Học thương

Thương – là từ dành để chỉ người nào đó và cũng chỉ tình cảm ta dành cho một đối tượng. Đó có thể là người thân gần, người ta chọn đồng hành, người có duyên sâu với ta trong nhiều đời kiếp và đời này, ngay khi sanh ra ta đã gắn bó với họ suốt đời với vai trò ấy.

Là mẹ, là ba, là con, là cháu… Những gạch nối huyết thống ấy thật đẹp, tiếp nối, nên thương một cách tự nhiên, nên dẫu có gì thì cũng cứ thương (theo cách riêng).

Là những người lạ xa nhưng rồi vì mình chọn, là người thương.

Là người lạ xa nhưng cùng đi trên một con đường, hiểu nhau sâu sắc, hiểu ngay cả khi không nói, chỉ nhìn cách đi, màu áo, nụ cười, bàn tay xòe ra cũng cảm thấy rất gần. Những người cùng đi trên đường vui không vướng bận…

28

Tất nhiên, thương cũng phải học. Đó là học lắng nghe. Học hiểu một con người. Học thay đổi chính bản thân để “gần” nhau hơn, để thấy phía sau biểu hiện của đối tượng có khó khăn nào hông, có tập khí gì mà chính họ cũng đang muốn thay đổi và cần ta yểm trợ, có thông điệp nào khác mà ta chưa đủ sâu để hiểu-thấu được…

Học thương một đối tượng thực ra cũng là học thương mình. Bởi vì khi thương đúng, ta và người sẽ hạnh phúc, bình an trong gạch nối ấy. Có những người dạy ta thương, nhưng ta không hiểu cho đến khi người ấy rời đi hoặc không còn nữa, ta mới ngộ ra, cảm được.

Học thương cũng chính là học cơi mở lòng mình, để ta có thể dung chứa nhiều hơn đối tượng thương, đó không chỉ người thân mà còn cả người lạ xa, không chỉ người khổ đau mà cả người chưa hạnh phúc đang vẫy vùng gây khổ cho chính họ và người thân gần, không chỉ con người mà vạn loại, còn cả đất mẹ xanh tươi ta đang mượn vay, mang ân trọng…

Bài học thương yêu là bài học suốt đời, nhiều đời. Người ta nói, học tập suốt đời là nhận thức sống của người hiện đại, trong đó bài học về thương yêu có lẽ là đầu tiên, mỗi ngày, vì tâm ta không phải bao giờ cũng trọn thương, lòng ta vốn nhiều trọng thương, trái tim ta vẫn tham-sân-si rất nhiều. Học thương, vì thế cũng là tu, là học và hành chuyển hóa ba món độc ấy để có thể thở và cười an nhiên…