Chữ “tâm” nhà Phật
Phật pháp thiên kinh vạn quyển mà chỉ dạy người một chuyện là tự biết “tâm” mình mà thôi.
“Tâm” là một thể bản nhiên thanh tịnh, không có sanh diệt, không có xưa nay, không có lớn nhỏ, không có số mục, không có người, không có ta, không phải hư không mà cũng không phải có hình tướng. Phật cũng “tâm”, pháp cũng “tâm”, chúng sanh cũng “tâm”, khắp ba giới mười phương chi chi cũng là “tâm”, nên chỉ nói đến Phật pháp tức là nói “tâm”.
Ví như trong một thế giới, nào núi, nào sông, nào thành thị, nào biển cả, động vật, thực vật từ xưa đến nay biết bao nhiêu là hình trạng; lớp cũ có, lớp mới có, đời này khác, đời trước khác, cảnh tượng dầu thay đổi đến đâu, nhưng vẫn trong một thế giới.
“Tâm” cũng vậy, dầu làm thánh, dầu làm phàm, dầu làm ngu, làm trí, chi chi cũng ở nơi “tâm” mà ra cả. Thành quách núi sông nương theo thế giới mà có, cũng như tất cả các pháp ở thế gian và xuất thế gian đều do nơi “tâm” mà sanh.
Trong một “tâm”, chưa nói đến toàn thể tất cả chúng sanh, chỉ nói riêng từng người, từ vô thỉ dẫn lại, đã biết bao nhiêu thân, biết bao nhiêu kiếp; sanh rồi tử, tử rồi sanh, khi giàu khi nghèo, khi sang khi hèn, khi buồn khi vui, khi lành khi dữ, tùy theo nhân quả mà xây vần trong biển nghiệp, đã nhiều phen hưởng phước trên các cõi trời, mà cũng đã nhiều phen chịu khổ trong ba đường địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ chớ chẳng không. Tuy làm nhân nào thời chịu quả ấy, trải biết bao lưu chuyển luân hồi, nhưng nhân quả luân hồi cũng vẫn trong một tâm mà thôi.

Kinh Hoa Nghiêm có câu: “Biến quán pháp giới tánh, nhất thế duy tâm tạo”. Tâm là cả vũ trụ, cả pháp giới, dầu trời dầu đất, dầu địa ngục, dầu thiên đàng, tất cả chúng sanh, tất cả chư Phật, dầu quá khứ, dầu hiện tại, dầu vị lai, nam, bắc, tây, đông, thế giới số không xiết kể như cát sông Hằng, cũng không có một cái chi ra ngoài phạm vi cái tâm được.
Vậy nên muốn giác ngộ hoàn toàn như Phật, nghĩa là giác ngộ cho tột nguồn gốc các pháp, thời phải phát minh cái tâm; phát minh cái tâm cho thấu đáo toàn thể toàn dụng là mục đích nhất định của những người học Phật.
Nhưng cái tâm không phải một người có, không phải nhiều người có, không phải riêng, không phải chung, không phải Phật có mà phàm không, cũng không phải ngoài người ta ra mà có.
Tâm cũng như nước biển, chúng ta cũng như sóng; tuy luân hồi trong sáu đường khi làm trời, khi làm người, khi làm súc sanh, khi làm ngạ quỷ, ở trong tâm mà gây nghiệp, rồi ở trong tâm mà thọ báo; cũng dữ cũng lành, cũng vui cũng khổ, mà lớp sóng luân hồi vẫn nương nơi tự tâm mà nổi lên cả. Nếu rõ được sóng tức là nước biển (sóng nổi, nước biển không thêm, sóng lặng, nước biển không bớt), thì mặc dầu sóng nổi bao nhiêu, nước biển vẫn là nước biển.
Chúng ta cũng vậy, tâm rõ được rồi thì tự mình làm chủ lấy mình; trong một tâm vẫn hiện ra đủ thân đủ cảnh, mà không mắc vào một thân một cảnh nào cả. Được như vậy mới biết tâm khắp vũ trụ, muốn làm thánh thì thánh, muốn làm trời thì trời, muốn làm tổ thì tổ, muốn thành Phật thì Phật, nhân tức là quả, mảy mún không sai.
Rõ được tâm là Phật, không rõ được tâm là chúng sanh, mê ngộ khác nhau, tâm vẫn đồng một thể. Chúng sanh vì mê nên mắc phải cảnh giới che lấp tâm tánh, không biết cái tâm rộng lớn bao nhiêu, chỉ theo thân thể mà tỉnh đường sanh hoạt; nhận cái mê hoặc kia làm tâm của mình, gây nhơn chúng sanh rồi chịu quả chúng sanh đời đời kiếp kiếp. Phật là bậc đại giác ngộ, công đức trọn vẹn, trí huệ đầy đủ, cũng là hoàn toàn giác ngộ một cái tâm đó mà thôi.
Nhưng muốn giác ngộ cái tâm cho hoàn toàn, thời phải nhơn theo thể của tâm rộng lớn mà phát nguyện rộng lớn, không cho thân thể sai khiến, không cho hoàn cảnh bó buộc; rồi sau mới thấy được cái thể rộng lớn kia, mới lần lần chứng được quả bồ đề của chư Phật.
Chúng ta học Phật, yếu tại biết cái tâm cho rõ ràng dụng cho chắc chắn, đừng cho thân thể cảnh giới che lấp cái tâm ấy, bỏ hết thảy điều ác, làm hết thảy điều lành, lập chí nguyện rộng lớn, tự mình làm chủ. Đến khi nghiệp dữ trong tâm tiêu mất, nghiệp lành đều được hoàn toàn thì tâm thể tự nhiên an lành trong sạch, và sẽ chứng biết Phật với chúng sanh vẫn đồng một thể, đồng một tâm vậy.
Trích từ tạp chí Viên Âm, số 2, năm thứ nhất (1934), Thư viện Huệ Quang ảnh ấn năm 2020.
Viên Âm