Quán pháp trong pháp
Đây là chủ đề bài giảng của Hòa thượng Thiền sư Myanmar Nhị tạng Sayadaw Thitzana và Thượng tọa Trí Tịnh, trong khóa thiền Minh sát mùa Đông 2024, tại Hoa Kỳ, do Phật tử Thy Lâm (Khánh Huệ Phương) chuyển ngữ từ tiếng Anh. Phatgiao.org.vn giới thiệu cùng quý bạn đọc.

Trong phần trước tôi đã giảng xong ba loại thiền chánh niệm dựa trên các hiện tượng (dhamma-vipassanā). Bây giờ còn lại hai phần trong Dhammānupassanā (quán pháp): sự thực hành dựa trên các yếu tố giác ngộ (bojjhaṅga) và sự thực hành dựa trên Tứ Diệu đế (cattāri ariyasaccāni).
Trong hai phần này, năm ngoái tôi đã giải thích chi tiết về bảy yếu tố giác ngộ – thất giác chi (bojjhaṅgā). Bojjhaṅga biểu hiện sự phát triển các trạng thái tâm thiện cần thiết (kusala dhamma) để tiến bộ trong thiền tập. Một vị hành giả (yogī) cần phải tinh tấn phát triển bảy yếu tố giác ngộ này, bao gồm:
1. Satisambojjaṅga (niệm giác chi)
2. Dhamma-vicayasambojjaṅga (trạch pháp giác chi)
3. Viriyasambojjaṅga (cần giác chi)
4. Pītisambojjaṅga (hỷ giác chi)
5. Passaddhisambojjaṅga (khinh an giác chi)
6. Samādhisambojjaṅga (định giác chi)
7. Upekkhāsambojjaṅga (xả giác chi)
Khi các yếu tố này được tu tập và trưởng dưỡng một cách tuần tự, hành giả sẽ tiến bộ dễ dàng trên con đường tu tập.
Nếu quý vị muốn nghe lại sự giải thích về bảy yếu tố giác ngộ này, tôi sẽ tiếp tục giảng giải chi tiết. Tuy nhiên, nếu quý vị muốn cho qua, tôi sẽ bắt đầu giảng giải về Tam học Giới Định Tuệ – Sikkhā Bhāva – sự thực hành dựa trên Tứ Diệu đế, bao gồm sự hiểu biết về dukkha (khổ), nguyên nhân của khổ (samudaya), sự đoạn diệt khổ (nirodha), và con đường dẫn đến sự đoạn thoát khổ (magga).
1.
Phần này được gọi là Tứ Thánh Đế (cattāri ariyasaccāni) – cốt lõi của đạo Phật. Một hành giả (yogī) cần phải hiểu rõ bốn loại Thánh Đế này. Về điều này, Đức Phật đã dạy:
“Idhā bhikkhave bhikkhu, dhammesu dhammānupassī viharati, yadidaṃ ariyasaccesu.”
— Này các Tỳ-kheo, tại đây, một vị Tỳ-kheo an trú quán pháp (dhammānupassanā) với chánh niệm (sati) đối với Tứ Thánh Đế.
Hành giả quán Tứ Thánh Đế như thế nào?
“Idhā bhikkhave bhikkhu: idaṃ dukkhanti pajānāti.”
— Ở đây, trên đời này, hành giả hiểu rõ: “Đây là khổ (dukkha)” (bao gồm cái khổ của thân, cái khổ của cảm thọ khổ, cái khổ của sự biến hoại của cảm thọ lạc, cái khổ của quy luật pháp hành là sự sanh diệt.)
Vậy, dukkha là gì? Trước hết, tôi sẽ trình bày những khía cạnh cơ bản của Tứ Thánh Đế.
“Ayaṃ dukkhasamudayoti pajānāti.”
— Hành giả hiểu rõ: “Đây là nguyên nhân của khổ (samudaya).”
“Ayaṃ dukkhanirodhoti pajānāti.”
— Đây là sự chấm dứt khổ (nirodha), là Niết-bàn.
“Ayaṃ dukkhanirodhagāminī paṭipadāti pajānāti.”
