ không phải
Là không gian trống rỗng
Trong võ trụ không gian
Bao những quả địa cầu
Không có đâu trên dưới
Tiếng nói lớp trên đây
Là nước, còn chất nặng
Dơ lóng xuống là đất.
Gọi trời trên đất dưới
Câu nói ấy chỉ nơi
Sự sống của loài người
Câu nói ấy so sánh
Để dạy trẻ em rằng
Thiện là đạo, thiên đường
Nước trong sạch trên cao
Còn ác là vô đạo
Là địa ngục như đất
Dơ bẩn ở dưới thấp.
Thiện: Đường đi xa dài
Ác: Đoản ngắn chẳng lâu!
Thiện như là lý trí
Là tinh thần như nước
Còn ác là sự vật
Vật chất như đất bùn
Như khám ngục khổ đau!
Người quân tử trượng phu
Tức là như trời nước
Bao la rộng lớn hơn
Khác kẻ ác tiểu nhơn
Thất phu2 tâm nhỏ hẹp
Như hột cát hang sâu.
Giáo lý ấy chỉ dạy
Phân định tâm lượng người
Chớ địa ngục thiên đường
Không phải là đâu cả!
I.
Nước là một chất lỏng
Chan hòa với các chất
Như sự không xan tham
Chan sớt sống chung cùng
Với tất cả chúng sanh
Nước bao giờ cũng mát
Dầu phải bị đốt nấu
Thì sau đó nó cũng
Mát trở lại tánh cũ
Cũng như người quân tử
Không bao giờ sân giận
Dầu bị ai gây, chọc
Cái nóng ấy cũng chỉ
Trong giây lát mà thôi!
Vì bởi người đã quen
Tánh mát ấy tự nhiên
Tự nhiên nó mát lấy!
Nước màu sáng trắng cũng
Như trí người quân tử
Chẳng chút giận, si mê.
Mặt nước thì bằng phẳng
Sáng rỡ và tự nhiên
Cũng như sự im lặng
Sự chơn như, công bình
Theo đạo lý giác ngộ
Như sắc diện sáng rỡ
Bậc quân tử trượng phu
Nước trong như lòng không
Dính lợi của nhà đạo
Giống như vị nước ngọt
Giống lời nói người hiền
Nước ngọt như lòng mẹ
Nhẹ hay chảy có đường
Nên kêu là nho nhã3
Là nhu hòa, nhu đạo!4
Nước lưu thông thì không
Chi ngăn bít được nước
Cũng như nhà thông thái5
Chu du khắp thiên hạ
Chỗ nào cũng đến được
Nước không hột phân tách.
Cũng như lòng sống chung
Của từ bi bác ái
Đại đồng của nhơn loại
Bình đẳng nhà đạo đức
Không chia rẽ phân biệt
Không ích kỷ riêng tư.
Nước chỉ một màu trắng
Tức là sự thanh bạch
Của các vị đạo sư
Nước cũng có vị lạt
Nhưng khi biến sanh đất
Thú, cỏ, cây, sắt, đá…
Thì có đủ mùi vị
Như pháp giáo Thánh Hiền
Lời lẽ rất bình dị
Mà tánh cách nghĩa lý
Rất quý hay, mầu nhiệm
Do đó mà sanh đẻ
Của chúng sanh sự sống
Thiếu ăn thì người tu
Còn có thể nhịn được
Thiếu nước ắt chẳng xong
Thiếu không ác không sao
Thiếu thiện lành thì chết.
Nước ao này ao kia
Tuy khoảng cách dài ngắn
Nhưng nó cũng có thể
Hang mạch thông đồng nhau
Cũng như xứ đạo đức
Bên này và bên kia
Tuy ở cách xa nhau
Chớ tinh thần lý trí
Điều lành lúc nào cũng
Dung hợp lại làm một
Không ai ngăn cản được!
Nước bao giờ cũng lắng
Thấm nhuần trong lòng đất
Làm cho đất dính liền
Khắn khít không đến nỗi
Khô khan từng hạt bụi
Như giáo lý Thánh Hiền
Lúc nào cũng từ bi
Thương xót kẻ lợi danh
Dạy khuyên kẻ ác quấy
Cảm hóa phải từ từ
Chớ không nỡ để cho
Họ chia rẽ tương tàn
Tương sát hại lẫn nhau!6
Không ai chém giết đánh
Đập được nước, hại nước
Dầu sau cơn quậy, động
Nước vẫn về yên lặng
Bằng phẳng tự như nhiên
Không có chi hề hấn.
