Có phải càng sống đơn giản càng dễ giác ngộ?
Hỏi: Có phải càng sống đơn giản càng dễ giác ngộ hơn không?

Giác ngộ để làm gì? Giải thoát đi đâu?
Đáp:
Quan trọng là bạn giác ngộ được gì từ đời sống chứ không phải bạn sống như thế nào. Khi giác ngộ rồi thì bạn sẽ biết sống như thế nào là đơn giản, nó không do quan niệm đặt ra mà do trí tuệ thấy biết từ bạn.
Như Đức Phật đã là một vị Thái Tử, sống trong xa hoa, quyền lực và giác ngộ điều đó là trói buộc nên Ngài từ bỏ và sống đời khổ hạnh. Nhưng khi theo đời sống khổ hạnh sáu năm Ngài giác ngộ rằng nó không đưa đến giải thoát nên Ngài cũng đã từ bỏ và sống Trung Đạo – Nghĩa là không dính mắc, chấp thủ vào hai thái cực (duality) lạc thú hay khổ hạnh – chỉ tùy duyên, tùy thời, tùy chỗ, tùy trình độ căn cơ, tùy văn hóa xã hội…mà cư xử và sinh hoạt cho hợp lý để lợi lạc cho mình và người.
Có nhiều người bắt chước theo lối sống khổ hạnh để mong giác ngộ giải thoát. Chứ không phải do giác ngộ và thấy ra đó là đời sống cần thiết. Hai điều này khác nhau.
Bạn sinh ra ở Ấn Độ chắc bạn cũng biết các Yogi tu khổ hạnh đã có từ trước khi Đức Phật ra đời, và đến bây giờ vẫn còn rải rác trên nước Ấn. Truyền thống đó không xuất phát từ Phật giáo mà từ Bà-La-Môn giáo.
Tuy nhiên, về hạnh nguyện, có nhiều người trong quá khứ họ đã theo nhân duyên đó, nghiệp lực đó, căn cơ đó thì kiếp này họ chỉ tiếp nối hạnh nguyện trong quá khứ. Ví như thập đại đệ tử thời Đức Phật, thì có Ngài Mục Kiền Liên mới giỏi về pháp Thần Thông, chỉ có Ngài Ca Diếp mới giỏi Hạnh Đầu Đà, chỉ có Ngài Xá Lợi Phất mới giỏi trong hạnh Trí Tuệ, Ngài Anan thì giỏi trong hạnh Đa Văn, Ngài Ưu Pà Ly giỏi trong hạnh Giữ Giới….Và những vị đó giác ngộ trên hạnh nguyện của mình nên mới có danh hiệu : Thần Thông Đệ Nhất, Đầu Đà Đệ Nhất,
Trí Tuệ Đệ Nhất, Đa Văn Đệ Nhất, Trì Giới Đệ Nhất…v.v…
Sư Cô Trúc Lan Nhã