Lời nguyện soi đường
Với người học Phật, lời nguyện rất quan trọng. Tất nhiên, đó là lời nguyện đúng, để mình thẳng tiến một đường mà đi, không thối chuyển.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1254 – Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn |
Bạn có lời nguyện nào cho mình?
Trong kinh Pháp cú, Đức Phật dạy: “Ý dẫn đầu các pháp/ Ý làm chủ ý tạo”. Tâm ý, hay cái ước muốn, phát nguyện dẫn chúng ta đi theo lối nào đó. Thiện hay ác do nội dung của ý khởi, lời nguyện bên trong. Có rất nhiều người khi thất tình thường khổ đau và nguyện sẽ trả thù người đã gián tiếp gây ra cái khổ cho mình. Lời nguyện này xuất phát từ sự sân hận vì không đạt được tham muốn, mong cầu của bản thân là có người mình yêu thương và tình yêu ấy.
Yêu quá hóa hận. Đây là tâm lý thường thấy của chúng sinh, vì sự vô minh, chấp ngã. Khi ta có chút giáo lý của Đức Phật, mình sẽ biết nghĩ tới nhân-duyên và tùy duyên trong mọi sự, mọi việc, kể cả trong các mối quan hệ tình cảm.
Có những người ta gặp và mến thích, có thể vì họ có ngoại hình dễ thương, tính tình dễ gần, biết quan tâm, chia sẻ. Một con người như vậy nếu được là người thương của họ thì còn gì bằng. Thế nhưng, trái ngang là họ đã có gia đình hoặc đang có người thương yêu. Ta có chút hụt hẫng, tất nhiên, nhưng nếu ta để cho tâm chúng sinh khởi lên thì ta sẽ dễ rơi vào ác đạo. “Tại sao người ấy không thuộc về ta mà lại là của người khác”. Ta bắt đầu hình thành ý thức chiếm giữ hoặc cướp lấy đối tượng ấy và bị dẫn lối bởi suy nghĩ, rằng tình yêu không có tội, ích kỷ mới là yêu, yêu mà không bày tỏ để cho nhau cơ hội thì hối tiếc cả đời…
Yêu quá hóa hận. Đây là tâm lý thường thấy của chúng sinh, vì sự vô minh, chấp ngã. Khi ta có chút giáo lý của Đức Phật, mình sẽ biết nghĩ tới nhân-duyên và tùy duyên trong mọi sự, mọi việc, kể cả trong các mối quan hệ tình cảm.
Trong khi đó, một người có học Phật, thường xuyên quán niệm về nhân-duyên-quả thì sẽ ngay lập tức thắng lại suy nghĩ ấy. Người ấy nghĩ tới việc, chỉ vì không phải là duyên của mình trong lúc này nên khi gặp gỡ, dù rất quý mến nhưng họ đang có bến đỗ bình an. Ta cũng nghĩ tới việc, cướp đi đối tượng mình thương từ người khác, khi họ đang êm ấm thì ta đang cố lấy đi một hạnh phúc không thuộc về mình, khiến người thứ ba đau khổ.
Giới thứ ba trong năm giới của nhà Phật dạy Phật tử tại gia về sự tôn trọng tiết hạnh và tình yêu. Đó không chỉ là tiết hạnh của mình, tình yêu và mối quan hệ mình đang kết nối mà còn cả tiết hạnh, tình yêu của người khác. Hai sự gìn giữ này nương nhau biểu hiện, không tách rời nhau.
Thực ra, khi ta biết tôn trọng hạnh phúc của người khác thì đó cũng là hạt mầm bình yên ta gieo xuống cho cuộc đời mình có bình yên, hạnh phúc trong tình yêu, hôn nhân.
Ngày nay, con người ta yêu vội, sống cuồng, thích thỏa mãn các tham cầu của bản thân. Nhu cầu thì bình thường nhưng tham cầu có nghĩa là muốn hơn mức bình thường. Đối với người bình thường, khi lớn lên, gần như ai cũng có nhu cầu tìm kiếm hạnh phúc lứa đôi. Ta có thể chọn người yêu, bạn đời phù hợp bằng cách quan sát, lắng nghe, điều chỉnh, để cùng đi trên hành trình ngắn ngủi của đời người.
Tuy nhiên, nếu đã có một người yêu, một người bạn đời, một tổ ấm mà ta vẫn còn muốn thêm, có quan hệ ngoài luồng khi có điều kiện hoặc luôn tìm kiếm “của lạ” để thỏa mãn ham muốn của mình có nghĩa mình đã trồng hạt xấu. Chính điều thiếu chung thủy này sẽ khiến trước mắt, trong tình yêu, hôn nhân của mình lục đục; xa hơn, ta có thể cũng gặp tình huống bị phản bội, người bạn đời không chung thủy với mình… Thậm chí rơi vào chỗ lao lý, tù tội do những hành động ác nhằm che giấu tội lỗi đã phạm. Mới đây, báo chí rộ tin một bác sĩ ở Đồng Nai sát hại một nữ đồng nghiệp cũng vì ngoại tình, sợ bị lộ ra, mất danh dự, tổn hại hạnh phúc mà mỗi bên đang có. Một chút tham muốn không được kiềm giữ đã đẩy mọi sự đi xa theo quy luật duyên sinh.
