Những lưu ý khi đi lễ chùa lễ Phật đầu năm

Đi chùa lễ Phật trong những ngày đầu xuân là một truyền thống đẹp trong văn hóa của người Việt, nhưng đi lễ sao cho đúng để được may mắn và không phạm phải những điều kiêng kị là điều mà bạn cần phải biết.

Về trang phục

Lễ chùa phải ăn mặc giản dị, sạch sẽ, đặc biệt không mặc váy ngắn, quần cộc, hở hang… để không phạm vào bất kính với Phật đường khiến công quả tiêu tán hết, quả báo vô cùng. Không để trẻ em chạy loạn tam bảo, nghịch ngợm các đồ tế khí, sờ mó tượng Phật…

Về Lễ vật

Không nên lễ ở chùa bằng lễ mặn, chỉ cần hương hoa, quả hay kẹo bánh là được.

Ngoài ra cần lưu ý:

Không đặt lễ mặn ở khu vực Phật điện tức là chính điện, tức là nơi thờ tự chính của ngôi chùa. Trên hương án của chính điện chỉ được dâng đặt lễ chay, tịnh. Việc sắm sửa lễ mặn chỉ có thể được chấp nhận nếu như trong khu vực chùa có thờ tự các vị Đức Ông, Thánh, Mẫu và chỉ dâng đặt tại ban thờ hay điện thờ mà thôi.

Không nên sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng Phật tại chùa. Nếu có sửa lễ này thì thí chủ đặt ở bàn thờ thần linh, Thánh Mẫu hay ở bàn thờ Đức Ông. Tiền thật cũng không nên đặt lên hương án của chính điện, mà nên bỏ vào hòm công đức.

Hoa tươi lễ Phật là hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa ngâu… không dùng các loại hoa tạp, hoa dại.

Tránh suy nghĩ lệch lạc khi hành lễ với quan niệm: Lễ càng nhiều, phật phù hộ càng nhiều. Quan niệm trên hoàn toàn sai và lệch lạc, làm mất đi nét đẹp trong tôn giáo Việt Nam. Việc đi lễ chùa chủ yếu dựa vào tâm của người đi chùa do vậy bạn cần phải thành tâm khi đó Phật mới phù hộ cho được.

Về nguyên tắc ra, vào chùa

Khi đi qua cổng Tam quan vào chùa nên đi vào cửa Giả quan (bên phải) và đi ra bằng cửa Không quan (bên trái). Cửa Trung quan chỉ dành cho Thiên tử, bậc cao tăng, bậc khoa bảng đi vào chùa và đi ra cũng theo cửa này.

Vào đến chùa thì trước tiên không phải là khấn vái ban chính trong chùa mà là vái hai ông gác bên ngoài cổng (1 ông cầm ngọc, 1 ông cầm đao,ở một số chùa có), điều này có ý nghĩa là xin phép để được vào chùa.

Về cầu nguyện:

Theo quan niệm của nhà Phật, Phật chỉ phù hộ an bình, che chở cho con Phật chứ không thể phù hộ đường công, danh, tài, lộc. Vì vậy, khi chúng ta làm lễ cầu tới cửa Phật nên xin được Phật che chở, bảo vệ. Vào Đình, Đền bạn có thể cầu xin may mắn trong sự nghiệp, tình cảm….

Những điều cấm kỵ khi đi chùa

Không chạy qua chạy lại, nói chuyện, bình phẩm, ngồi hoặc nằm trong Phật đường. Không tùy tiện hắt hơi sổ mũi, khạc nhổ… quanh khu vực Phật điện, Tam bảo.

Không tự ý sử dụng hoặc lấy những đồ đạc bất kì của chùa về nhà làm của riêng. Và cũng không nên mang các đồ ở đình chùa về đặt lên ban thờ nhà mình. Đồ đã cúng rồi không thể cúng lại.

Không được tùy ý làm ồn hoặc nói những lời bất kính đối với Phật, Thánh, cũng không được có thái độ thiếu cung kính như tùy tiện dùng tay chỉ trỏ vào tượng Phật. Nên tắt điện thoại hoặc để rung trước khi vào chùa, đặc biệt là chuẩn bị thắp nhang, thờ cúng.

Vào Phật đường, Tam bảo không nên đi giày dép, nhai trầu, hút thuốc. Không nên chụp ảnh, quay phim tùy tiện trong chùa, khi đứng khấn vái, không nên đứng thẳng trước bàn thờ mà nên đứng chéo sang một bên.

Diệu Linh