Đại tử nhất phiên (Phần 2)

Quán sâu pháp môn này sẽ thực chứng lý vô thường, vạn pháp đều chuyển hóa đổi thay, không một pháp nào đứng yên một chỗ không di dịch, không một pháp nào giữ nguyên một dạng thái không chuyển hóa. Ngay cả con người chính mình cũng chết đi sống lại bao nhiều lần.

 

Thực hiện pháp môn Đại tử

Đại tử là một pháp môn Thiền quán có hiệu năng tổng trì, nghĩa là thâu tóm tất cả các môn khác quy về làm Một, ứng dụng lý Một là Tất Cả, Tất Cả là Một. Hành trì pháp môn Đại tử coi như hành trì tất cả các môn khác, loại bỏ tất cả những điều xấu và giữ lấy tất cả những điều tốt. Quán sâu và hành trì pháp môn Đại tử mới thực chứng có được nhận xét này, nghĩa là mới khởi phát giác tâm.

Trong Phật học thường nói đến hai Tâm gồm có vọng tâm và chân tâm. Quán sâu hơn, con Người có ba tâm giữ ba chức năng khác nhau:

Thức tâm: Năng khiếu cảm nhận của giác quan như mắt nhìn, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, sờ chạm và ý thức. Thường gọi là Lục thức.

Tri lượng tâm: Năng khiếu căn cứ vào pháp tướng để tư tưởng, suy luận, phân biệt, cân đo đong đếm. Cũng gọi là tâm phân biệt hay tâm sinh diệt. Vọng tâm gồm có thức tâm và tri lượng Tâm.

Đại tử nhất phiên (Phần 1)

5

Giác tâm: Năng khiếu tự biết, linh tính trực giác, không lý luận, không phân biệt hữu lý với vô lý, không đi vào Nhị Nguyên, dung thông quán chiếu tất cả dị biệt, mâu thuẫn, đối nghịch. Đây là năng khiếu ứng dụng lý Nhất Như, đi thẳng tới ngọn nguồn Nhất Nguyên, viên thông lý Chân Như hay Nguyên Không. Giác Tâm còn gọi là Tuệ Tâm, Chân Tâm, Tâm Vô phân biệt, Tâm Vô sinh diệt, Tâm vô sinh, Trí Vô sinh. Những tên gọi khác nhau này đều diễn ý chứng ngộ tịch diệt Niết bàn.

Hạng phàm phu dung tục, Phật học gọi là Phàm Ngã, Vọng Ngã sống với Vọng Tâm chỉ khởi động có hai Tâm là Thức Tâm và Tri lượng Tâm, do đó hóa vô minh nên không nhận thức ra Chân Lý viên dung. Bậc Giác trí, Phật học gọi là Chân Ngã sống với Chân Tâm, thường xuyên vận hành Giác Tâm, do đó thông suốt thực chứng pháp tính Chân Như.

Đại tử là vô hiệu hóa, không nghe theo Thức Tâm và Tri lượng Tâm khi hành nghiệp ở thế gian. Người khéo tu chỉ khởi động và nghe theo Giác Tâm trong sinh hoạt thực tế hàng ngày. Thức Tâm và Tri lượng Tâm coi như đã chết hẳn, khi đó và chỉ kể từ khi đó hành giả mới đại ngộ. Cuộc sống mới với Giác Tâm Đại Ngộ coi như một dạng tái sanh, cuộc sống cũ với Vọng Tâm đã hoàn toàn dứt hẳn. Hành giả coi như trở thành một người khác, cùng Một thân xác nhưng Hai tâm đã khác nhau. Hành giả tự thân và tha nhân cũng như ngoại cảnh, tất cả đều đổi thay khác trước. Hành giả đã nhận thức ra và hành động theo một nhân sinh quan mới, khác với nhân sinh quan cũ trước đây của chính mình.

Sau đây là dẫn chứng hiệu năng tổng trì của pháp môn Đại tử

Vô Thường

Quán sâu pháp môn này sẽ thực chứng lý vô thường, vạn pháp đều chuyển hóa đổi thay, không một pháp nào đứng yên một chỗ không di dịch, không một pháp nào giữ nguyên một dạng thái không chuyển hóa. Ngay cả con người chính mình cũng chết đi sống lại bao nhiều lần. Trong vũ trụ bao la vô biên vô tận những tỉnh tú luôn luôn chuyển vận theo quỹ đạo. Trái đất quay xung quanh mặt trời và quay xung quanh mình nó, sông cạn núi mòn, hoa nở lại tàn; cho đến tế bào, nguyên tử, điện tử… nói chung là vi trần cực nhỏ cũng hợp tan, tan hợp.

(còn tiếp).

Bảo Thông