Người quân tử cũng vậy
Chẳng bất bình ai cả
Cũng chẳng chi làm tổn
Hại xao xuyến tâm người
Dù ai múc nước uống
Hay đem nước nấu khô
Hay đổ đi đâu nữa
Nước cũng về với nước!
Là chất nước trở về
Hoặc nước chết thân hình
Còn linh hồn của nước
Làm mây và hóa mưa
Sanh thân trở về với
Nước lại y như cũ
Khác nào người đạo dù
Ai cám dỗ đi đâu
Lợi danh nào ràng buộc
Thì lòng đạo bao giờ
Cũng trở về với đạo
Chẳng bằng xác thịt được
Thì sau khi chết đi
Linh hồn cũng trở về
Sanh nơixứ đạo mình.
Nên gọi xứ của người
Quân tử chỉ có thêm
Chớ không hề có bớt
Không hề bị thất lạc
Rơi rớt mất một người!
Vì người quân tử thì
Không vong bổn bỏ đạo
Mà chịu đi xu hướng
Ở lại với ai ai
Chỗ nào tài danh lợi!
Người quân tử chẳng mất
Cũng như nước bao giờ
Cũng hoàn lại về nước!
Nước của quả địa cầu
Dầu bốc hơi thành mây
Nhưng xoay đi lộn lại
Thì đời đời kiếp kiếp
Vẫn y nguyên một mực
Không dư và không thiếu!
Khác nào người quân tử
Cư xử với cuộc đời
Lúc nào cũng y vậy
Chẳng lưng cũng chẳng đầy
Sau trước không sai khác.
Nước dẻo dai, mềm yếu
Nho nhã và nhu hòa
Chan sớt tùy lớn nhỏ
Mà bền bỉ mạnh yếu
Hay lớn nhỏ nặng nề
Như biển dã mênh mông
Cũng như thùng nước nặng
Máy chạy mạnh bằng nước
Hay như nước còn hoài
Không mất cũng không chết!
Nước bao giờ cũng là
Như con của tất cả
Mà nước cũng lại là
Chúa tể, là cha nuôi
Là mẹ sanh, thầy dạy
Của tất cả chúng sanh.
Vạn vật và các pháp
Thảy do nước mà ra
Chữ “quân” là vua của
Xã hội người tôn xưng
Chữ “tử” là tự mình
Là con của người xưng
Tự mình gọi mình tôn
Là đạo người quân tử
Là che chở sanh sản
Giáo hóa cả muôn loài
Là vô cùng cao quý.
Tuy mềm yếu, lỏng nhẹ
Trôi chảy và chiều chuộng
Như sợ sệt, ai muốn
Sao theo vậy, cũng như
Không ta, không tự chủ
Không nhứt định, là cái
Sự sống của chúng sanh
Sống tùy theo nhân duyên
Như thế – một sức mạnh
To lớn và ích lợi
Được bền dài… sống mãi!
Người quân tử thắng được
Cái ý của chính mình
Thắng được cái thô lỗ
Cái cộc cằn, dốt nát
Cái ngang bạo, tự đắc
Tự cao và kiêu hãnh
Ngã mạn, chấp ta mình
Nên gọi là thắng hay
Sự mới mẻ lạ lùng
Ít làm được mới quý.
Trong đời sự thành công
Bậc chính nhân quân tử
Cũng như hạt mưa chảy
Thành lối mòn trên đất
Và lôi rủ bòn vét
Kéo đất xuống dòng sông
Là cho nước càng cao
Đất càng thấp trồi lên
Đất kia mòn lẵn xuống
Như “nước chảy đá mòn”.
Nước thì bao giờ cũng
Ở trên đất, gò cao
Nước thì ở hố thấp
Vẫn luôn ở trên đất
Như gặp chỗ đất thấp
Nước phủ tràn bít đất
Đất thì không bao giờ
Bít được nước, che nước
Vì không ở chỗ đó
Nó sẽ chảy chỗ kia
Cũng như trên mây thì
Hơi nước trên hơi đất
Hoặc khi mưa xuống thì
Nước đọng trên chót núi
Trên đỉnh nhà mà thôi!
