Làm sao để sống chung an lạc được với người xấu tính?
Hỏi: Con kính thưa sư cô làm sao để có thể sống chung an lạc được với những người xấu tính? Làm thế nào để đạt được trí tuệ chân thực? Xin sư cô giải thích cho con chữ “Sắc tức là không” trong kinh Bát Nhã, cách áp dụng vào đời sống như thế nào?

Đáp:
Đây là một câu hỏi rất quan trọng và cần thiết đối với những người muốn vượt thắng phiền não. Đi sâu vào tìm hiểu ta sẽ đạt được một cái thấy sâu sắc giúp ta cởi bỏ được những phiền muộn trong cuộc đời.
Chữ “Không” trong kinh Bát Nhã khiến nhiều người hiểu lầm là không có gì, là trống rỗng. Đúng ra phải gọi đầy đủ là “không có một thực thể riêng biệt”. Khi nhìn vào một chiếc áo với con mắt phàm phu thì ta chỉ thấy đó là chiếc áo thôi. Nhưng nhìn với con mắt trí tuệ ta sẽ thấy, chiếc áo ấy không tự mình có được mà nó được hình thành từ rất nhiều yếu tố khác ví dụ: vải, kim, chỉ, cúc áo, máy khâu, người thợ may. Nếu không có những yếu tố kia thì chiếc áo không thành chiếc áo được. Nhìn sâu hơn nữa ta sẽ thấy có người nông dân trồng lúa nuôi người thợ may, có đất, nước, ánh nắng, phân bón nuôi cây lúa, có người thợ mỏ, người công nhân tạo ra nồi niêu để nấu cơm, tiếp tục nhìn sâu ta sẽ thấy toàn thể vạn hữu vũ trụ nằm trong chiếc áo đó. Chiếc áo không thể tồn tại độc lập nếu thiếu những yếu tố khác, nó cần nhiều yếu tố để tạo thành chiếc áo. Giải sử người thợ may đưa đường kéo khác đi một chút thôi thì cũng những nguyên liệu ấy nhưng vật được tạo thành lại không gọi là chiếc áo mà được gọi là chiếc quần, chiếc túi, hay cái mũ, .v.v… Vậy nên, tên gọi chỉ là giả danh (tạm đặt tên để dễ phân biệt). Trong kinh Bát Nhã nói:
“Sắc tức là không
Không tức là sắc.”
Dùng ngôn ngữ Bát Nhã để diễn bày ý này, ta có câu sau: “Nhìn là chiếc áo nhưng chẳng phải chiếc áo. Không phải chiếc áo nhưng đích thực nó là chiếc áo”. Ta tạm hiểu “sắc” nghĩa là biểu hiện, “không” tức là ẩn tàng. Ta sẽ có câu: “tuy nhìn thì thấy đó là chiếc áo nhưng nhìn kỹ thì thấy nó là do nhiều yếu tố khác tới với nhau mà tạo thành (sắc tức là không). Nhờ có nhiều yếu tố kết hợp lại nên nó được gọi là “áo” (không tức là sắc).
Áp dụng cái nhìn sâu sắc đó vào con người ta thấy, khi nhắc tới một người bạn tên là Hương, ta lập tức hình dung ra khuân mặt, tính cách, trang phục, địa chỉ,v.v… ta có thể khởi tâm quý mến hoặc ghét bỏ tùy vào tính cách của người ấy và cách người ấy đối xử với ta. Đó là nhìn bằng con mắt phàm tình, còn nhìn bằng con mắt trí tuệ thì thấy cô Hương chẳng có gì là “của” cô ấy cả. Hình hài là do cha mẹ, do thực phẩm, do địa lý, khí hậu, … tạo thành. Nếu cô Hương không sinh ở Việt Nam mà sinh ở Mỹ thì da, tóc, mầu mắt của cô sẽ khác đi. Tính cách của cô, nhận thức, hiểu biết, thói quen cũng do gia đình và xã hội tạo nên. Giả sử cô tiếp nhận gien thông minh tuyệt đỉnh từ cha mẹ nhưng lại sinh ra trong một gia đình nghèo nơi vùng sâu vùng xa, không được học hành, thì tầm hiểu biết của cô cũng chỉ vỏn vẹn nơi mái nhà và ngôi làng nhỏ bé của cô thôi. Trong khi nếu với chỉ số thông minh ấy cô được sinh ra trong một gia đình danh giá, được học hành bài bản và có nhiều cơ hội thăng tiến thì cô đã trở thành một người nổi tiếng rồi.
Nhìn vào cô Hương bằng con mắt thịt ta chỉ thấy cô Hương với hình dáng và tính cách riêng. Nhưng nhìn kỹ thì thấy hình dáng, tính cách ấy là được hình thành nên từ dòng họ, học đường, bạn bè, xã hội, vùng miền, quốc gia, thời đại.v.v.. Cô Hương có thể chủ động về cuộc đời mình như phần chủ động của cô chỉ chiếm khoảng 20 % đến 30% thôi, còn lại tùy thuộc vào những hạt giống nằm trong tâm thức của cô mà cô đã tiếp nhận từ tổ tiên và xã hội.