— Đây là con đường Bát Chánh Đạo (magga) dẫn đến sự chấm dứt khổ (Đạo Đế).
Bằng cách này, hành giả hiểu đầy đủ về Tứ Thánh Đế ở mức độ cơ bản. Đây là phần giải thích ngắn gọn.
2.
Bây giờ, tôi sẽ giải thích ý nghĩa của dukkha (khổ). Như tôi đã giải thích trước đây, du có nghĩa là khó khăn, và kha có nghĩa là chịu đựng hoặc chấp nhận. Một số người hiểu là khó cảm nhận, trong khi những người khác cho là khó chấp nhận. Do đó, bất cứ điều gì khó chấp nhận đối với con người hay các loài hữu tình đều được gọi là dukkha – điều không thể chấp nhận. Nó thường được dịch là khổ, nhưng thật ra, cách dịch này không đủ vì có nhiều loại dukkha khác nhau.
Để giúp quý vị hiểu rõ hơn về ý nghĩa rộng của dukkha, tôi sẽ giải thích thêm.
Loại thứ nhất được gọi là dukkha-dukkha – khổ khổ (khổ do đau đớn trực tiếp). Loại thứ hai được gọi là kāyika-dukkha – thân khổ. Kāyika-dukkha là những gì mà mọi người đều nhận ra là khổ, như nhức đầu, đau đớn, bị đánh trúng, hoặc bị bệnh. Khi những điều này xảy ra, thân bị tổn thương và tâm cũng bị tổn thương. Cả thân và tâm đều trải nghiệm khổ. Loại khổ này rất rõ ràng – thậm chí các loài vật như chó cũng có thể nhận ra, không chỉ con người. Tất cả các loài hữu tình đều hiểu rõ loại khổ này, giống như nhận ra một nơi có lửa. Vì vậy, xin hãy hiểu rằng đây là loại khổ rõ ràng — kāyika-dukkha, thân khổ đối với tất cả chúng sinh.
Loại khổ thứ ba được gọi là saṅkhāra-dukkha – hành khổ (khổ do sự tạo tác). Saṅkhāra-dukkha thực ra không phải là khổ tự thân, nhưng được gọi là khổ vì nó luôn chịu sự sinh diệt (anicca). Ví dụ, saṅkhāra-dukkha bao gồm cả loài hữu tình (satta) và vô tình như cây cối, lá, nhà cửa và mọi thứ chúng ta sử dụng. Những chúng vô tình này không có cảm thọ (vedanā), nhưng chúng cũng được bao gồm trong saṅkhāra-dukkha. Tại sao lại như vậy? Tôi sẽ giải thích thêm về điều này sau.
3.
Saṅkhāra-dukkha (hành khổ – khổ do sự tạo tác) là rất lớn và bao quát. Thân (kāya) và tâm (citta) của chúng ta cũng được bao gồm trong saṅkhāra-dukkha. Ngay cả khi chúng ta khỏe mạnh và đang sống tốt, chúng vẫn thuộc về saṅkhāra-dukkha. Khi có điều gì đó sai lệch xảy ra, như nhức đầu, đau đớn, hay bệnh tật, thì đó thuộc về dukkha-dukkha (khổ khổ – khổ do đau đớn trực tiếp). Trong trường hợp thân thể khỏe mạnh và tốt đẹp, thì đó vẫn là saṅkhāra-dukkha. Tại sao lại như vậy?
Mỗi tế bào vật chất, ngay cả ở đơn vị nhỏ nhất trên cấp độ tế bào trong thân này, đều liên tục sinh khởi (uppāda), hoại diệt (vaya), tạo ra, suy thoái và tái tạo trong từng khoảnh khắc. Quá trình suy thoái và tái tạo này, sinh khởi và hoại diệt, nói đơn giản là liên tục. Chúng ta không nhận ra điều này; chúng ta không thể thấy được, trừ khi chúng ta thực hành vipassanā (thiền minh sát). Khi thực hành vipassanā, chúng ta bắt đầu thấy rằng tất cả các tế bào vật chất bên trong thân, cũng như các trạng thái tâm (citta), đều liên tục sinh khởi và hoại diệt không ngừng.