Nên gọi thiện là đầu
Ác là chơn thấp dưới
Nước trên ác chơn dưới
Người quân tử là kẻ
Trên đầu của chúng sanh
Cũng y như vậy đó!
Ai mà không tôn kính?
Không phải đem của cải
Nâng cao người quân tử
Ai không đem vật chất
Kéo trôi theo nguồn đạo
Ai mà chẳng hạ bỏ
Xác thân để tô đắp
Với đạo thiện trên cao?
Dầu cho giữa cõi đời
Cái ác cao đến mấy
Vật chất chỗ cao nhiều
Cái thiện bị lấn áp
Chớ không phải cái thiện
Là ở dưới đáy sâu
Trái lại, xứ nào để
Ác thấp, vật chất ít
Là đạo đức sẽ phủ
Tràn giăng bủa như nước
Ngập mênh mông kia vậy.
Nước là đạo, là pháp
Nước là thiện, là lành
Nước sống đời vĩnh viễn
Tánh của người quân tử
Là tâm của chư Phật
Thân của trời chư Thiên
Là trí của loài người
Khi xưa bậc hiền triết
Muốn chúng sanh tập theo
Tánh nước…sống ở đời
Nên đặt tên là nước
Nước là dân,là đạo
Là tâm thủy, tánh nước.
Người biết lo việc nước
Tức trau dồi tâm thủy
Tập tánh quen như nước
Chớ nào phải là sự
Đánh giết hại ai đâu.
Nước là quân tử, Phật
Mà các bậc đại hiền
Muốn tất cả đều tu
Chỉ đạo cho ngó thấy
Lấy nước mà so sánh
Cho dễ hiểu, mong đời
Trở nên thành xứ Phật
Xứ đạo đức, hiền lương
Chớ nào có bảo việc
Hơn thua và tranh lợi.
Nước có đất: Nước dơ
Người quân tử cũng vậy
Không dơ vì cái lợi
Và bỏ cái lợi là
Đất xuống dưới đáy chưn
Tạt qua hai bên lề
Chớ tánh nước chẳng chịu
Chấp chứa điều dơ mãi
Người ta thường giặt rửa
Cái dơ vào trong nước
Thì với sự yên lặng
Cái dơ lóng xuống đáy
Hay lúc có sóng gió
Cái dơ tạt lên bờ!
Sự điềm tĩnh người tu
Cũng y như vậy đó
Hạ bỏ các phiền não
Xuống tận dưới đáy lòng
Cùng khi nói, làm là
Xô dẹp qua một bên.
Tánh người tu vốn thường
Trong sạch và yên lặng
Nước dơ thì tự nó
Rửa lấy bằng yên lặng
Chớ chẳng nhờ ai hết!
Tự nó làm, xô đẩy
Theo nhơn duyên êm ái
Cũng chẳng phải sát sanh
Nặng lòng ai tất cả!
Đồ dơ lấy nước rửa
Người dơ lấy nước tắm
Nước dơ hay quân tử
Người tu có dơ là
Tự họ tắm rửa lấy
Chớ chẳng phiền, nhờ ai?
Ai cũng uống nước sống
Tự tắm nước làm sạch
Gần nước thì mát mẻ
Cũng như vậy, người tu
Nghe đạo đức mà no
Đã khát và vui sống
Dùng pháp lý gội rửa
Thân tâm và trí tánh
Gần người tu quân tử
Thì thân tâm mát mẻ
Trí sáng suốt làu làu!
Dầu nước ao, nước sông
Nước rạch hay nước nguồn
Thảy đổ vào biển cả
Bao nhiêu màu sắc cũng
Đều hòa chung một màu
Như bao nhiêu tông giáo
Giáo phái, chi nhánh pháp
Của đạo đức đều đến
Về chung một mục đích
Là Niết-bàn nhà đạo!
Khi mọi người đều đến
Mục đích đắc đạo rồi
Thì không còn thấy mình
Chia rẽ hay xa lạ
Và phân biệt màu sắc
Với ai ai kẻ khác
Như hồi thuở đang tu
Mang xác thân đen trắng
Của khi còn trẻ thơ
Thế màu của chúng sanh
Là màu của đạo đức
Chỗ ở của chúng sanh
Tối thượng là Niết-bàn7
Trước sau ai ai rồi
Cũng phải gặp nhau nơi
Ngày cuối chót kia thôi.
