Đêm thiền

Người khép mắt trôi vào miền yên tịnh. Nghe tiếng chuông bay an nhiên như những làn mây. Không còn những ý niệm gì về không gian và thời gian, càng lúc tiếng chuông càng nhẹ, càng nhẹ dần khi chầm chậm trôi vào cõi vô thức trống rỗng mênh mông. Lúc đó người không cần phải suy nghĩ gì nữa, một cơn gió vô hình thổi tan những uế tạp, đau đớn, sợ hãi ra khỏi thân tâm. Rồi không biết ngẫu nhiên hay sắp đặt mà trong đầu nghe tiếng chim hót, tiếng suối reo, không gian như bừng sáng trong lành, nước cuốn hoa trôi, gột rửa bao muộn phiền, sân hận. Trên môi người thoáng hiện nụ cười, chấp tay vào nhau khấn niệm, vô thanh mà hữu thanh. Đêm màu nhiệm khiến cho những vật tưởng là vô tri cũng có linh hồn.
Mỗi khoảnh khắc bỗng trở nên yên bình bất tận dẫu trước đó chất đầy cuồng phong trong lòng ngực. Tâm trí người trong veo như những giọt sương trên ngọn cỏ triền đê sớm mai cha đưa đi học. Lòng người không một gợn sóng có chăng là lời mẹ ru bên cánh võng trưa hè vọng mãi từ những năm tháng tuổi thơ. Có những cái tự đến mà không nghĩ, giống như một cơn gió đi qua, hay ánh trăng chiếu rọi đều thuận theo lẽ đương nhiên của tạo hóa. Đã có lúc chánh niệm không vững vàng khiến người rơi vào trạng thái lo âu sợ hãi. Trong đêm trường tịch mịch, nỗi hoang vu trong tâm hồn càng lớn dần lên, dao động bất an. Những âm như khuếch đại càng trở nên kỳ quái hơn: tiếng gió hú, tiếng muôn thú gầm, tiếng cành cây gãy, tiếng hòn đá lăn… làm cho nỗi sợ hãi càng dâng đến tột độ. Trong những khoảnh khắc đó người chợt nhận ra, nguyên nhân chủ yếu khiến không phải là các tác nhân bên ngoài mà chính việc không an trú trong thiền định mới là cốt lõi của vấn đề. Người lắng lòng cho tâm thanh tịnh, rồi nghe từng câu kinh rơi vào lòng mình, lúc bấy giờ từng lời Phật dạy như soi sáng tâm can mang lại cho người sự bình an kỳ diệu.
Cuộc đời này rất ngắn, mấy năm trôi qua trong chớp mắt. Nhưng cuộc đời cũng rất dài vì ai cũng lần lượt trải qua những đau khổ của chính mình. Muốn có được sự bình yên là khó nhất vì con người từ lúc sinh ra đã khóc lên sợ hãi. Người đến, người đi, người gặp gỡ rồi chia xa cũng đều là quy luật của kiếp phù sinh. Thế nên đừng để chính bản thân mình phải mệt mỏi lo âu, nhẹ nhàng buông bỏ hết đừng bon chen, không bận rộn gì cả. Ví như trong đêm màu nhiệm này, người đến cửa thiền và để cho lòng mình trôi về chốn an nhiên.
Nguồn: Tạp chí Văn hoá Phật giáo