Quá trình này không thể thấy được bằng nhận thức thông thường. Mọi người thường chỉ nhận ra khi họ khoảng 40 tuổi trở lên. Tóc bạc bắt đầu xuất hiện, thị lực dần yếu đi, thính lực suy giảm, và họ cần đeo kính, v.v. Họ nhận ra rằng: “Tôi đang già đi.” Nhưng thực ra, sự già (jarā) đang diễn ra trong từng khoảnh khắc. Sự chết (maraṇa) cũng đang diễn ra trong từng khoảnh khắc, nhưng chúng ta không thể thấy được. Quá trình này được gọi là khaṇika jarā (già trong từng sát-na) và khaṇika maraṇa (chết trong từng sát-na). Mỗi khoảnh khắc, mỗi giây phút, các tế bào vật chất ở cấp độ tế bào của chúng ta đang liên tục già đi, liên tục chết đi và liên tục tái tạo. Quá trình này rất vi tế và đã được giải thích rõ ràng trong Phật giáo.
Mọi người thường chỉ bắt đầu nhận ra khi họ khoảng 40 hay 50 tuổi, nghĩ rằng: “Tôi đang già đi.” Nhưng thực tế, sự già đang diễn ra từng khoảnh khắc, và sự chết cũng diễn ra từng khoảnh khắc. Quá trình này được gọi là khaṇika jarā — khaṇika nghĩa là trong từng sát-na, và jarā nghĩa là già, sinh khởi từng sát-na. Tương tự, khaṇika maraṇa nghĩa là chết trong từng sát-na — quá trình chết diễn ra trong từng khoảnh khắc.
4.
Bây giờ, tôi sẽ giải thích về saṅkhāra-dukkha (hành khổ – khổ do sự tạo tác) liên quan đến các pháp vô tình (vật vô tri). Các chúng vô tri là những thứ như cái micro tôi đang sử dụng, đồng hồ, y phục, chăn mền, chiếc xe bạn đang dùng, và thậm chí cả bộ y bạn đang mặc. Tất cả những thứ này đều được xem là saṅkhāra-dukkha. Tuy nhiên, có thể bạn không hiểu rõ điều này hoặc không thấy rõ ràng.
Khi tôi nói về khổ, tôi không có ý rằng những vật này có thể cảm nhận đau đớn hay nhận thức về khổ. Ví dụ, y phục không thể thấy hay cảm nhận; chiếc xe không thể thấy hay cảm nhận. Chúng không có thức (viññāṇa). Vậy tại sao chúng được xem là dukkha? Bởi vì chúng là các pháp hữu vi (saṅkhata-dhamma) và đều bị chi phối bởi sự hoại diệt, suy tàn và thay đổi (anicca).
Ví dụ, nếu tôi để bộ y này ở ngoài trời chỉ một đêm thôi, chúng sẽ nhanh chóng bị hư hại. Ngay cả những vật trang sức bạn đeo hay bất kỳ thứ gì bạn sử dụng – nếu không được sử dụng đúng cách – cũng sẽ bị hỏng. Nhưng ngay cả khi bạn sử dụng đúng cách, theo thời gian, chúng vẫn sẽ suy tàn (vipariṇāma).
Điều này không chỉ áp dụng cho những vật nhỏ, mà còn cho toàn bộ thế giới (loka): trái đất, cây cối, núi non – tất cả đều bị chi phối bởi saṅkhāra-dukkha. Tất cả những thứ này đều liên tục chịu sự thay đổi (anicca). Điều này có thể không dễ hiểu ngay từ đầu, nhưng khi bạn trưởng thành trong thực hành và sự hiểu biết, điều này sẽ trở nên rõ ràng hơn.
Theo lời dạy của Đức Phật (Buddha-vacana), ngay cả thế giới chúng ta đang sống cũng bị chi phối bởi sự hoại diệt tối hậu (loka-dhātu). Trong Sutta Piṭaka (Tạng Kinh), Đức Phật đã giảng giải rõ ràng rằng thế giới sẽ đối diện với sự hủy diệt sau hàng tỷ năm bởi một trận lửa lớn toàn diện (saṃvaṭṭa), một sự thiêu đốt mạnh mẽ và bao trùm. Tương tự, thế giới cũng sẽ trải qua quá trình thành – trụ hay còn gọi là tái sinh và mở rộng (vivaṭṭa).
