Đừng vội tin những gì mình thấy, nghe, nghĩ

Phải có chánh niệm tỉnh giác; phải bình tĩnh, sáng suốt tìm hiểu, xem xét, quán chiếu... - Ảnh minh họa

Phải có chánh niệm tỉnh giác; phải bình tĩnh, sáng suốt tìm hiểu, xem xét, quán chiếu… – Ảnh minh họa

 

Nếu có ai đó nghĩ không đúng hoặc nói sai về mình, mình cũng không vội thanh minh, biện bạch, càng không nên để cho những điều không đúng sự thật đó tác động tiêu cực đến tâm mình. Nếu người khác trực tiếp nói với mình về điều mà họ cho là không đúng, hoặc thắc mắc cần làm sáng tỏ, thì trình bày…

Nhan Hồi là đệ tử giỏi của Khổng Tử. Một lần đang khi Nhan Hồi nấu cơm trong bếp, Khổng Tử đi ngang qua, ông nhìn thấy Nhan Hồi múc cơm ăn vụng.

Khổng Tử buồn bã lẳng lặng bỏ đi, trong đầu nghĩ: “Trước giờ Nhan Hồi là một đệ tử tốt, nay sao ra nông nỗi thế này, trở thành kẻ thấp hèn như vậy”. Đến giờ cơm, Nhan Hồi không ngồi vào bàn, Khổng Tử hỏi vì sao, Nhan Hồi đáp: “Thưa thầy, lúc nấu cơm, một cơn gió thổi bụi rớt vào nồi, con đã lấy lớp cơm bị bụi bẩn ra ăn vì thấy không nên bỏ phí, xem như con đã ăn phần cơm của mình”. Nghe Nhan Hồi nói, Khổng Tử thở dài nghĩ: “Ta sống mấy mươi năm, dạy biết bao học trò, không ngờ vẫn có lúc hồ đồ, thiếu suy nghĩ”. Đây là sai lầm do chỉ dựa vào những gì mình thấy.

Sách Cổ học tinh hoa có câu chuyện: Một người mất trộm cái búa, anh ta nghi người hàng xóm đánh cắp. Từ khi nghi ngờ người hàng xóm, hễ nhìn thấy người hàng xóm làm gì, có biểu hiện gì, anh ta cũng đều thấy đó là bộ dạng của kẻ gian. Đến khi tìm thấy cái búa rồi thì anh ta không còn thấy người hàng xóm giống kẻ gian nữa. Đây là sai lầm do chỉ dựa vào nghi ngờ, thành kiến.

Truyện Người thiếu phụ Nam Xương kể về một người vợ có chồng đi chinh chiến. Mỗi đêm người vợ chỉ vào bóng mình trên vách và nói với đứa con nhỏ: “Cha con đó!”. Đến ngày người chồng về, người vợ bảo con đến ôm cha, đứa con khóc thét lên bảo: “Không, ông này không phải cha con!”. Người chồng nghe vậy nổi cơn ghen. Vợ nói thế nào anh ta cũng không nghe. Người vợ đau khổ quá gieo mình xuống sông tự vẫn. Một buổi tối khi ngồi bên con dưới ánh đèn dầu, đứa con bỗng chỉ vào vách kêu lên: “Cha con về kìa!”. Người cha nhìn thấy bóng mình trên vách, chợt hiểu ra, anh ta đau xót tột cùng. Đây là sai lầm do chỉ nghe người khác nói mà không kiểm chứng.

Trong Phật giáo có câu chuyện: Có người đến mách với Đức Phật rằng Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên thường làm điều phi pháp. Nhưng Đức Phật một mực không nghe, Ngài cũng không nghi ngờ hai vị Tôn giả. Có người thắc mắc thì Đức Phật trả lời Ngài hiểu rõ Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, Ngài biết những lời đó là gièm pha, không đúng sự thật. Cho nên những điều mắt thấy, tai nghe chưa chắc là sự thật.

Thông thường, nhận thức, suy nghĩ của con người hình thành do thấy, nghe, kinh nghiệm và luôn chịu ảnh hưởng, chịu tác động bởi người khác, bởi hoàn cảnh xã hội, bởi trạng thái tâm lý của chính mình, bởi những phiền não trong lòng, và bởi nghiệp riêng của mỗi người. Cho nên con người thường mắc phải sai lầm và không nhận thức đúng về thực tại.

Nên đừng vội tin vào những gì mình thấy, nghe, nghĩ, cũng đừng vội tin vào ý mình. Phải có chánh niệm tỉnh giác; phải bình tĩnh, sáng suốt tìm hiểu, xem xét, tư duy, quán chiếu, đừng để ý niệm phân biệt, kỳ thị, thành kiến, ghét thương, những phiền não tham, sân, đố kỵ, kiêu căng, nghi ngờ xen vào làm lệch lạc suy nghĩ, nhận thức của mình dẫn đến những sai lầm đáng tiếc.

Còn thái độ ứng xử với tình huống bị người khác hiểu sai, nghĩ không đúng về mình thì sao?

Trong kinh A-hàm kể câu chuyện: Có vị Tỳ-kheo tu hành rất tinh tấn, sống độc cư trong rừng. Bấy giờ có một thiếu nữ mộ đạo, nghe nói vị Tỳ-kheo đáng kính như thế, bèn xin phép cha mẹ mỗi ngày mang cơm vào rừng cúng dường. Người trong thôn thấy vậy nghi ngờ cô có tình ý với thầy, họ xì xầm bàn tán, nói ra nói vào. Cô gái nghe vậy buồn nên không mang cơm vào rừng cúng dường vị Tỳ-kheo nữa.

Vị Tỳ-kheo bị hàm oan nên rất buồn và chọn cách tự vẫn để rửa nỗi oan khuất. Khi Tỳ-kheo vừa đưa cổ vào sợi dây thòng lọng thì có vị thần hiện ra hỏi: “Vì sao thầy lại tự vẫn?”. Tỳ-kheo trả lời: “Tôi xấu hổ và cảm thấy bị tổn thương vì bị hàm oan nên muốn tự vẫn”. Vị thần hỏi: “Nếu người ta đồn thầy chứng quả A-la-hán thì sao?”. Tỳ-kheo trả lời: “Người ta nói thế chứ tôi đâu thành A-la-hán được”. Vị thần lại hỏi: “Vậy tại sao họ nói oan thầy lại tự vẫn?”. Nghe vị thần nói, Tỳ-kheo bừng tỉnh, tinh cần tu tập, chẳng bao lâu thầy chứng quả A-la-hán.

Nếu có ai đó nghĩ không đúng hoặc nói sai về mình, mình cũng không vội thanh minh, biện bạch, càng không nên để cho những điều không đúng sự thật đó tác động tiêu cực đến tâm mình. Nếu người khác trực tiếp nói với mình về điều mà họ cho là mình không đúng, hoặc thắc mắc cần làm sáng tỏ vấn đề nào đó, thì mình trình bày, giải thích để mọi người hiểu đúng. Nhưng nếu họ chưa hiểu thì mình nên kham nhẫn và tin tưởng rằng mọi việc sẽ sáng tỏ theo thời gian, không nên khởi phiền não, oán giận.