Cuốn sách giúp bạn đọc loại bỏ tà kiến, mê tín

“Bản hoài Đức Phật: Phật giáo nhân gian” do NXB Dân Trí ấn hành góp phần giúp cho độc giả sự tiếp cận Phật giáo nguyên chất, từ đó có chánh kiến, loại bỏ tà kiến, mê tín.

Bản hoài Đức Phật: Phật giáo nhân gian chuyên chở tâm nguyện chấn hưng đạo pháp, truyền trì chân chính giáo lý của Đức Phật do Hòa thượng Tinh Vân viết, cô đọng trong 6 chương, được Đại đức Vạn Lợi và TS. Hy Giang Lê Thị Mai dịch, “hầu mong quý độc giả có thể tiếp cận với tri thức tuyệt diệu về Phật giáo nhân gian”.

Qua tác phẩm, bạn đọc sẽ nắm bắt quá trình truyền bá của Phật giáo trong hơn 2.000 năm qua, tầm ảnh hưởng đến xã hội và người dân ở các quốc gia; cuộc đời Đức Phật, từ sinh hoạt hằng ngày đến việc giáo hóa đệ tử, tín chúng, xã hội; những nghĩa lý cốt lõi trong giáo pháp của Đức Phật; sự thịnh suy của Phật giáo các thời kỳ; đặc biệt là thực trạng thúc đẩy phát triển Phật giáo nhân gian trong khoảng 100 năm trở lại đây.

Khi đọc sách, độc giả sẽ cảm ngộ tư tưởng “nhân sinh” mà Đức Phật trình bày qua Tam tạng Thánh điển và tự tin vào con đường giác ngộ là của chính bản thân mình chứ không phải ai khác. 

“Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hiện thân là một con người, không phải thần linh. Chúng ta ngưỡng vọng và noi theo tấm gương Đức Phật để hoàn thiện nhân cách con người của chính mình. Trước khi làm Phật, mỗi người phải trọn bổn phận làm người (người thành tức Phật thành), một lòng một dạ quay trở về với bản hoài của Đức Phật”, Đại đức Vạn Lợi nói về thông điệp cuốn sách.

Theo vị Đại đức dịch giả, cuốn sách của Hòa thượng Tinh Vân sẽ dựng lại những thấy biết đúng đắn, chuyển hóa mê lầm lệch lạc. “Phật giáo là mạch nguồn hạnh phúc và con đường đạt đến sự an lạc giải thoát cuối cùng cho chúng sinh”.

Thực tế, suốt chiều dài hơn 25 thế kỷ hiện diện, Phật giáo đôi khi bị khoác lên lớp áo thần quyền, mê tín.

Những hiện tượng như coi ngày giờ, xem phong thủy, coi địa lý, bốc xăm, bói quẻ gây ra không ít hiểu lầm về Phật giáo. Sự pha tạp quá nhiều những nội dung xa rời “bản hoài của Đức Phật” cũng là lý do khiến mọi người lãng quên lý tưởng giải thoát cao cả đến từ tự thân cũng như chân lý vi diệu mà Đức Phật chỉ dạy: mỗi người đều có thể thành Phật nếu biết tu sửa ý-khẩu-thân trở nên thuần tịnh, ba độc tham-sân-si được chuyển hóa rốt ráo. 

“Tất cả chúng sinh đều có Phật tính” – từ chân lý này, Đức Phật khẳng định “Các ngươi là Phật sẽ thành” – nâng con người lên ngang hàng với Đức Phật. Chúng ta – ai cũng có chân như tự tính giống như Đức Phật. 

Qua Bản hoài Đức Phật: Phật giáo nhân gian, bạn đọc sẽ có những kim chỉ nam khi tu học được Đức Phật truyền trao như Tam pháp ấn (chư hành vô thường, chư pháp vô ngã, Niết-bàn tịch tĩnh), Tứ Thánh đế (Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế), Thập nhị nhân duyên, Lục độ vạn hạnh… Từ đó, hành giả có thể phát khởi tâm Bồ-đề rộng lớn, thực hành đạo Bồ-tát, hóa độ chúng sinh. 

Tiến thêm một bước ứng dụng, mỗi người tin vào Phật giáo nhân gian, đều có thể nhận thấy sự hài hòa giữa ta và người, gia đình hạnh phúc, tích cực hướng thượng, giải thoát tự tại,… Hơn cả, Phật giáo nhân gian lấy con người làm gốc, không nương theo bóng dáng của thần quyền, chân chính tạo ra cảnh giới hạnh phúc cuối cùng cho con người, “nương tựa chính mình, nương tựa chánh pháp”. 

Bản nguyện của chư Phật là đi vào xã hội, phục vụ nhân loại, “trên cầu thành Phật, dưới hóa độ chúng sinh”. Đại sư Tinh Vân cho rằng, hoài bão và lý tưởng rộng lớn này cũng là điều mà hành giả cần ghi nhớ trên con đường học tu.

Lưu Đình Long- nguồn Vietnamnet