Cư sĩ Phật tử – Đại thi hào Nguyễn Du

Người Việt Nam ta đa phần được biết rằng Đại thi hào Nguyễn Du là một nhà thơ lớn không chỉ có sức ảnh hưởng ở Việt Nam mà còn có sức ảnh hưởng lớn trên văn đàn thế giới.Ông không những là nhà thơ mà còn là một Cư sĩ Phật tử, có lòng tin Phật và am hiểu Phật pháp khá sâu sắc.

Người nào có đọc kỹ truyện Kiều sẽ thấy được tư tưởng nhân văn, nhân quả, nhân duyên, thiện ác, báo ứng, từ bi…của đạo Phật bàng bạc khắp trong tác phẩm của ông.

Có lẽ ông đã có cơ hội tiếp xúc, nghiên cứu Phật Pháp từ nhỏ, có sự hiểu biết về Phật Pháp khá vững chãi, sâu sắc.

Ông không chỉ có cái vĩ đại ở một nhà thơ lớn, ông còn lớn cả về tư tưởng và tấm lòng nhân đạo bao la. Trong lĩnh vực tư tưởng, Phật học, chúng tôi rất ấn tượng với cư sĩ Nguyễn Du qua một bài thơ chữ Hán viết về kinh Kim Cang trong Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài:

“Ngã độc Kim Cang thiên biến linh

Kỳ trung áo bí đa bất minh

Cập đáo phân kinh thạch đài hạ

Tài tri vô tự thị chân kinh”

Nghĩa là, tôi đọc kinh Kim Cang đã hàng ngàn lần rồi, vẫn chưa hiểu được ý nghĩa thâm sâu trong đó. Khi đến dưới trụ đá khắc kinh, thì mới bừng ngộ ra, vô tự (không chữ) mới là chân kinh.

Chúng ta thấy một bậc đại thi hào như Nguyễn Du mà còn có lòng kính tin Tam bảo, tin Phật, thường xuyên đọc tụng kinh Kim Cang hàng ngày như thế. Nếu không phải Cư sĩ Phật tử, không tin tưởng và hâm mộ Phật pháp thì có lẽ Nguyễn Du đã không siêng đọc kinh như vậy

Ngoài Truyện Kiều ra, trong số những bài thơ viết về Phật Pháp ra, ông còn viết Văn tế thập loại chúng sinh, trong Văn tế Thập loại chúng sinh thì có những câu nhẹ nhàng, thấm ý vị thiền:

“Ai ơi lấy Phật làm lòng

Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi”

Chúng tôi nghĩ rằng người Phật tử chỉ cần thuộc hai câu này thôi, là chúng ta cả đời sử dụng cũng không hết. Thật ra mỗi khi trong cuộc sống của mình, kể cả trong việc tu tập, học Phật, hoằng Pháp, có những lúc trái ý nghịch lòng, chướng duyên nghịch cảnh, thì mình ngâm hai câu thơ này. Lúc ấy phiền muộn lo âu sẽ tan biến trong hư vô.

Từ ngữ nhà Phật trong thơ chữ Hán Nguyễn Du

11

Mục đích lớn nhất của chúng ta khi tu tập theo Phật pháp là muốn thoát khỏi mọi khổ đau trong sanh tử luân hồi. Ta từng bước, từng bước bớt dần thoát dần những sự khổ đau, những sự cố chấp trong đời sống hằng ngày và dần dần hướng tới giải thoát hoàn toàn ra khỏi khổ đau trong sanh tử luân hồi. Cho nên muốn thoát khỏi khổ đau sanh tử luân hồi có một Pháp rất đơn giản, đó chính là “Lấy Phật làm lòng”. Ai thật sự “Lấy Phật làm lòng” được thì chắc chắn sẽ thoát khỏi khổ đau trong sanh tử luân hồi, mà gần nhất đó chính là chúng ta được sự an vui tự tại, giải thoát ngay trong đời sống hiện tại của chúng ta đây. Thật ra, một đoạn tương đối đủ ý trong Văn tế thập loại chúng sanh là:

“ Kiếp phù sinh như hình bào ảnh

Có chữ rằng: vạn cảnh giai không

Ai ơi lấy Phật làm lòng

Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi”

Cư sĩ Nguyễn Du không chỉ giỏi về văn chương chữ nghĩa, mà còn am hiểu Phật Pháp một cách khá sâu, có thể là ông đã học, thực tập Phật Pháp đạt đến một trình độ nhất định. Mỗi khi mình gặp chuyện gì bất như ý thì hãy nhớ đến hai câu này, khi mình bất ổn thì hãy nhớ quan sát sâu sắc thì chắc chắn rằng mình sẽ vững tâm đối diện được với phiền não khổ đau.