Bài tụng thứ 6 trong Duy Biểu Học nói rõ về vấn đề này:
Giá trị một đời người
Tùy thuộc vào phẩm chất
Mọi hạt giống đang nằm
Trong chiều sâu tâm thức
Đời sống của một người hạnh phúc hay khổ đau tùy vào những hạt giống trong tâm thức. Nếu được tiếp nhận nhiều hạt giống tốt thì người đó có nhiều cơ hội hưởng hạnh phúc và được nhiều người yêu mến, còn nếu trong tâm thức có nhiều hạt giống xấu thì người ấy gặp khổ đau trong cuộc đời và bị nhiều người không ưa. Tuy nhiên, ta phải nhớ rằng không phải cá nhân người ấy chịu trách nhiệm về những hạt giống của đời họ, mà tổ tiên, xã hội, thời đại, v.v.. đều phải chịu trách nhiệm.
Trong cuộc đời ai cũng muốn mình tốt đẹp, không ai muốn trở thành người xấu, bị ghét bỏ xa lánh. Nếu một người có nhiều hạt giống tốt, có hạnh phúc, ta gọi đó là người có nhiều duyên lành. Nếu một người có nhiều hạt giống xấu, gây khổ đau cho ta và cho chính họ thì ta biết họ cũng chỉ là nạn nhân, họ không hề muốn như vậy nhưng những biệt nghiệp và cộng nghiệp đã tạo nên như vậy. Nhìn ra điều ấy, thay vì oán hận ta có thể cảm thông và thương được.
Tương tức:
Ta không phải là một cá thể độc lập mà ta có mối liên hệ chặt chẽ với xung quanh và với cuộc đời. Nếu những người xung quanh ta tốt đẹp, có hạnh phúc thì ta sẽ được ảnh hưởng điều tốt đẹp và hưởng chung hạnh phúc, nếu người xung quanh ta có nhiều thói xấu và khổ đau, thì ta sẽ bị nhiễm cái xấu và hứng chịu khổ đau theo. Nhân duyên cứ chằng chịt và đan xen vào nhau. Sự tu học ở đây là ta phải duy trì chánh niệm để phận biệt được đâu là đúng, đâu là sai, để chủ động chọn lọc những cái lành đưa vào tâm thức mà không để cho những cái xấu đi vào. Phương pháp tu tập là ta lựa chọn môi trường làm việc nơi có những người hiền lành chung sống, dù lương hơi thấp một tí nhưng có bình an, có không gian; lựa chọn những thú vui lành mạnh, không tự đầu độc mình bằng những sản phẩm độc hại cho sức khỏe và tâm hồn. Ta với người khác vốn tương tức với nhau nên giúp người khác cũng là giúp chính mình. Nếu người kia có những thói hư tật xấu ta phải biết họ chỉ là nạn nhân, đừng đồ hết trách nhiệm lên đầu họ hãy giúp họ bằng cách khích lệ những đức tính tốt trong họ, để cho những đức tính tốt ngày càng lớn mạnh át đi những thói xấu. Tuyệt đối tránh chọc ngoáy vào tính xấu của họ, điều ấy chỉ làm cho họ đau khổ và tính xấu càng tăng trưởng thêm mà thôi.
Thầy Pháp Ấn, viện trưởng của Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu, Làng Mai tại Đức có lần kể: Một hôm thầy có khen ngợi một thầy trẻ, sau mới nhớ ra là mình … khen nhầm, người mà thầy muốn khen là một thầy khác, nhưng lỡ … khen nhầm rồi nên đành im lặng. Ai ngờ, một thời gian sau thầy được khen trở nên rất giỏi giang trong lĩnh vực được khen. Vậy nên, ta có thể tự giúp chính mình và giúp người khác bằng cách nuôi lớn những điều tốt đẹp trong mình và trong người khác, tránh đụng chạm vào những hạt giống xấu. Biết là người kia nóng tính thì đừng chọc giận người ta, biết là người kia hay mặc cảm thì phải tìm ưu điểm để khen ngợi mà đừng có chê bai. Khích lệ và nuôi dưỡng những điều tốt đẹp sẽ khiên cho điều tốt đẹp lớn mạnh và áp đảo những thói xấu.
