Hãy học cách lắng nghe cơ thể
Có phải chăng, ta đã quên mất rằng tiền bạc chỉ là công cụ, còn sức khỏe và hạnh phúc mới là mục tiêu?
Từ khi còn nhỏ, ta đã được dạy rằng làm việc chăm chỉ là chìa khóa của thành công. Ta nỗ lực học hành, ra trường với một tấm bằng tốt, rồi lao vào guồng quay công việc không ngừng phấn đấu để đạt được một vị trí xứng đáng trong xã hội.
Những ngày dài vùi mình trong công việc, những đêm thức trắng vì áp lực, những bữa ăn vội vàng và giấc ngủ chập chờn… Tất cả chỉ để đổi lấy một mức lương cao hơn, một danh hiệu cao quý hơn, một tương lai mà ta tin rằng sẽ tốt đẹp hơn.
Nhưng đến một ngày, khi ta chững lại và nhìn vào gương ta thấy một khuôn mặt hốc hác, những quầng thâm dưới mắt, một cơ thể kiệt quệ, và một tâm hồn trống rỗng. Ta nhận ra mình không còn sức để tận hưởng thành quả mà mình đã đánh đổi bằng sức khỏe và thời gian. Những đồng tiền ta chắt chiu kiếm được giờ lại được dùng để trả cho những hóa đơn bệnh viện, những viên thuốc, những liệu trình chữa bệnh… Ta làm việc miệt mài để kiếm tiền, rồi lại dùng chính số tiền đó để hàn gắn những tổn thương do công việc gây ra.
Hãy trở về với con đường của sức khoẻ và trí tuệ

Có phải chăng, ta đã quên mất rằng tiền bạc chỉ là công cụ, còn sức khỏe và hạnh phúc mới là mục tiêu?
Ta mải miết chạy theo những tiêu chuẩn do xã hội đặt ra, mà quên đi rằng một cuộc sống đáng giá không chỉ nằm ở thu nhập, mà còn ở cách ta trân trọng từng giây phút mình còn khỏe mạnh. Những năm tháng trẻ trung ta cống hiến cho công việc, để rồi khi có đủ tiền, ta lại mong muốn đánh đổi tất cả chỉ để có lại một sức khỏe như ngày xưa. Nhưng đời không vận hành theo cách đó.
Có lẽ, sự chăm chỉ không có lỗi. Nhưng nếu ta chỉ biết lao đầu vào công việc mà không cân bằng, không dành thời gian cho bản thân, cho gia đình, cho những niềm vui nhỏ bé trong cuộc sống thì liệu đó có còn là một sự chăm chỉ đúng nghĩa, hay chỉ là một dạng tự hủy hoại được khoác lên chiếc áo của sự thành công?
Có những thứ một khi đã mất đi, tiền bạc cũng không thể mua lại được. Sức khỏe là một trong số đó.
Thay vì chỉ biết làm việc miệt mài, hãy học cách lắng nghe cơ thể. Hãy để tâm đến những tín hiệu nhỏ nhất như một cơn đau nhức, một lần mất ngủ, một cảm giác mệt mỏi kéo dài. Đừng để đến khi bệnh tật gõ cửa ta mới nhận ra rằng, kiếm tiền không phải là đích đến duy nhất của đời người.
Chúng ta không sống để làm việc, mà làm việc để sống một cuộc sống trọn vẹn, khỏe mạnh và hạnh phúc.
Trần Việt Nhân