“ Kiếp phù sinh như hình bào ảnh” nghĩa là kiếp phù sinh là kiếp sống, đời sống phù du, huyễn ảo, cuộc sống chợt có chợt không, lúc có lúc không, có thể mới thấy đó nhưng cũng liền mất đó, người mình mới gặp buổi sáng thì buổi chiều đã ra đi mãi mãi. “ Kiếp phù sinh như hình bào ảnh”, “ bào ảnh” bào là bọt nước trên biển trên sông, mà bọt nước thì không lâu dài, bọt nước chỉ cần một làn gió thổi qua cũng sẽ làm cho bọt nước biến mất nhanh chóng, và kiếp sống của con người cũng như thế, nó cũng giả tạo, như bóng (ảnh) của chúng ta khi đi dưới nắng. Khi mà chúng ta quan sát như thế, hiểu thấu như thế thì sẽ vơi bớt nhiều khổ đau phiền muộn chấp trước.

Văn tế thập loại chúng sinh của đại thi hào Nguyễn Du

2

Nhiều người vì không hiểu được như thật về quy luật vô thường của cuộc đời, không hiểu rõ tất cả mọi thứ trên cuộc đời này nó thay đổi nhanh chóng, nó chuyển biến nhanh chóng có rồi không, nếu biết quan sát như thế chúng ta sẽ bớt dính mắc cố chấp. Cuộc đời của chúng ta, càng chấp nhiều chừng nào thì khổ đau nhiều chừng đó, mà ai cũng muốn mình không cố chấp, cũng muốn mình không là người cố chấp, nguyên nhân của sự tu tập cái tâm cố chấp là ở chỗ không hiểu rõ quy luật cuộc đời, người mà hiểu rõ quy luật cuộc đời nền tảng của việc hít vào thở ra cũng giống như bọt biển, một làn gió thổi qua sẽ làm làn nước dập vùi đi những bọt nước ấy và không còn tồn tại nữa.

Và khi chúng ta quan sát kỹ lưỡng như thế, chúng ta sẽ bớt dần cố chấp cho đến không còn cố chấp. Người nào bớt dần cố chấp, không còn cố chấp thì chắc chắn đời sống người đó sẽ thấy an lạc hạnh phúc tuyệt vời, người đó sẽ cảm nhận được sự nhẹ nhàng thanh thản tự tại.

” Vạn cảnh giai không” nghĩa là tự tính, thực tướng của mọi thứ, mọi sự vật hiện tượng là không có tự thể, không có tự ngã, không thật có. “Không” chính là bản chất thật của mọi sự vật hiện tượng, là chân lí của vạn vật, là thực tính của vạn pháp

Có thể khẳng định, người biết đúng như thật về tính không của vạn pháp là người thông đạt, là bậc minh triết, những phiền não khổ đau của thế gian không thể tác động đến người ấy.

Chúng tôi vô cùng tâm đắc với hai câu:

“Ai ơi lấy Phật làm lòng

Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi”

Hai câu ngắn gọn, bình dị, dễ hiểu nhưng chứa đựng cả một chân lí, một triết thuyết cao siêu của Phật giáo về giải thoát luận

Ai sống “lấy Phật làm lòng” thì chính là Bồ Tát sống ở nhân gian; Nhân loại biết lấy Phật làm lòng thì nhân gian sẽ biến thành Tịnh độ

Đạo lý “Lấy Phật làm.lòng” hay và giá trị đến như vậy

Và đương nhiên, chỉ có những người Cư sĩ, Phật tử có niềm tin sâu sắc, am hiểu Phật pháp khá sâu sắc cộng với văn tài xuất chúng thì mới có thể viết hay đến như vậy.

TS.Thích Hạnh Tuệ