Chúng ta, ai cũng đều phải sống tốt

Sống tốt có khó không? Khó. Nhưng nếu coi những vất vả là thử thách để vượt qua, nếu coi lao động vừa là để mưu sinh vừa là niềm vui, nếu coi việc chăm con nhỏ hay khi chúng nó trưởng thành là lẽ sống, nếu coi sự già đi bên nhau là may mắn của hôn nhân… thì đó chính là hạnh phúc.

Con cái

Nuôi con, ba mẹ nào cũng trông mỗi ngày chúng nó lớn lên. Bỗng nhiên, có một ngày, thấy chúng… lớn quá, có một nỗi man mác trong lòng.

Từ nhỏ, con trai vẫn thích nằm cạnh ba để nghe ba đọc sách hoặc chơi trò chơi điện tử. Con gái đã rất thích gối đầu trên cánh tay ba nằm xem ti vi. Lên trung học rồi, nhiều lúc đi học về, để nguyên áo dài vào sofa gối đầu trên tay ba. Lắm khi cánh tay ba tê mỏi mà ba không dám cử động vì sợ con dậy. Ba cứ muốn giữ nguyên những giây phút đó. Ba muốn con nhỏ mãi.

Rồi một ngày, ba cố mãi mới đẩy được cái chân con trai ngủ quên, gác lên ngực, rất nặng. Con trai lớn rồi.

Rồi một ngày, bé không gối đầu lên tay ba nữa. Ba nhận ra, bé đã lớn và tự nhiên… buồn.

Dù vợ chồng vẫn nói với nhau, nếu có điều kiện thì cho các con ra ở riêng sớm, kể cả khi chúng nó chưa lập gia đình. Không phải vì sao cả, mà chỉ để con thoải mái hơn. Già trẻ yêu thương thế nào cũng có lúc xung đột thế hệ, vả lại mình cũng quen dần cảm giác con đã lớn rồi, sau này khỏi sốc… Nhưng đến khi con ở riêng, đêm đêm vợ chồng lại thở dài. Mẹ quay lại hỏi: Ba đang nhớ con à? Ba hỏi lại: Mẹ cũng thế còn gì?

Giờ thì con cái ở không xa nhưng nó lại phải lo toan như mình đã từng lo toan cho gia đình mình trước đây. Suy nghĩ của người trẻ bây giờ lại không giống người già nên nói gì cũng sợ không hợp suy nghĩ chúng nó. Dù sao thì cũng phải thừa nhận một thực tế, khoảng cách ngày một rộng ra.

Những người vừa lập gia đình, thấy việc chăm con từ khi sinh ra, lớn dần lên là giai đoạn vất vả nhất. Đúng thế. Nhưng đó là giai đoạn hạnh phúc nhất vì chúng ta luôn được ở cạnh con, hít hà mùi thơm của con trẻ.

Chúng ta, ai cũng đều phải sống tốt - ảnh 1

Khi người ta… già

Khi “có tuổi”, lâu lâu vợ chồng lại bàn chuyện khi người ta… già.

Thoạt đầu nghĩ: Đi đâu thì chở nhau bằng mô tô cho nó… ngầu. Đến khi không dắt nổi xe phân khối lớn thì đi ô tô. Vài năm sau bàn tiếp, hay mình đặt một chiếc Recreational Vehicle rồi sống luôn trên đó. Thích đến đâu thì đến, thích chỗ nào thì dừng. Vài năm sau nữa, nghĩ xa, bảo khi già nữa thì sao? Nên thống nhất làm một căn nhà bên hồ, nơi núi rừng yên tĩnh. Ngày ngày uống trà, chăm hoa, câu cá. Thích thì dắt nhau đi bộ.

Vợ bảo, khi đó, chắc phải phân tiền ra để trong ví của cả hai người. Chồng kêu, đúng, lỡ em quên thì còn anh. Vợ bảo, chưa biết ai quên, nhưng lỡ cả hai lẫn rồi quên thì sao? Chồng cười, lo gì, gọi con hoặc cháu đến trợ giúp.

Thế lỡ chúng ta không nhớ tên con cháu thì sao? A, không lo, thêu tên và số điện thoại của bọn nó lên ba lô, túi xách. Chắc ăn nhất là trên áo, kiểu họa tiết trang trí.

Vài năm sau nữa, lớn tuổi hơn, lại bàn chuyện vào trại dưỡng lão.

Báu vật của cuộc đời

Khi còn nhỏ và còn trẻ, mẹ là người chăm sóc ta, hiểu ta nhất. Chỉ cần sờ tay vào trán, mẹ cũng biết cơ thể ta như thế nào.

Nhưng khi có gia đình, đặc biệt là khi về già, vợ mới là người hiểu ta, chăm sóc ta nhiều nhất. Chỉ cần nghe tiếng thở, vợ ta cũng biết ta thế nào.

Tuổi già, vợ thường chăm sóc chồng nhiều hơn là chồng chăm sóc vợ.

Người ta thường bảo, phụ nữ có đức hy sinh, nhưng người ta cũng từng nói, phụ nữ không cần phải hy sinh, cuộc sống bây giờ là bình đẳng. Tôi thì vẫn tin phụ nữ, ngay từ sâu thẳm, đã có đức hy sinh. Đó là bản năng để bảo vệ tổ ấm của mình, họ có thiên chức hy sinh để che chở. Nếu không, cái tổ ấy luôn có nguy cơ bị chia rẽ. Họ là thiên sứ của mỗi gia đình.

