Làm sao giữ được lòng vui?
Khi bạn cảm thấy stress hay lòng tràn ngập những âu lo, cần tìm những khoảnh khắc thư giãn. Hãy hít thở và quan trọng hơn, tập trung tư tưởng, có thể ngồi thiền hay bằng những phương thức khác tùy duyên và vô hại. Điều này làm bạn suy nghĩ tỏ tường hơn khi nhìn nhận sự việc
Khi nhân loại đối diện nỗi sợ
Cách đây nhiều năm, nhà báo John Lloyd, đồng sáng lập Học viện Reuters chuyên nghiên cứu ngành báo chí tại Đại học Oxford, đã viết về “Ba nỗi sợ lớn nhất hiện nay”.
Nỗi sợ đầu tiên là “Quả đất ấm lên”, một nỗi sợ mơ hồ nghe chừng quen thuộc đến nỗi người ta dễ quên mức độ hủy hoại khủng khiếp của nó. Ở châu Phi và Trung Đông, người ta không còn tìm ra nước dễ như trước ở nhiều nơi. Nếu chúng ta không hành động ngay tức khắc và hữu hiệu trong việc giảm khí thải toàn cầu, hậu quả đối với nhân loại và quả đất này cực kỳ khủng khiếp!
Nỗi sợ thứ hai hữu hình hơn đe dọa toàn nhân loại – những năm trước đây là cuộc khủng bố tại các thành phố lớn của Thổ Nhĩ Kỳ, Mali, Iran… gần chúng ta hơn như ở Philippines và Myamar… Nhưng hôm nay là cuộc chiến ở Dải Gaza, và chiến tranh Ukraine – Nga mà mức độ tàn phá còn lớn lao hơn nhiều lần, khiến nhân loại âu lo trước một khủng hoảng bạo lực vũ trang mà hậu quả có thể khó lường.
Cũng theo Lloyd, còn một nỗi sợ nữa là tình trạng dân chủ suy thoái ở một số quốc gia trước đây vốn là dân chủ, đang dần trở thành độc tài toàn trị nhân danh quân đội.
Tỷ phú Elon Musk lại có một nỗi sợ khác, nghe qua thì viển vông, nhưng có lẽ sẽ là nỗi quan ngại của nhiều nước là tình trạng thiếu dân số “trẻ”. Ông nói rằng sự suy giảm sinh suất ở nhiều nơi đáng báo động, mà các nền văn minh sẽ phải đối diện “khủng hoảng người” vì dân số già hóa khi ông muốn nhân loại trở thành một chủng loại đa hành tinh và hỏa tiễn SpaceX sẽ chuyên chở con người lên xuống sao Hỏa, nơi mà sự hiện diện con người sẽ được xác lập.
Nhưng đó là chuyện xa vời, chuyện trước mắt là nỗi lo cơm áo gạo tiền đang “dầu sôi lửa bỏng”. Có thể kể đến nỗi sợ khi nền kinh tế toàn cầu năm 2023 vẫn bấp bênh trong bối cảnh chịu tác động kéo dài của các cú sốc tiêu cực chồng chéo, như đại dịch Covid-19, xung đột quốc gia, chính sách thắt chặt tiền tệ của các nước phát triển nhằm kiềm chế lạm phát và hướng tới tài chính công bền vững; xu hướng thu hẹp tiêu dùng và sụt giảm lượng đơn hàng xuất khẩu; sự suy giảm mạnh thị trường bất động sản, giá năng lượng cao.
Riêng tại Việt Nam, tình hình kinh tế đang đối diện nhiều thách thức. Theo Sách trắng về doanh nghiệp nước ta 2022 cho thấy, trong giai đoạn 2017-2021 chỉ có 83-85% số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, trong số đó gần 42% doanh nghiệp lỗ, gần 19% doanh nghiệp hòa vốn và chỉ có 39% doanh nghiệp có lãi.