Nước biển thì bay lên
Trên không trung làm mây
Mây mưa rưới sông ngòi
Sông ngòi tuôn về biển
Phận việc xoay tròn thế
Nước biển vẫn một mực
Không hề cao hay thấp
Và chỉ còn tồn tại
Một chất mặn lâu năm
Của đồ dơ đọng lại
Chất mặn đồ dơ ấy
Hóa lần thành sắt đá.
Cũng y như thế đó
Tâm của người quân tử
Lọc chứa cái dơ lại
Mà bỏ thành sắt đá
Cứng trơ như vật chết
Thiện pháp như mây khí
Sạch ngọt lại mát trong
Đưa lên cao để rưới
Bố thí và cứu giúp
Nuôi sống cho người đời!
Và để lôi quến chất
Dơ ác trược của đời
Đem vào chôn sâu nơi
Đáy biển của tâm người
Cho thành ra sắt đá
Để dùng vào việc khác.
Phận sự của người tu
Phải tế độ8 sàng lọc
Các pháp của chúng sanh
Phải là y như vậy
Mới gọi là con rồng
Ở trong biển phun mưa
Giúp đỡ cùng thiên hạ!
Trong biển không bao giờ
Chứa một cái tử thi
Hay một món vật chất
Các vật ấy phải bị
Lóng chôn sâu lòng đất
Hay bị tạt lên mé
Hoặc nổi thành cù lao
Mà trong nước thì không
Có chứa món chi cả!
Trong tâm thức vô biên
Quảng đại của nhà đạo
Không thiên vị dung chứa
Một xác thân hư huyễn
Hay của cải ai ai
Trí của nhà đạo đức
Lúc nào cũng không không
Trống rỗng trong sạch như
Nước mát không bụi bặm
Chỉ biết có đạo lý
Tinh thần mà bỏ qua
Xác thân và của cải
Dẹp xuống dưới chân đường
Đặng thong thả, lo việc
Sống chung trong thiên hạ
Để tâm trí bao la.
Người ta thường tắm mưa
Nước trên đầu không sao
Chớ đất rớt trên đầu
Thì ai cũng bị hại!
Cũng giống y như vậy
Lời đạo đức từ trên
Dạy xuống ai cũng nên
Lời ác trược đè dạy
Ai cũng phải khốn lụy!
Người ta đội lẽ phải
Chẳng ai đội lẽ ác
Cũng thế, không bao giờ
Người chết chôn trong nước
Chỉ có đất là chỗ
Chôn người chết mà thôi.
Còn người quân tử thì
Không thể chết vì lợi
Không bị lợi đè chôn
Nên mới gọi là người
Sống mãi mãi trong đời!
Người ta vì làm ác
Mà bị chết, bị khổ
Chớ kẻ thiện có ai
Đi giết hại làm gì.
Vậy cho nên, kẻ thiện
Là không chết, bị chôn
Và người thiện, sống thiện
Chẳng giết chôn ai cả!
Những khi có bão tố
Thì nước đục dâng lên
Tràn vào ao nước trong
Đến khi nó ở yên
Lần hồi tự lóng trong
Như chất nước ao trong.
Cũng như thế, một xứ
Có đạongười quân tử
Không ngăn cấm ai cả
Dầu ngoài xứ có ai
Vào vì lòng tham lợi
Khi vào ở yên đó
Không vật chất bám níu
Nên cũng phải tự sống
Lo tu theo như người
Và bởi xứ quân tử
Không lầu đài, xe cộ
Dư dả hay khoe khoang
Như nước trong không bụi
Chẳng cấm cản ai hết.
Trái lại, những ai đến
Đó đều phải quy tùng
Trộm cướp và chiến tranh
Không hề xảy ra được!
Nước ao trong chảy ra
Ngoài sông đục chung lộn
Cũng như khi đào đất
Moi giếng gặp nước trong
Nước trong, ai cũng quý
Vui mừng lo cất giữ.
