Gặp ai cũng xưng “thầy” gọi “con” thì thật khó nghe!

“Học tại sư hậu viết đệ. Giải tùng sư sanh viết tử”.

Hôm qua, ngồi uống trà cùng các bậc tiền bối hoạt động trong lĩnh vực Văn học nghệ thuật và một vị tu sĩ trẻ. Tuy nhiên, cuộc trà xảy ra “tranh luận” khi vị tu sĩ trẻ ấy tự xưng mình là “thầy” trong lúc giao tiếp…

Nhân đây, tôi xin mạo muội mạn đàm về sự xưng hô “thầy – trò”.

Danh từ “Đệ tử” hiểu theo nghĩa đen tức chỉ người học trò, trong quan hệ với thầy (có thể dùng để xưng gọi). Từ “Đệ tử” đồng nghĩa với từ đồ đệ, môn đệ, môn đồ, môn sinh.

Nói theo nghĩa rộng hơn thì: Đệ tử tức người học sau mình thì gọi là đệ; sự hiểu biết của họ là nhờ mình chỉ dạy, gọi là tử: “Học tại sư hậu viết đệ/ Giải tùng sư sanh viết tử”. Như vậy, từ “đệ tử” được hình thành từ hai tầng nghĩa: Theo thầy để học thì gọi là “đệ”; những hiểu biếu của người học trò đều do thầy hướng dẫn và dạy dỗ mà có, gọi là “tử”.

Gặp ai cũng xưng “thầy” gọi “con” thì thật khó nghe! 1
Cách xưng hô cũng nói lên phẩm hạnh “khiêm cung” của người học đạo.

Theo Nhà Phật (trong Thiền môn quy cũ) thì đệ tử là người nương tựa vào thầy để tu học, hoàn toàn nhờ vào thầy dạy dỗ mà có được hiểu biết về Phật pháp. Do mối quan hệ giữa thầy trò như thế, nên người đệ tử phải xem người thầy của mình như người cha, phải biết cung kính, vâng lời, cho nên tiếng Hán gọi là sư phụ: “Sự hiểu biết của họ là nhờ mình chỉ dạy”, cũng tức là nói “giới thân huệ mạng của người đệ tử được phát sinh cũng từ người thầy”.

Vì vậy, Người xưng mình là “Thầy” tức người có khả năng nuôi dưỡng, hướng dẫn và dạy dỗ ta. Vị ấy mới có thể ta gọi là “trò” (đệ tử). Cho nên việc xưng “Thầy” gọi “con” cũng được ấn định từ những ý nghĩa này. Tuy nhiên, trong sự tôn kính ở Thiền môn (nhà Phật) thì người Phật tử (quy y Tam Bảo thọ ngũ giới) khi đến chùa gọi vị Sa-di hay Tỳ-kheo (xuất gia) là “thầy” và xưng “con”.

Mặt khác, tất cả những người con Phật (Phật tử) dù là xuất gia hay tại gia đều xưng mình là “đệ tử” với Đức Phật – Thích Ca vì chỉ có Phật mới là Bổn sư của họ. Cũng vậy, khi đối trước bậc cao Tăng, trưởng thượng dù là tăng hay tục đều cung kính gọi “thầy” xưng “con”…

Tuy nhiên, trong giao tiếp ứng xử giữa người theo tôn giáo hay không theo tôn giáo nào cần phải nắm rõ để tiện cách xưng hô. Mặt khác, cũng cần phải nhìn khía cạnh tuổi tác, tính nghề nghiệp…để xưng hô cho “tốt đời đẹp đạo”.

Một tu sĩ trẻ cứ nghĩ mình là bậc “xuất trần thượng sĩ” gặp ai cũng xưng “thầy” gọi “con” thì thật khó nghe. Thôi thì “Biết mình biết ta” – cách xưng hô cũng nói lên phẩm hạnh “khiêm cung” của người học đạo; cũng là phương pháp thực tập để tiêu diệt cái “bản ngã – tôi” trong tâm thức của chúng ta…

Thôi, “Uống trà đi”!

_____

* Tác giả là họa sĩ, từng có thời gian dài công tác tại báo Giác Ngộ

Giang Phong