Tình hình 2023 còn tệ hơn khi hàng loạt doanh nghiệp không có đơn hàng, phải sa thải công nhân, thu hẹp sản xuất. Không ít doanh nghiệp lâm vào tình cảnh cạn kiệt nguồn vốn, trong khi trái phiếu doanh nghiệp đến kỳ đáo hạn, vốn vay ngân hàng đến kỳ phải trả, việc hoàn thuế và dòng tiền về chậm, áp lực giá và chi phí đầu vào cao, nhất là tăng lãi suất tín dụng khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, sản xuất cầm chừng.
Tình hình xã hội cũng có những khoảng tối với tỷ lệ trộm cướp gia tăng, tình trạng tham nhũng ở các cấp chính quyền mà hiệu quả phòng chống, theo nhận định của những người lãnh đạo là dù có nhiều nỗ lực, cần phải đẩy mạnh tiếp tục. Tình trạng ô nhiễm không khí, sông rạch ao hồ, hay nạn phá rừng, lấp sông khai thác tài nguyên không kế hoạch, nhiều nơi. Tình trạng nhiễm độc trong vệ sinh thực phẩm, tình trạng tai nạn giao thông đáng báo động. Nguy hiểm nhất là tình trạng bạo lực tràn lan, trở thành phương thức xử thế đáng lo ngại. Trong bối cảnh đó, chúng ta thấy trong lòng người Việt hôm nay các tâm sở bất thiện: sợ hãi (bhaya), lo lắng, hồi hộp (soka), và có người tuyệt vọng…
Chúng ta phải làm gì?
Đã có lần người viết nghĩ, thôi thì chúng ta khuyên nhau tập kham nhẫn và tri túc như trong “Lá thư gửi vào mùa dịch” hai năm trước nhưng hôm nay chỉ như thế thì không đủ. Có ai đó nói rằng vấn đề không nằm ở trở ngại hay khó khăn, mà vấn đề nằm ở chỗ hay cách chúng ta ứng phó và nhìn nhận về những khó khăn ấy. Cũng một hoàn cảnh nhưng mỗi người có những cách nhìn khác nhau như trong một đêm tối trời, người bi quan sẽ phàn nàn sao trời tù mù tăm tối chỉ có vài vì sao thì người lạc quan lại cho rằng may sao vẫn còn lấp lánh vài vì sao thay vì tối đen hết cả. Trong những hoàn cảnh như hiện nay, chúng ta hãy thử làm theo một vài lời khuyên thay đổi tâm thế của mình.
Giữ vững sự tích cực
Trong Les Misérables (Victor Hugo) có một câu nói, “Ngay cả đêm tối dài nhất cũng sẽ chấm dứt và mặt trời sẽ mọc lên”. Mọi tình huống khó khăn rồi sẽ qua đi theo một cách nào đó. Hãy nhìn vào mặt tích cực của sự việc, cho dù nhỏ nhất, để giữ sự lạc quan, khích lệ nhau sống và làm việc, bởi sự sống là đáng quý và năng lực bên trong con người, trong đó có những hạt giống luôn hướng về cái thiện.
Hãy giữ tâm thế phát triển (growth mindset): Đừng tin rằng khả năng mình là bất biến và cố định, hãy ‘vun trồng’ tâm thế phát triển và tin rằng bạn có thể vươn lên từ thử thách. Điều này khiến khả năng chịu đựng mạnh mẽ hơn và và kiên cường trong khi đối diện khó khăn. Nuôi dưỡng sự lạc quan: Hãy tin rằng mọi chuyện cuối cùng sẽ tốt đẹp đem lại hy vọng và động lực.
Cụ thể, OECD dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam đạt 4,9%. WB và IMF dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,7% năm 2023, phụ thuộc vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn. Việt Nam vẫn xuất siêu 21,68 tỷ USD hàng hóa.
Kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng và dự kiến sẽ phục hồi nhanh trong tương lai gần nhờ tiêu dùng trong nước mạnh, được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện các hoạt động thương mại, cũng như các lĩnh vực khác được dự báo tăng trưởng lành mạnh. Đầu tư công sẽ là động lực chính cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2023. Với những giải pháp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, những hạn chế về nguồn tài chính dành cho các lĩnh vực bất động sản, xây dựng dự kiến sẽ được nới lỏng, qua đó hỗ trợ cho đầu tư tư nhân từng bước phục hồi từ năm 2024 trở đi.
Thay đổi thái độ và bình tâm
Đôi khi cách duy nhất thay đổi tình huống khó khăn là thay đổi thái độ. Như đã nói ở trên, nhìn vào khía cạnh tích cực của vấn đề và tập trung vào những gì ta có thể kiểm soát được. Chấp nhận những gì bạn không thể kiểm soát vì cố gắng quản lý mọi thứ sẽ làm bạn căng thẳng và giải quyết vấn đề không hiệu quả. Chấp nhận và tập trung vào những gì bạn có thể làm để giảm bớt sự lo lắng và tăng cường năng lực thích ứng.
Khi bạn cảm thấy stress hay lòng tràn ngập những âu lo, cần tìm những khoảnh khắc thư giãn. Hãy hít thở và quan trọng hơn, tập trung tư tưởng, có thể ngồi thiền hay bằng những phương thức khác tùy duyên và vô hại. Điều này làm bạn suy nghĩ tỏ tường hơn khi nhìn nhận sự việc.
Chúng ta có thể bình yên nếu chúng ta biết giới hạn lòng mình, bớt tham sân và phát triển tâm từ, bi, hỷ, xả, để đạt được thanh lương (nirjvara – feverlesness) và tự tại (vaśin – sovereignty). Nhà Phật đã ví tâm ta như con khỉ. Đó là tâm loạn động, không khi nào yên, cứ lăng xăng, nghĩ hết chuyện này đến chuyện khác, như khỉ chuyền từ cành này sang cành khác, phát sinh ra đủ thứ phiền não, cấu uế.
Phật dạy “Giữ xét tâm viên, quán sát thực tướng” là vì sự hiện hữu của chúng ta phát xuất từ vô minh. Thôi thì ngày xuân Giáp Thìn hãy định tâm lắng lại. Chúc nhau bớt lăng xăng, vọng động (feverish) huân tập tâm thiện – thanh lương.
Chúng ta cũng thường nghe “Phiền não tức Bồ-đề”, nghĩa là phải thấy tính bất nhị giữa phiền não và giác ngộ – nhận thức sự vật hiện tượng một cách toàn diện, vì thấy rồi thì không còn sợ hãi. Chừng đó chúng ta hãy chúc nhau tự tại vì tự do giúp chúng ta nhận ra Niết-bàn là tia nắng hay ngọn gió bên ngoài cửa sổ và ngay trong lòng ta. Nói như các bậc tôn túc là ta có thể rong chơi trời phương ngoại.
Tinh tấn và tỉnh giác
Ở Úc, tại Sydney, có một quán rượu, đặt hình ba con khỉ với ba câu châm ngôn: “See no evils, hear no evils, talk no evils” (Không thấy điều xấu, không nghe chuyện xấu, không nói lời xấu). Vào quán rượu mà tâm không động e rằng bất khả thi. Nhưng cái chính là chúng ta không thể không nghe, không thấy những điều xấu nhưng đừng để bị tác động tiêu cực từ nó. Muốn không bị những “xúc thực” ấy gây phiền não, chúng ta phải có “tư niệm thực” (volition ) mạnh mẽ, vì nó là lý tưởng, là ý chí, là con đường kiên định mà ta phải đi vì đã vạch ra từ ban đầu. Nói vắn tắt, chúng ta phải tỉnh giác – nhận biết những gì đang diễn ra với mình.