Người đạo đức trong xứ
Khi ra đi đến đâu
Cũng làm thầy thiên hạ
Khắp xứ nhờ tôn kính!
Ví bằng khi nước dơ
Tràn ngập đến đâu đâu
Gặp người sống ích kỷ
Muốn giữ nước ao trong
Thì đắp đất ngăn chặn
Đất ấy, tức vật chất
Của cải và tiền tài
Cũng như nếu có kẻ
Vì tham muốn cám dỗ
Tìm mưu kế giành giựt
Phá bỏ đạo tu hành
Thì người ta liền đem
Của bố thí giúp họ
Mà ngăn ngừa cái hại.
Cũng như thí ăn mày
Ngoài cửa… họ mới đi
Khỏi phải bị khuấy rối
Cửa nhà mới chịu đi.
Đạo lý là nước trong
Nước đục dơ tràn lên
Là ý muốn của tham
Tiền của đất đắp bờ
Con đường của người là
Trên bờ lộ của cải
Đường đi ở trên đất
Đạo đứng trên vật chất
Chẳng phải đường trong đất
Dưới đất hay là đạo
Có ở trong vật chất?
Trong đất vật chất là
Khám ngục gọi địa ngục
Kẻ tôn thờ vật chất
Sống khác nào đã chết
Như thây ma dưới mả!
II.
Nước và đất khác nhau
Đất lóng xuống đáy nước
Tức là phẩn của nước
Người ở trong vật chất
Như con trong bụng mẹ
Chịu ngộp đắm mê mờ!
Nước cũng có tiếng thanh
Trong khi bị đụng chạm
Nhưng rồi biến tan mất
Như thường không dấu vết.
Cũng như người quân tử
Danh lừng lẫy vang động
Im lặng với thời gian
Không dấu vết tai hại!
Khác hơn đất cũng có
Tiếng động vang kêu khua
Sau vết tích còn hoài!
Sự đau không lành mạnh
Giống như kẻ làm ác
Bằng vật chất lưu tích
Thán oán nó phải bị
Ghi chạm kêu ca mãi.
Nước có đường, là đạo
Đất không đường, vô đạo
Đất là con của nước
Bởi nước lóng nuôi sanh.
Nước là bà mẹ hiền
Đất là con khờ dại
Dơ, tối tăm mê muội
Cũng như kẻ ác là
Con của người hiền thiện.
Ác là con nhỏ dại
Hay phá hại mẹ lành
Nhưng trái lại mẹ lành
Bao giờ cũng tha thứ
Cho đứa con ác dại!
Tuy vậy, con đánh mẹ
Mẹ chẳng đến nỗi gì
Mà con thì mang hại
Lấy đất liệng vào nước
Nước vẫn không hề hấn
Đất thì bị tan rã.
Kẻ ác cũng như thế
Tự mình hại lấy mình
Sức mưu của mình làm
Cho mình bị chết khổ
Chớ kẻ thiện kia thì
Nào có bị sao đâu.
Trong đời không ai nỡ
Đi giết hại người hiền
Trái lại, kẻ tội ác
Khó an toàn thân mạng.
Người đời ban, cuốc đất
Không ai ban, cuốc nước
Đất có cao thấp là
Như giai cấp thế quyền
Bị người cuốc cái cao
Gió thổi quét cái cao
Cái cao phải bị mòn
Giẫm đạp cho thấp xuống.
Thật vậy, ai cũng muốn
Đắp cái thấp vì thương
Ghét cái cao muốn hại!
Cũng như, do vì lợi
Con người mới ác gian
Từ sự cuốc đất đến
Cuốc cỏ cây thú người
Cũng vì cái lợi mà
Lợi ấy sẽ ra phân
Và thành lại món ăn
Sự cuốc để gieo trồng
Cái giống ác, khổ đau
Để rồi phải sanh bịnh
Ăn đắng cay chua chát.
Thế mà người vẫn cuốc
Để cho mệt, cho chết
Cho mau bệnh, mau già
Cuốc lỗ để chôn mình!
Như con dế đào hang
Cố moi lấy cái chỗ
Cho thân nằm yên chết
Chịu sự chết vô tình
Bao bàn chân giẫm đạp
Nát tan rã xác hình
Mà không ai thương xót.
