Nhiều hoạt động ý nghĩa trong Lễ hội Văn hóa Phật giáo Đại lễ Vesak LHQ 2025
Sáng ngày 03/3/2024, tại tu viện Khánh An (quận 12, TP.HCM), Tiểu ban Lễ hội văn hóa Phật giáo Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 đã có buổi họp triển khai các nội dung, thống nhất công tác chuẩn bị.
Tham dự và chủ trì cuộc họp có Thượng tọa Thích Trí Chơn, Ủy viên Thư ký Uỷ ban Tổ chức Quốc tế ICDV, Trưởng Tiểu ban Lễ hội văn hóa Phật giáo Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025, cùng chư Tôn đức, quý cư sĩ thành viên Tiểu ban.

Theo đó, triển lãm gồm có hai phần là triển lãm trên không và triển lãm mặt đất, được diễn ra tại Học viện Phật giáo Việt Nam TP.HCM (huyện Bình Chánh).
Về phần triển lãm trên không, cư sĩ Hoàng Ngọc Nam, trưởng nhóm triển lãm trên không trình bày về 5 hạng mục:
1- Lá Đại kỳ Phật giáo lớn nhất thế giới 500m2 .
2- Khinh khí cầu Vesak 2025 cao 24m
3- Quả cầu tượng trưng Phật giáo thế giới cao 10m
4- Câu đối chào mừng các đoàn Phật giáo quốc tế đến dự Đại lễ
5- Bộ cổng chào Vesak (cao 10m ngang 20m).
Cư sĩ Ngọc Nam phát biểu: “Đây là lần thứ 4 được phụng sự trong Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc diễn ra tại Việt Nam là một vinh dự cho cá nhân và tập thể công ty Chiến Thắng, mong muốn cùng với Ban Văn hóa Trung ương sẽ tạo được những ấn tượng đặc biệt đến các Đại biểu và quần chúng tham dự, thưởng lãm. Vị cư sĩ nhấn mạnh “Một số hạng mục trên sẽ là những kỷ lục thế giới hoặc đạt kỷ lục Việt Nam.”
Được biết, Đại kỳ Phật giáo may bằng vải siêu bền đặc biệt theo truyền thống quốc tế, chiều dài đại kỳ 25,69m biểu tượng chiều dài lịch sử Phật giáo qua 2569 năm (tức 2569 năm theo Phật lịch). Chiều ngang đại kỳ 19,47m. Thả bay lên trời bằng cách gắn lá cờ vào một chùm bóng bay 20-25 quả chứa khí helium (He), an toàn tuyệt đối. Độ cao bay của đại kỳ khoảng 50-70m.
Khinh khí cầu Vesak 2025 dự kiến sẽ có chiều cao 22m. Khinh khí cầu có thể bay lơ lửng trên không hoặc có thể bay tự do đi từ 5-30km. Trên bề mặt của khinh khí cầu sẽ gắn hình Đức Phật thành đạo và Đản sinh cao 10-12m. Đây là hình ảnh rất ấn tượng, nhiều cảm xúc cho Phật tử, người tham dự Đại lễ và công chúng.
Dự kiến, Lễ thượng Đại kỳ và khinh khí cầu sẽ được Ban Tổ chức Đại lễ cử hành vào lúc 9h00 ngày 04/5/2025.
Tiếp đó, cư sĩ Nguyễn Ngọc Quang, trưởng nhóm triển lãm mặt đất trình bày chi tiết về sơ đồ bố trí khu vực diễn ra Lễ hội Văn hóa Phật giáo với khoảng 300 gian hàng trên mặt bằng diện tích 1.8 hecta tại Công viên Văn hóa Láng Le. Có 5 nhóm chính:
1. Khu vực văn hoá Phật giáo: kinh, sách, pháp phục, y phục, pháp khí
2. Ẩm thực chay (Việt Nam và các nước)
3. Thực phẩm chay và đặc sản
4. Thư pháp, thiền, đông y
5. Khu vực thiết kế riêng
Hiện tại có nhiều doanh nghiệp, công ty sự kiện rất quan tâm để được đăng ký tham gia với mong muốn chung tay, góp phần công sức phụng sự cho Đại lễ.

Phát biểu đúc kết Thượng tọa Thích Trí Chơn chia sẻ: “Ban tổ chức sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp đủ điều kiện và loại hình sản phẩm phù hợp các tiêu chí có thể dễ dàng đăng ký tham gia, về kích thước chuẩn 1 gian là 3m x 3m nhưng cũng có thể đăng ký kích thước mong muốn với BTC, còn vị trí gian hàng sẽ là hình thức bốc thăm. Bên cạnh đó tại tầng trên giảng đường Minh Châu (HVPGVN) còn có 1 khu triển lãm: Tháp Phật tích, 87 bảo vật quốc gia (mô phỏng), văn hóa cổ phục, nhạc cụ, pháp khí Phật giáo các nước…cũng là điểm nhấn đặc biệt để các Đại biểu và quý Phật tử thưởng lãm.”
Thượng tọa Trưởng ban nhấn mạnh: “Công tác tổ chức Lễ hội Văn hóa Phật giáo đặc biệt được quan tâm và sự chỉ đạo sát xao của Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, vậy nên sau khi đề trình Hòa thượng phê duyệt sẽ tiến hành triển khai trên tinh thần trách nhiệm và minh bạch.”
Được biết, Lễ hội Văn hóa Phật giáo sẽ bắt đầu mở cửa vào ngày 28/4/2025 và lễ khai mạc vào lúc 9h00 ngày 03/5/2025 diễn ra đến ngày 08/5/2025.
Tuệ Đạt