Thực tập tỉnh thức: Chánh niệm khiến ta tập trung vào giây phút hiện tại, bình thản hơn và vững vàng trước tình huống khó khăn. Dĩ nhiên thay đổi tâm thế thì không dễ dàng gì vì nó có khi cũng không sẽ mang lại hiệu quả bởi những yếu tố bên ngoài vượt xa mọi sự điều chỉnh tâm lý. Tuy nhiên, bằng việc tích cực ‘vun trồng’ tâm thế tích cực và kiên định, bạn đã tự trang bị cho mình những phương tiện đối phó thử thách và tình huống khó khăn một cách hiệu quả. Nếu bạn không chắc, hãy tham vấn những vị hành giả Phật giáo hay một nhà tâm lý nào đó để họ có thể cho bạn những hướng dẫn và hỗ trợ quý báu.
Sống thuận hòa
Kết nối với người chung quanh và phải học sống trong thuận hòa. Thuận hòa giữa người với người và giữa người với với môi trường, với thiên nhiên. Phải thương yêu, tôn trọng con sông, dòng suối, cánh rừng. Nếu chúng ta tàn phá, làm cạn kiệt, giết chết những sinh vật trong đó thì chính mình hay con cháu mình phải nhận quả báo về sự biến đổi khí hậu như đã nói ở trên. Để hòa thuận, từng quốc gia phải giới hạn tham vọng của mình.
Theo nhà Phật, đường đến Niết-bàn là con đường bất bạo động và hòa bình. Đó là một thông điệp nhắn nhủ cho cả thế giới này, hay nói cách khác là không chấp nhận bạo động, chiến tranh và hủy diệt sự sống. Trong thời đại ngày nay, không ai có thể tự tiện xâm phạm bờ cõi nước khác nhân danh bất cứ sức mạnh quân sự nào. Tương tự trong xã hội sự an lạc và hòa thuận phải xây dựng trên bình đẳng giữa các nhóm người. Không có những kẻ “Ngồi mát ăn bát vàng”, “Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”, bởi hố ngăn cách giàu nghèo càng lớn, nguy cơ bất ổn xã hội càng cao. Như lời kinh Pháp cú thật giản dị và thiết thực:
“Lời nói được thận trọng,
Tâm tư khéo hộ phòng,
Thân chớ làm điều ác,
Hãy giữ ba nghiệp tịnh,
Chứng đạo thánh nhân dạy”.
(Kệ 281)
Hãy giữ nụ cười
Cho đi điều thiện sẽ nhận lại điều thiện. Khi chúng ta cười với người khác, người khác cũng sẽ cười lại với chúng ta. Bất luận là ở cùng bạn bè hay là cùng những người bạn cũ trò chuyện, hãy nhớ luôn giữ nụ cười, cho đi niềm vui.
Một hiền giả người Anh tu tập theo hệ phái Theravada, Martin Evans, trong bài viết “Buddha’s smile” muốn chúng ta hãy “vun xới niềm hân hoan” (cultivate the joys). Sư chia sẻ:
“Quý vị hãy nhìn lên gương mặt của Đức Phật xem sao. Quý vị có trông thấy nụ cười của Ngài hay chăng? Nụ cười của Ngài thật là tinh tế. Thế nhưng tại sao Ngài lại mỉm cười? Có phải đấy là một thể dạng hạnh phúc mà Người cảm nhận được trong khi thiền định hay chăng?… Tôi nghĩ rằng đấy là kinh nghiệm cảm nhận về những giây phút của hiện tại, một sự đình chỉ của cuộc phiêu lưu và tìm kiếm một điều gì đó nằm bên ngoài những giây phút hiện tại.
Trong tâm thức tham lam, thèm khát thì sẽ không có một thể dạng kinh nghiệm cảm nhận nào về những giây phút hiện tại có thể hiện ra được… Có gì khác trong nụ cười Đức Phật hay chăng? Đấy là nụ cười của lòng từ bi… Nụ cười ấy là nụ cười thường trụ trên khuôn mặt Phật, nụ cười tràn đầy hỷ lạc và minh triết về khổ đau của kiếp người. Chẳng phải là một điều tuyệt diệu sao khi nụ cười ấy có sẵn bên trong mỗi con người chúng ta, và nó cũng chỉ hiện ra khi chúng ta lắng tâm sống trong tỉnh thức”.