Một người học Phật, khi quán chiếu sâu nhân-duyên-quả thì sẽ thấy rõ từng ý nghĩ, lời nói, hành vi của mình có thể đưa đến an vui, hạnh phúc hay bất hạnh cho chính mình và những người xung quanh. Thấy rõ thì sẽ biết điều chỉnh, có chánh niệm hơn trong khi tác ý, nói năng, hành động.
Một ngọn lửa sân, hay tham được thắp lên, ta kịp nhận ra, quán chiếu về tác hại của nó, mình sẽ liền chuyển hóa nhẹ nhàng. Sự tỉnh thức vì vậy rất quan trọng trong đời sống hàng ngày. Đôi khi chỉ vì một phút giây thiếu chánh niệm, không có tỉnh thức ta đã nguyện một lời gây đau khổ cho người khác, với lòng sân, tâm tham, sự mê chi phối. Ngay phút ấy ta biết mình cũng đang dẫn mình đi vào lối khổ…
Sám hối nguyện xấu ác ngày xưa
Tất nhiên, vì chưa chứng Thánh quả A-la-hán nên đâu đó, hạt giống tham-sân-si vẫn đang ngủ ngầm trong ta, chờ dịp nẩy mầm, sinh sôi. Khi ta có sự tinh tấn thực tập chánh niệm, tỉnh giác, ta có an lạc, có hạnh phúc. Điều này khiến ta (lúc ấy) có sự ngộ nhận kiểu như mình đã làm chủ hoàn toàn được tâm mình.
Tuy nhiên, có những ngoại lực, đó có thể là nỗi khổ niềm đau, bất như ý chợt đến hoặc cũng có thể là cám dỗ rất ngọt ngào – ta đang trên đà thăng tiến, thành tựu mọi điều ước muốn, được tung hô, trọng thị – ta sẽ bị đánh gục. Lúc đó, có thể ta sẽ quằn quại trong bất như ý, thói quen xưa ưa trách trời trách người, thậm chí trách Phật trỗi lên. “Con tu giỏi thế mà, lâu nay con làm thiện không mà, con có làm gì xấu đâu…”. Và có thể, ta sẽ bị những ý xấu này dẫn lối.
Từ đó, ta bắt đầu gieo hạt xấu, tưới tẩm hạt không tốt. Vườn hoa trong tâm ta mọc lên cỏ dại, cây gai. Lúc đầu có thể ít thôi, nhưng sau đó nhiều dần, chiếm lấy tất cả khu vườn tâm của ta. Thật là nguy hiểm! Tâm xấu luôn phát triển nhanh chóng và dễ bám rễ sâu chắc trong ta. “Hoa thường hay héo, cỏ thường tươi”, có vị thi nhân đã nhận diện sự thật này. Và đây không chỉ là sự thật của hoa cỏ thông thường mà cả với tâm thức xấu/ tốt trong ta.
Ở đây có thể thấy, ta không nên chủ quan trong sự tu học của mình. Không chỉ ngã ngựa bởi bất như ý, sự ngọt ngào cũng khiến ta sa ngã, lao vào sự tự mãn, cống cao, tự cho mình cái quyền được thụ hưởng chiến công, thành tựu. Thực tế chứng minh điều này rất rõ, có những lúc cực kỳ khó khăn, anh em, chị em, bạn bè, vợ chồng có thể rất đoàn kết, hòa hợp, nhưng chỉ cần có một chút danh hiển, tiền bạc, đôi khi họ lại trở mặt, tranh giành hoặc muốn có thêm nữa.
Giữ tâm ý mình luôn vững chãi, thảnh thơi. Thong dong đi tới trên đường sáng đẹp có lẽ cần dựa trên lời nguyện tu học, không bao giờ rời bến giác.
“Con nguyện đời đời kiếp kiếp theo bước chân của Như Lai, gột rửa lòng mình tịnh thanh, tinh tấn cho đến khi thành Phật”.
Hoặc, “Con nguyện dù sinh ra trong cõi nào, thọ sanh hình hài ra sao, con cũng đều được gặp giáo pháp Phật và không bao giờ rời lời dạy của Đức Thế Tôn, chánh tín đi đến bờ giác ngộ”…
Lời nguyện ấy kèm với nguyện sám hối lỗi lầm, không lặp lại, để bản thân luôn hướng thiện và hướng thượng.
Có thể thấy, lời nguyện vừa là tấm che để bảo vệ ta không ngã đổ trước va đập của bất như ý lẫn thử thách của sự toại ý. Và đó còn là tiếng chuông nhắc mình tỉnh thức, tỉnh thức và tỉnh thức, không bao giờ quàng xiên trong bất kỳ được mất, hơn thua nào.
Cầu mong ai cũng có những lời nguyện và đi trọn nguyện đẹp của mình, cùng kết thiện duyên trên bước đường học Phật, nương tựa Tam bảo của tự thân.