Pháp Nhật
Tôi năm nay 45 tuổi, chỉ có một đứa con gái đang học lớp 11. Từ lớp 8 cháu bắt đầu ương bướng và liên tục ngỗ nghịch với cha mẹ cho đến bây giờ. Trước tình cảnh này tôi cũng không biết phải làm sao?
Hỏi:
Tôi năm nay 45 tuổi, chỉ có một đứa con gái đang học lớp 11. Từ lớp 8 cháu bắt đầu ương bướng và liên tục ngỗ nghịch với cha mẹ cho đến bây giờ. Vợ chồng tôi ngày đêm nuôi hy vọng cháu lớn lên sẽ biết phải quấy mà ngoan hiền hơn nhưng càng ngày cháu càng tệ. Năm lớp 10, cháu đã đánh chửi cả cha mẹ khi bị la rầy, bây giờ cháu đi chơi bất kể giờ giấc, ở nhà thì thức khuya chơi game, sáng cha mẹ kêu năm lần bảy lượt mới dậy đi học.
Hiện nay việc học hành của cháu sa sút nghiêm trọng, cha mẹ rất đau lòng nhưng khuyên bảo không được. Trước tình cảnh này tôi cũng không biết phải làm sao? Trước đây tôi thường trì chú Đại bi để sám hối nghiệp chướng cho cả nhà nhưng cháu vẫn vậy. Hiện tôi đang tụng và lạy bộ Lương hoàng sám để sám hối cho mình và hồi hướng cho cháu nhưng tình hình cũng không khả quan lắm.
Đáp:
Theo như bạn trình bày, con gái của bạn hiện nay đã có biểu hiện bất hiếu, đại nghịch. Hiện tại thì vợ chồng bạn gần như bất lực trong việc dạy con, chỉ chăm lo sám hối nghiệp chướng cho cả nhà và hồi hướng phước đức cho con, mong con thay đổi. Trước hoàn cảnh này, sám hối cũng là cách hay, ngoài ra cần bình tâm suy xét để hiểu được gốc rễ của vấn đề mới mong tìm ra cách khắc phục.
Con cái do mình sinh ra nhưng tính cách xấu tốt hay dở thế nào cha mẹ không quyết định được. Người xưa nói “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính” là vì vậy. “Trời” chính là nghiệp riêng, tạo ra tính cách của con. Chuyện gia đình vợ chồng con cái là biểu hiện của duyên nợ, là nghiệp chung của cả nhà. Duyên nợ của gia đình bạn là nợ xấu nên mới có con gái bất hiếu, ngỗ nghịch như vậy.
Con gái bạn đến năm học lớp 8 bắt đầu ương bướng. Thời điểm này thân tâm các cháu thường có nhiều thay đổi, qua tuổi dậy thì sẽ cân bằng và ổn định hơn. Con gái của bạn không chỉ ương bướng, sau vài năm liền nổi loạn, đỉnh điểm là chửi cha đánh mẹ khi bị rầy la. Thực sự con bạn đã mang tội bất hiếu, mong sao không rơi vào đại nghịch.
Thiển nghĩ, một phần do vợ chồng bạn quá nuông chiều, không uốn nắn con ngay từ đầu. Khi chuyện xảy ra thì dạy con chưa đúng, rầy la khi nóng nảy, hành xử trong bực tức nên phản tác dụng. Dù đau buồn và biết rõ việc con bất hiếu do ảnh hưởng của nghiệp nhân xấu ác trong quá khứ nhưng không vì thế mà buông xuôi.
Bạn hãy kiên trì thiết lập truyền thông với con, nhỏ nhẹ, gần gũi, tha thứ, khuyên nhủ, chỉ bày và thương yêu, mong con thay đổi. Nếu bên nội ngoại có ai mà cháu cảm tình thì phải nhờ cậy họ tác động, khuyên bảo thêm.
Song hành với sám hối, vợ chồng bạn cũng cần nói cho con biết là cha mẹ rất đau buồn vì con không ngoan. Tuy nhiên cha mẹ vẫn không giận con mà đang ngày đêm lễ Phật sám hối cho mình và cả cho con nữa. Bạn phải tìm mọi cách thể hiện cho con biết lòng thương của mình, mong con hồi tâm hướng thiện. Có thể con gái của bạn ban đầu không lưu tâm nhưng lâu dần sẽ thấm vào tâm trí. Kết hợp cả hai cách này, vừa sám hối nghiệp chướng cho cả nhà vừa gieo trồng hạt giống tha thứ và thương yêu vào con, rồi nuôi hy vọng.
Hiện con gái của bạn sắp bước vào tuổi trưởng thành. Có thể con nhận ra lỗi lầm và hồi tâm. Cũng có thể, con gái bạn sẽ xem nhà như quán trọ hoặc sớm bay vào phương trời vô định mà không hẹn ngày về. Dù sao thì bạn cũng đã hết lòng với con gái, cầu mong cho con an lành. Con đường bớt khổ, theo đạo Phật chính là phát huy trí tuệ: Thấy rõ sự khổ và nguyên nhân của khổ, chấp nhận và thực hành diệt khổ. Nên vợ chồng bạn hãy chấp nhận sự thật để sống, tu tập chuyển hóa, chăm sóc lẫn nhau, an nhiên với những gì đang có trong hiện tại.