Nói như Thiền sư Nhất Hạnh: “Nụ cười vô úy nở, trong thế giới đầy đau thương, đầy sầu não mà vẫn nở nụ cười vô úy vì đã tiếp xúc được với Niết-bàn. Không còn thấy sinh. Không còn thấy tử”. Chúng ta muốn vượt lên trên nỗi sợ bằng tâm vô úy (abhayam). Nhưng như đã nói, không dễ vì chỉ có bậc Giác ngộ, không còn thấy sinh hay tử mới vượt qua nỗi sợ.
Bởi, “đời đầy khổ đau nhưng đời cũng đầy rẫy những mầu nhiệm. Tất cả đều vận hành theo nguyên lý vô thường vô ngã, như ngoài mùa đông, có mùa xuân, ngoài bóng tối còn có ánh sáng, ngoài tật bệnh còn có sức khỏe, ngoài nắng hạn và bão lụt còn có gió thuận mưa hòa…
Chỉ cần mở mắt ta thấy được trời xanh, mây trắng, mưa thuận gió hòa, sự ổn định chính trị, tự do ngôn luận, pháp luật được bảo vệ, trẻ con được đi học, buổi sáng bông hoa đang nở, sức khỏe của chúng ta v.v… Đó là những yếu tố tích cực của bình an và hạnh phúc bên cạnh những yếu tố tiêu cực như bất công xã hội, kỳ thị chủng tộc, trẻ em thiếu ăn, kỹ nghệ chế tạo và buôn bán vũ khí, phóng xạ nguyên tữ v.v… Ý thức về những gì hư xấu và nguy hiểm đang xảy ra là cần thiết, bởi vì do đó mà ta có thể tìm ra phương pháp cứu chữa” (Thích Nhất Hạnh, Con đường chuyển hóa).
Hiểu được nguyên lý chuyển hóa ấy, chúng ta không thể cứ mãi lo lắng về những buồn phiền, âu lo đến mức không còn niềm vui và cạn kiệt ước mơ hay sinh lực để vui sống hay phụng sự. Phải tìm lại mùa xuân và nụ cười an nhiên trong chính chúng ta, ngay giây phút này, vì đó là những yếu tố bình yên và tích cực giúp ta tiếp xúc với những mầu nhiệm trên thế gian này và truyền đạt những cảm thọ hỷ lạc ấy sang cộng đồng và tha nhân. Tại sao chúng ta không tự tạo mùa xuân trong tâm thức mình, biến cuộc đời chung quanh thành đáng yêu và đáng sống với nụ cười thường trụ “bây giờ, ở đây” trong tâm trí tỉnh thức và tràn đầy chánh niệm?
Hãy sống như người tiền nhân của chúng ta đã từng sống và làm nên sức mạnh cá nhân, phát huy giá trị tự thân, từ đó thuận có được sức mạnh của cả dân tộc, chiến thắng mà không vướng vào danh lợi và hào quang, sống bình thường với các giá trị hạnh phúc thật có thật:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên.
Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch;
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên,
Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền.
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.
(Trần Nhân Tông, Cư trần lạc đạo phú, Thuần Tuệ chuyển ngữ)
Chúng ta nhớ lời cụ Tú Lãm trong Nửa chừng xuân của Khái Hưng trước lúc lâm chung dặn con “Hãy giữ lòng vui, giữ linh hồn trong sạch, và đem hết nghị lực ra làm việc”!
Khi bạn cảm thấy stress hay lòng tràn ngập những âu lo, cần tìm những khoảnh khắc thư giãn. Hãy hít thở và quan trọng hơn, tập trung tư tưởng, có thể ngồi thiền hay bằng những phương thức khác tùy duyên và vô hại. Điều này làm bạn suy nghĩ tỏ tường hơn khi nhìn nhận sự việc
Vâng, hãy giữ lòng vui!
Nguyên Cẩn