Kìa đất có lỗ hang
Nơi sụp đổ chôn thân
Thế mà chẳng ai lìa
Để bay cao tránh khỏi.
Lắm kẻ lại đội đất
Đội cái lợi vật chất
Tiền tài phủ lên đầu
Cùng ngăn che bốn phía
Tự giết hại tâm mình
Rồi kêu la giãy giụa
Hung hăng giữa cô quạnh
Làm trò cười thiên hạ
Đất đứng cao làm vách
Mới phải bị ngã nhào!
Khác nào sự không công
Của người hay, người giỏi
Đất lục cục to nhỏ
Chen lấn nhau xô xát
Khác nào những gia đình
Cộng đồng thế giới tranh
Đất không ai động đậy
Nó cũng nứt, cũng đổ.
Cũng như người vì tham
Vì lợi, chia đồng bào
Đất hay sanh ra thú
Là chỗ ở của thú
Với quỷ ma hang động.
Cũng in như xứ sở
Nhiều vật chất chỗ chứa
Kẻ ác gian xảo quyệt
Chỗ kẹt đất hang sâu.
Cũng như một đứa trẻ
Sanh ra rớt trên đất
Người ta đi trên đất
Người dọn dẹp cỏ gai
Nơi đất có đường đi
Người ta quét lượm rác
Bụi để đem vất thải.
Khác nào sự vô ích
Kẻ tham lam vì lợi
Phải bị chết bị đày
Dễ nuôi tạo người hiền
Trên cõi xa dài rộng
Tinh khiết của thời gian.
Tuy đất bụi năng chứa
Vàng ngọc và của báu
Thường sanh cỏ cây thú
Và tiến hóa đến người
Dầu người có biết ơn
Cũng giẫm đạp bới xới
Giết hại nó mà thôi!
Kẻ ác cũng như thế
Cái tham quấydơ bẩn
Của nó là phân chất
Giúp kẻ trí người hiền
Cho tinh thần mạnh lớn
Trái lại, nó là vật
Cần dùng, khi hư bỏ
Chẳng ai tiếc, nhắc ơn!
Đời của nó chỉ là
Sự tôi mọi hy sinh
Chết mình chẳng ai thương!
Tội nghiệp dành chi cả
Nó là đất trơ trơ
Là vật chết, cát bụi
Bay theo những luồng gió
Chớ nó nào có biết
Cái chủ, cái sống, ta
Và ta là của ai?
Đất: Đứa trẻ chết trơ
Nước: Bà mẹ sống đời
Đất như kẻ ở tù
Nước… thong thả dạo chơi!
Lớn hơn hết là nước
Vì nước là mênh mông
Nhỏ hơn hết là đất
Vì đất từng hạt nhỏ
Đời sống của đất như
Đứa nhỏ rồi sẽ lớn
Và biến đổi khác hình
Chớ không phải chỉ là
Đất mãi mãi một màu.
Đất cũng như thân sống
Nước là miếng ăn, sống
Không nước sanh và nuôi
Đất phải bị chết trơ!
Nước ví thể linh hồn
Đất là phần xác thịt
Nếu thiếu mất linh hồn
Như kẻ chết, người điên!
Sự thiện ác cũng thế
Trên trời nước, dưới đất
Giữa hột giống nhơn người
Là trên ác, dưới thiện
Đạo thời gian mãi mãi
Là sự sống sạch sẽ
Bằng thẳng dài rộng lớn
Gồm tất cả pháp lành
Dứt đi các điều ác
Đạo ấy là con đường
Giác ngộ của con người
Nên gọi đạo người là
Đạo giác ngộ đạo Phật
Chánh đẳng giác9 Trung đạo10
Là chủ nhơn hột giống
Do nước đất sanh thành
Tạo tác và dưỡng dục
Giáo lý chẳng hay cùng.
Tóm lại, có nước mới
Có đường đi là đạo
Đạo của người quân tử
Đạo làm con mà người
Kính trọng tôn là vua.
Đạo là sự giác ngộ
Thực hành của tất cả
Mà chúng ta đừng ai
Làm cho đất tan rã
Cái nước chảy trôi xuôi
Cái chết, khổ không đâu.