Trong cuộc sống, đôi khi người đàn ông quên đi điều đó, hoặc coi điều đó như chuyện mặc nhiên. Đó là sai lầm của đại đa số giống đực.

Mẹ ta nuôi ta cho đến khi đủ lông đủ cánh bước ra cuộc đời. Mẹ vợ ta nuôi vợ ta cho đến khi đủ lông đủ cánh rồi về ở với ta.

8 tỉ người trên thế giới, sao lại là cô ấy? Vì cô ấy chính là thiên sứ được cử đến để biến ta từ kẻ lêu bêu thành người đàn ông có trách nhiệm.

Cô ấy bình thường yếu đuối, nép mình bên ta tìm sự che chở. Nhưng khi khó khăn nhất, cô ấy chính là người che chở ta. Trên thế gian này, có hai người phụ nữ vị tha nhất trước lỗi lầm của ta: mẹ và vợ.

Trời lạnh, ta cởi áo khoác khoác cho người phụ nữ được khen là ga lăng; trời lạnh và nắng, người phụ nữ cởi khăn choàng che cho ta, ta coi đó là chuyện đương nhiên. Tôi cam đoan, không có người phụ nữ biết hy sinh thì không bao giờ có một gia đình hạnh phúc. Phụ nữ luôn biết mỉm cười (cả khi cuộc sống khó khăn nhất) cũng là một sự hy sinh.

Cuộc sống vợ chồng sẽ trở nên thú vị nếu càng sống càng phát hiện ra điểm tốt của người kia, điều mà khi yêu chưa thấy. Hoặc giả, người đó vốn không có tính tốt đó nhưng họ đã thay đổi. Đó là sự thay đổi vì người bạn đời, vì một mối quan hệ dài lâu.

“Nếu không thay đổi được sa mạc thì làm cây xương rồng để sống chung với nó”. Cách này đúng nhất trong hôn nhân. Vì sao? Vì ở đời, sao ta phải thay đổi theo người khác và môi trường ta không thích? Chỉ có thể thay đổi vì một nửa của mình thôi. Bởi vì đó chính là mình.

Sự giản dị của hạnh phúc

Tết cổ truyền, với nhiều nghi thức rườm rà, phải nói là khá mệt. Nhưng tết mang lại sự đầm ấm, không có lúc nào tình thân lại biểu đạt giống như dịp tết. Tất cả mọi người đều trở nên thân thiện vô cùng.

Không biết mọi người thế nào, chứ tôi thích nhất là thời điểm khi chuẩn bị hết mọi thứ, nhìn vợ tựa người trên sofa hay ngồi xích đu cầm quyển sách đọc, con cái, người thân quây quần, thấy cuộc đời nhẹ nhõm, thanh thoát và rất… đáng yêu.

Vì sao phải nói là nhìn vợ mà không phải là mình? Là vì, tết, vợ là người bận rộn nhất với hàng trăm thứ việc có tên và không tên.

Tôi rất lấy làm buồn cười khi trên mạng ca ngợi một “soái ca rửa bát” hay một người đàn ông vào bếp mang tạp dề nấu cơm… Đối với tôi (và bây giờ con trai tôi), nó quá bình thường như vốn dĩ.

Tết thì nhận việc đi mua hoa. Về nhà thì cứ loanh quanh, vợ đi đâu đi theo sau lưng mà chẳng biết làm gì, nghe vợ nhờ lấy cái này cái nọ là mừng lắm. Nhưng cũng có vài việc tự làm được, như việc thái cây chuối hột để làm món nộm da trâu.

Ở quê tôi làm thịt trâu lấy da luộc, thái rồi phơi khô để dành. Có việc thì lấy ra, rang lên, thái cây chuối hột, cho thêm lá nén (ném) bóp lên, gọi là thấu da trâu. Thấu là gỏi. Đến bây giờ vẫn thích món đó (quê vợ tôi không làm món này). Món này gọi là món ký ức.

Có lần tôi nhỏ to, em à, làm đơn giản thôi, ăn uống chả bao nhiêu mà mệt quá. Nhà tôi cười, bảo mệt thì cũng mệt, nhưng nếu anh coi dọn dẹp, trang trí nhà cửa là một niềm vui; em coi nấu nướng bày biện món ăn là sự thú vị. Con cái qua đó nó cũng biết thêm tết là thế nào. Khách, bạn đến chơi, cả nhà rộn ràng cũng hay chứ anh. Nếu vô resort nằm ườn ra thì đâu phải tết?

Tôi hơi ớ ra một lúc. Ừ nhỉ, nếu tết mà không thế thì sao gọi là tết? Từ đó tôi theo triết lý của nhà tôi, nếu làm cái gì mà coi đó là niềm vui thì đều rất nhẹ nhàng.

Tết, vợ mua áo mới cho. Đến đêm 30, kêu, mặc áo vô coi nào. Mình mặc vô. Vợ bảo, cũng được đó, đẹp.

Có năm mình bảo, có vẻ như cái áo này nó hơi trẻ. Vợ vừa sửa cổ áo vừa nói, ôi trời, hóa ra con người này cũng đã biết già rồi.

Những lúc đó mình, một thằng râu ria, mặt khó đăm đăm, thấy sống mũi cay cay, mắt ậng nước.

Đó là hạnh phúc!

Nguyễn Thế Thịnh