Bây giờ ta trở lại với ví dụ chiếc áo để giải quyết nốt vấn đề “sắc tức thị không”. Giả sử ta đặt chiếc áo xuống và tháo rời những đường chỉ ra, tháo cúc ra, tháo tung từng sợi vải, rồi cho vào máy say, say nát tất cả những thành phần ấy, cả cúc áo, cả vải cho tới khi nó chỉ còn lại là đám bụi trần, rồi đám bụi trần này tiếp tục nghiền nhỏ ra thành không khí, thành những phân tử, nguyên tử mà mắt thường không nhìn thấy. Bây giờ ta không còn thấy chiếc áo đâu nữa, chỉ còn lại hư không. Nhưng những vi trần kia không mất đi, nó chỉ nhỏ lại và tách rời khỏi nhau mà mắt thường không nhìn thấy.
Lấy một ví dụ khác, ta có một cục đá, lấy từ tủ lạnh ra. Ban đầu nó là nước, cho vào tủ lạnh nó đông lại thành đá, khi bỏ ra ngoài nó lại tan thành nước, để thật lâu nước bốc hơi hết không còn gì. Nhìn vào không thấy đá, không thấy nước ta tưởng rằng nó đã “mất” nhưng không phải, nó đã trở thành hơi nước mà mắt thường không nhìn thấy, nếu giảm nhiệt độ xuống thì ta sẽ lại nhìn thấy những giọt nước. “Không” ở đây có nghĩa là ẩn tàng, là không có một thực thể riêng biệt, viên đá lạnh tự nó không đứng độc lập mà nó do nước, do cái khay đựng, do nhiệt độ thấp, v.v… tạo thành, những điều kiện kia mất đi thì nó không tồn tại nữa, không tồn tại không có nghĩa là mất đi mà chỉ là ẩn đi, khi đủ điều kiện lại biểu hiện. Các nhà khoa học cũng đã công nhận rằng: “Vật chất là năng lượng được cô đặc, năng lượng là vật chất được pha loãng”
Vậy điều này thì liên quan gì tới việc tháo tung những xiềng xích khổ đau trong ta? Nếu ta đã đi được bước thứ nhất là hiểu rằng mỗi người mang trong mình những hạt giống có sẵn của tổ tiên và xã hội trao truyền thì ta sẽ chấp nhận và thương được những người khó ưa, ngay cả những kẻ tội phạm, những kẻ xấu ác ta cũng vẫn thương được. Mà khi có tình thương trong lòng thì khổ đau sẽ vơi bớt. Nhờ thiền quán sâu sắc ta sẽ thấy mọi thứ là vô thường, biến đổi không ngừng, một người dốt nát nhờ học hỏi sẽ trở nên giỏi giang, một người giỏi giang vì lười biếng, kiêu ngạo mà lại thành dốt nát. Một người giàu sang, khi hết phước lại nghèo hèn, một người nghèo hèn chuyên cần làm phước lại trở nên giàu sang. Thấy được tính chất vô thường này ta sẽ bớt kiêu ngạo và không còn sợ hãi với những điều tiêu cực trong mình nữa. Ta biết rằng ta có khả năng chuyển hóa tự thân, từng bước một ta có thể thanh tịnh hóa thân tâm của mình. Thiền sư Làng Mai nói “đã có đường đi rồi, con không còn lo sợ”.
Bước thứ ba, nhìn sâu vào vạn vật ta thấy tất cả đều tới từ hư không và trở về với hư không. Ngay cả những cảm xúc vui buồn, yêu ghét, khi có điều kiện thì nó xuất hiện, khi điều kiện mất đi thì nó ẩn đi, cảm xúc khi biểu hiện thì gọi là “sắc” khi tan biến thì gọi là “không”, hình hài, tri giác, tâm hành, nhận thức cũng vậy. Trong sắc đã có không và trong không đã có sắc. Sắc chính là không, không chính là sắc. Đi sâu vào thiền quán ta thấy rõ ràng rằng tất cả là một, một là tất. Dù đó là vật chất nhỏ nhoi như hạt cát cũng chứa đựng cả tam thiên đại thiên thế giới, dù chỉ là một tâm niệm thoáng qua, cũng chứa đựng đầy đủ vũ trụ vạn hữu. Tôi có viết một bài thơ nhỏ diễn tả ý này như sau:
Một hạt cát bé xinh
Chứa ba ngàn thế giới
Một tâm niệm đăng trình
Mười phương thay áo mới
Đi sâu và để nhiều thì giờ vào công trình thiền tập này ngã chấp của người hành giả sẽ dần tan rã, người hành giả có thể nhìn sâu sắc mọi vấn đề trong khi những người khác thì nhìn hời hợt, có thể bao dung và chấp nhận được những điều mà người khác khó bao dung và chấp nhận. Có thể bình thản, tự tại được trước những hoàn cảnh mà người khác khó có thể bình tĩnh. Điều này, về lý thuyết khi nghe qua cũng dễ hiểu thôi, nhưng để phát triển thành tuệ giác thì cần có công phu tu học. Công phu ở đây là duy trì cái thấy ấy bền bỉ trong nhiều năm, nhiều chục năm, có khi là nhiều kiếp…
Sư cô Lĩnh Nghiêm