Học hỏi là không có điểm cuối
Con ghi nhớ lời dạy, sống là chiêm nghiệm và để học hỏi chứ không để thiện nghệ cái gì hay đạt cái gì. Nhưng cái chiêm nghiệm đó mình có thể “xài ké” không Sư?
Ví dụ, khi con nghe chuyện về Ni Sư Patacara, con cảm nhận được rất nhiều điều, hay giở một trang báo ra là thấy chiến tranh, đâm chém, khủng hoảng, phóng dật, tham đắm, có thể cũng học hỏi được nhiều thứ…
Hay đó cũng chỉ là một hình thức phóng dật của tâm thức, cái “đang là” hiện tiền trước mắt là đủ rồi, đời dù gì cũng chỉ là tham-sân-si theo các hình thức khác nhau mà thôi, tuỳ duyên, biết thêm cái gì thì biết cái đó, không thì cũng không sao, không cần chủ động chiêm nghiệm làm gì?
Con kính tri ơn Sư.

Ảnh minh hoạ.
Trả lời:
Bài học cuộc đời thì rất nhiều thứ, nhưng thấy ra thực tại đang là vẫn là chính yếu.
Khi hiểu được chính mình thì sẽ hiểu ra mọi chuyện trên đời. Giác ngộ không phải chỉ biết khám phá riêng mình thôi mà còn biết tất cả bản chất thật của cuộc sống – thông suốt hết mọi mặt. Vì thực ra mọi biểu hiện bên ngoài đều hiện hữu bên trong mỗi người…
Tánh biết có một tầm hoạt động rộng lớn vô cùng so với những gì nhãn thức, nhĩ thức… và ý thức có thể biết được một cách hữu hạn. Đó là lý do vì sao Lão Tử nói “Tri bất tri thượng” tức là biết mà không cần ý thức mới là biết tối thượng. Trong Phật giáo, tánh biết thể hiện qua rất nhiều mức độ nhận thức khác nhau: Liễu tri, tuệ tri, thắng tri, thức tri, tưởng tri, giác tri.
Tưởng tri: là cái biết qua ý niệm, ý tượng hay khái niệm. (Lưu ý : tưởng tượng và hồi tưởng phát xuất từ tưởng tri nhưng đã bước qua lĩnh vực thức tri).
Thức tri: là cái biết qua kiến thức có được từ kinh nghiệm của 6 thức và từ những thông tin góp nhặt, vay mượn bên ngoài. Đây chính là hoạt động của lý trí chỉ hữu ích trong lĩnh vực tục đế (chân lý quy ước của thế gian).
Thắng tri là cái biết qua một trình độ tâm thức cao hơn như thiền định, thần thông… Thắng tri đôi lúc được dùng theo nghĩa tuệ tri hoặc liễu tri, khi đó là thắng tri của bậc Thánh.
Tuệ tri: là khả năng nhận thức trực tiếp trung thực của tánh biết. Khi thận trọng, chú tâm, quan sát hoặc tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác đạt được đối tượng thực tánh pháp thì tánh biết thể hiện dưới dạng tuệ tri.
Liễu tri: là khả năng sáng suốt-định tĩnh-trong lành tự nhiên của tánh biết không còn bị ngăn ngại bởi cái ta tư tưởng nên hoàn toàn vô ngã vô vi. Đây là tánh biết thể hiện nơi các bậc Thánh…
Nên Đức Phật dạy khi cần thì học bên trong, khi lại học bên ngoài, khi học cả hai, khi không cần học gì nữa…
Thầy Viên Minh-Nguồn: trungtamhotong.org