Chúng ta phải là những
Cái cây cao sống mãi
Đứng hoài rút lấy trong
Đất, nước, ác và thiện
Cái sống giác để nuôi
Nhánh lá và hoa trái
Để hột giống khô mãi
Cái chơn như bất diệt
Làm lẽ sống đời đời
Hay nói đúng hơn là:
Có đời trong đất nước
Được thế chẳng hay hơn?
Thân ta là từ đất
Kết hợp nước sanh ra
Tánh ta là từ nước
Sanh ra bởi do gió
Trí ta là từ gió
Sanh ra bởi do lửa
Tâm ta là từ lửa
Sanh ra bởi do đất.
Tánh nước thì năng sanh
Năng tắt trừ tâm lửa
Trí gió thì hay thổi
Hay quét sạch thân đất
Người sống đời như nước
Gió ấy kẻ bề trên
Cao hơn khắp thiên hạ
Là kẻ ở trên trời
Vậy ai muốn làm trời
Thì hãy xem mình như
Nước, gió và tránh xa
Chỗ đất lửa kia đi.
Như ta muốn làm Phật
Giữ luôn cả đất nước
Lửa gió… nên nhớ rằng:
Có nước thì đất mới
Sống: Là bản thân ta
Có gió thì nước mới
Sống: Là tánh của ta
Có lửa thì gió mới
Sống: Là trí của ta
Có đất thì lửa mới
Sống: Là tâm của ta.
Nghĩa là: Sự nóng lạnh
Mát nguội phải dung hòa
Đừng cái nào nhiều ít
Mà mang khổ vướng lụy
Như là sự ở đời
Phải có lỏng, có đặc
Có hơi và có nóng
Đều đủ không tai nạn.
Mà cũng nên nhớ rằng:
Thái quá và bất cập
Sự tai hại không vừa
Nếu thiếu một pháp thì
Ba pháp kia cũng khó
Đặng bình yên, đứng vững.
Chính sự sống: Giác ngộ
Người biết sống, muốn sống
Được sống mãi đời đời
Hiểu nước để hiểu đất
Đặng hiểu cả lửa gió
Người biết rõ tứ đại
Tức là Phật – Như Lai.
Vậy chúng ta nên phải
Tu tinh tấn làm Phật
Và đặng cho cõi đời
Trở nên là xứ Phật
Thì quý biết dường nào!
Sao ai ai lại chẳng
Cầu mong “Một lẽ sống”
Vì ai ai cũng là
Thành Phật – Tánh thủy hết.
———————————————
1 Cửu châu: để chỉ 9 đơn vị hành chính cổ đại của Trung Quốc, bao gồm Ký Châu, Duyện Châu, Thanh Châu, Từ Châu, Dương Châu, Kinh Châu, Lương Châu, Ung Châu (Úng Châu) và Dự Châu.
2 Thất phu: người dân thường, kẻ vô học.
3 Nho nhã: người có dáng vẻ học thức.
4 Nhu đạo: đường lối uyển chuyển.
5 Thông thái: một thuật ngữ dùng để chỉ ѕự am hiểu ѕâu rộng những kiến thức về nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc ѕống хã hội ngàу naу.
6 Tương sát: tàn sát lẫn nhau.
7 Niết-bàn: là một khái niệm trong Phật giáo và Ấn Độ giáo, là mục đích chính, cuối cùng của các nhà tu hành. Tuy nhiên, Phật giáo lại nhìn nhận Niết-bàn là trạng thái diệt tận được tham ái, sân hận và si mê để đạt đến trạng thái bình lặng tuyệt đối. Còn riêng về Ấn Độ giáo, Niết-bàn là sự trở về của linh hồn cá nhân (Atman) vào với linh hồn vũ trụ (Brahman), của tiểu ngã vào với đại ngã.
8 Tế độ: cứu vớt chúng sinh ra khỏi bể khổ, theo đạo Phật. Ra tay tế độ.
9 Chánh đẳng Chánh giác: chỉ cho Đức Phật, là cha lành của muôn loài, là thầy chung của thế giới, là chúa tể của võ trụ, cũng chính là chơn lý pháp bảo.
10 Trung đạo: là con đường giữa. Chánh là giữa, bên là tà, chánh giữa kêu là đường đạo. Đường là giữa hai bờ lề hai bên nên kêu là Trung đạo, đạo chánh.
Đức Tổ sư Minh Đăng Quang và Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam