“Đã ứng dụng tu thì phải sống đúng như thật lời Phật dạy”
Biết tu là biết ứng dụng, biết điều phục ngay nơi bản thân mình, nội tâm mình, những điều xấu dở mình hàng phục thành hay tốt. Đó mới thật là người biết tu.
Tôi đọc lại kinh Pháp Cú của Hòa thượng Thiện Siêu dịch.
Trong đó Phật nói thế này:
Người tụng kinh giỏi mà không khéo tu, gọi là thầy tụng,
Người thuyết pháp giỏi mà không khéo tu, gọi là thầy thuyết.
Đọc tới đây tôi thấy có chỗ thấm.
Vừa rồi lại có một người khách tương đối quan trọng tới thăm, hỏi tôi:
– Thiền viện của quí thầy nuôi Tăng Ni, như vậy những vị Tăng Ni ở Thiền viện chừng bao lâu mới mãn khóa ra làm Phật sự?
Tôi trả lời:
– Nếu là học thì bốn đến sáu năm mãn một khóa, còn tu thì không định năm. Bởi không định năm nên tôi không thể nói mấy năm mãn khóa.
Vị ấy hỏi tiếp:
– Như vậy những vị ở đây, chừng nào có thể ra làm Phật sự?
Tôi trả lời:
– Chừng nào tôi thấy những vị đó đầy đủ đức hạnh, thông hiểu Phật pháp sâu, đáng tin cậy thì tôi sẽ cho ra.
Ông ta liền bẻ lại:
– Làm sao Thầy biết người đó đáng tin cậy?
Tôi đáp:
– Người nào khi học lời Phật Tổ dạy, ứng dụng tu được, sống được với điều đó, thì tôi tin tưởng.
Ông bẻ thêm một câu nữa:
– Như vậy chúng của Thầy ở đây hoài, không cho đi đâu hết, làm sao biết người đó đủ sức thắng những việc trở ngại, đủ sức thắng sự nóng giận?
Tôi trả lời tiếp:
– Tuy chúng ở đây không đi đâu, nhưng Thiền viện cả trăm người, ở chung với nhau mỗi người mỗi ý, chắc rằng cũng sẽ có những bất đồng xảy ra.
Nếu những bất đồng xảy ra mà người nào vẫn thản nhiên tự tại, không buồn không hờn không trách, thì tôi thấy người đó được.
Còn nếu có bất đồng rồi đâm ra bực bội, sân si, hờn trách nhau, tôi thấy người đó chưa được.
Vì vậy tôi nghĩ ở trong chúng cả trăm người, ai đã sống được với tinh thần tha thứ hòa nhã, biết mến thương huynh đệ, không thù địch, không chống đối, không những hiểm độc để làm phiền nhau, tôi tin rằng những người đó sẽ làm được Phật sự.
Mai kia, khi ra ngoài dù gặp cảnh khó hơn, họ có thể thắng được không khó.
Nói đến đây vị khách mới bằng lòng.
Tôi giải thích thêm:
– Giả sử Tăng Ni ở trong Thiền viện chúng tôi, có người tới hỏi: “thưa thầy (hoặc thưa cô) thế nào là tam độc”, quí thầy cô sẽ giảng rõ tam độc là gì, tại sao nói nó độc.
Nghe giảng như vậy quí vị có tin người đó chưa? Chắc rằng chưa tin.
Chừng nào cảnh trái nghịch đến với họ, họ không nổi sân, lúc đó quí vị mới tin họ đã biết sân là độc.
Gặp cảnh đáng ham muốn mà họ vẫn thản nhiên không ham muốn, quí vị mới tin họ đã dứt được lòng tham.
Tu học để phát huy đạo lực và trí tuệ
Gặp những việc khó xử, họ vẫn thản nhiên tự tại, giải quyết một cách nhẹ nhàng, không phiền hà, không bực bội ai hết, quí vị mới tin họ có trí tuệ.
Qua cách đối xử khi gặp những cảnh trái thuận, Tăng Ni vẫn tự tại giải quyết, vị đó là người đáng tin.
Giảng như vậy rồi, tôi mới sực nhớ câu kinh Pháp Cú, Phật dạy nếu mình tụng kinh giỏi mà không khéo tu thì gọi là thầy tụng, thuyết pháp giỏi mà không khéo tu thì gọi là thầy thuyết.
Chúng ta nói tam độc rành quá, mà ai chọc tức nổi sân ầm ầm lên, như vậy mình chỉ biết thuyết, chớ đâu biết tu!
Nghiệm qua điều này, tôi thấy lời Phật dạy quá thống thiết.
Chúng ta học thuộc lòng kinh, tụng bài này qua bài nọ, mà không khéo ứng dụng lời Phật dạy để tu sửa nội tâm của mình cho được sáng suốt, trong sạch thì việc tụng ấy chỉ là biết tụng chớ chưa phải biết tu.
Biết tu là biết ứng dụng, biết điều phục ngay nơi bản thân mình, nội tâm mình, những điều xấu dở mình hàng phục thành hay tốt. Đó mới thật là người biết tu.
Cũng vậy, dù mình thông thuộc được nhiều giáo điển, thuyết thao thao bất tuyệt, nhưng những gì mình nói ra cho người ta nghe, khi nó đến với mình, mình không thắng nổi, đầu hàng nó, như vậy cái thuyết của mình chỉ là thuyết suông, chớ không phải tu.
Tôi nói thế để tất cả Tăng Ni nhớ rõ, chúng ta là thầy tu chớ không phải thầy tụng hay thầy thuyết.
Chúng ta học kinh, hiểu kinh để ứng dụng tu, đã ứng dụng tu thì phải sống đúng như thật lời Phật dạy.
Biết cái đó xấu thì phải chừa bỏ, biết cái đó là tội lỗi thì phải tránh, biết cái đó tai họa trầm luân sanh tử thì phải vượt qua, đừng để mắc kẹt. Được như vậy mới là người biết tu.
Học nhiều, đọc tụng nhiều mà không biết ứng dụng thì chưa phải là người khéo tu. Nên nói tới người tu, đòi hỏi có sự ứng dụng cho đến nơi đến chốn.
Trích trong: Phật Pháp Tại Thế Gian, Tập 3.
HT. Thích Thanh Từ