Trong Thiên Chúa giáo, quá trình này được gọi là Sáng thế (Genesis), nhưng trong Phật giáo, đó là một phần của dukkha-dukkha (khổ khổ) và saṅkhāra-dukkha (hành khổ). Thế giới trải qua các chu kỳ của sự mở rộng và thu nhỏ. Điều này rất thú vị, nhưng tôi không cần phải đi sâu vào chi tiết ở đây.
Điều bạn cần hiểu là tất cả chúng sinh (satta) và các pháp vô tình (vô tri) đều được bao gồm trong saṅkhāra-dukkha. Tại sao? Bởi vì tất cả đều chịu sự sinh khởi (uppāda) và hoại diệt (vaya). Đó là lý do tại sao chúng được gọi là saṅkhāra-dukkha.
5.
Loại dukkha (khổ) đầu tiên được gọi là vipariṇāma-dukkha (hoại khổ – khổ do sự biến đổi). Vipariṇāma là một từ Pali có nghĩa là sự biến đổi hay thay đổi. Nó đề cập đến loại khổ phát sinh do sự biến đổi. Vậy vipariṇāma-dukkha có nghĩa là gì?
Mọi loại cảm thọ hạnh phúc (sukha-vedanā), niềm vui sướng, sự an lạc và hạnh phúc đều được xem là vipariṇāma-dukkha. Tại sao lại như vậy? Tại sao chúng ta gọi đó là dukkha khi nó là hạnh phúc? Điều này thật sự rất thú vị.
Khi con người cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc, họ mỉm cười, họ cười thành tiếng, và thậm chí có người còn nhảy múa vì vui sướng. Không ai khóc lóc và nói: “Tôi ổn quá, tôi ổn quá” như là một lời phàn nàn. Thay vào đó, họ mỉm cười và nhảy múa, nhảy lên vì vui sướng. Nhưng ngay cả niềm vui, sự hạnh phúc và khoái lạc đó cũng được gọi là dukkha.
Tại sao? Bởi vì cảm thọ vui sướng, cảm thọ khoái lạc, cảm thọ hạnh phúc đó là vô thường (anicca). Nó chịu sự chi phối của sự biến đổi và thay đổi. Nói cách khác, cảm thọ vui sướng đó chịu sự sinh khởi (uppāda) và hoại diệt (vaya). Đây là bản chất tự nhiên của các pháp (dhamma-niyāma) – định luật của sinh và diệt. Không có gì có thể thoát khỏi định luật này, kể cả những cảm thọ vui sướng.
Ngay cả những cảm thọ vui sướng ở deva-loka (các cõi trời) cũng là vô thường. Đó là lý do tại sao nó được gọi là vipariṇāma-dukkha – hoại khổ, khổ do sự biến đổi.

6.
Có nhiều loại dukkha (khổ) khác nhau được giải thích trong các kinh điển Phật giáo. Do đó, thuật ngữ dukkha là một từ rất quan trọng. Nó có ý nghĩa rất rộng. Việc dịch nó chỉ đơn thuần là “khổ” thì chưa đủ.
Bất kỳ điều gì không thể thoát khỏi định luật phổ quát về sự sinh khởi (uppāda) và hoại diệt (vaya) đều được gọi là dukkha. Hãy ghi nhớ rằng, bất kỳ hiện tượng vật chất (rūpa) hay hiện tượng tâm (nāma) nào không thể thoát khỏi định luật tự nhiên của sinh và diệt đều được gọi là dukkha. Nếu hiểu được điều này, quý vị sẽ hiểu được lời dạy của Đức Phật.
7.
Bây giờ, hãy nói về nguyên nhân của dukkha (samudaya-sacca). Trong trường hợp này, nguyên nhân của dukkha là taṇhā (tham ái hay dục vọng). Taṇhā làm cho mọi thứ phóng đại lên. Nó làm tăng cường sự chú tâm của chúng ta. Do taṇhā – dục vọng không được quản lý tốt, không được điều chỉnh hợp lý — chúng ta luôn muốn cái này, muốn cái kia. Kết quả là chúng ta phải chịu đựng những đau khổ không cần thiết, dựa trên lòng tham (taṇhā) và sự chấp thủ (upādāna).
Tình trạng này rất rõ ràng và dễ nhận thấy trong cuộc sống hàng ngày. Con người luôn chạy theo dục vọng của mình. Bất cứ điều gì lòng tham muốn, họ đều cố gắng theo đuổi, và vì thế họ đau khổ theo thời gian. Trong khi đi tìm hạnh phúc, họ lại rơi vào đau khổ. Điều này rất rõ ràng và dễ hiểu.
Vì vậy, theo lời dạy của Đức Phật, taṇhā – dục vọng, sự chấp thủ, tham ái – chính là nguyên nhân của khổ đau.
8.
Bây giờ, điểm thứ ba: nirodha (diệt). Nirodha có nghĩa là sự diệt và an lạc. Sự diệt này là sự diệt khổ. Làm thế nào để sự diệt khổ này xảy ra? Vào khoảnh khắc mà một hành giả hoặc một người có thể loại bỏ dục vọng (taṇhā) hoặc sự chấp thủ (upādāna), khổ đau sẽ chấm dứt.
Ví dụ như một người nghiện thuốc lá, nếu người đó có thể vượt qua và loại bỏ được nghiện thuốc, sự khao khát hút thuốc của họ, thì họ sẽ đạt được sự an lạc. Họ sẽ không còn phải chịu các hậu quả liên quan đến thuốc lá nữa. Tương tự, một người nghiện rượu: nếu người đó có thể loại bỏ được dục vọng và sự nghiện ngập, họ sẽ trở thành một người hạnh phúc.
Đây chỉ là một ví dụ. Chúng ta có vô số sự chấp thủ, vô số dục vọng đối với mọi thứ – đối với thân thể (kāya), đối với cảm thọ (vedanā), đối với ký ức (saññā), đối với cơn giận (dosa), đối với tình yêu (rāga), đối với tư tưởng (citta), và đối với tâm (manas). Hằng ngày, chúng ta nắm giữ những năm uẩn (pañca-khanda) này. Khi có điều gì đó xảy ra trái ngược với mong muốn hoặc kỳ vọng của chúng ta, chúng ta khổ đau. Chúng ta giận dữ, thất vọng, buồn bã. Có rất nhiều đau khổ vì chúng ta chấp thủ vào năm uẩn này – thân thể của tôi, cảm thọ của tôi, ký ức của tôi, ý nghĩ của tôi, tâm của tôi, v.v., cũng như những thứ ngoài tôi, như ngôi nhà, gia đình và của cải.
Chúng ta không thể thoát khỏi khổ đau. Vào khoảnh khắc chúng ta không còn nắm giữ những thứ đó như “cái tôi” và “của tôi”, chúng ta bắt đầu cảm thấy bình yên. Nỗi buồn, giận dữ và thất vọng của chúng ta sẽ giảm bớt. Điều này có thể được trải nghiệm thực tế trong thiền quán chánh niệm.
Ban đầu, bạn có thể khổ vì bạn nghĩ rằng, “Đây là thân thể của tôi, và bây giờ tôi bị đau khớp.” Nhưng với thiền, bạn không còn xem đó là thân thể của bạn hay ngôi nhà của bạn nữa. Cơn đau tự nó là không có chủ. Cơn đau không thuộc về ai cả. Chúng ta bắt đầu chú tâm vào cảm giác một cách rõ ràng, với thái độ đúng đắn, và cơn đau trở nên có thể chịu đựng được. Không còn khổ đau nữa. Chỉ còn lại khổ và tâm chánh niệm, đó là hai thứ duy nhất còn lại.
Đây là một quá trình tuyệt vời của sự giác ngộ. Khi bạn trải qua điều này, bạn rất gần với giác ngộ.
9.
Người hành giả có thể đạt được dukkha-nirodha (sự diệt khổ) khi người ấy hiểu rõ cơn đau. Tôi nghĩ rằng tôi đã giải thích điều này trong khóa tu trước. Vào khoảnh khắc mà cơn đau diệt và tan biến nhờ vào chánh niệm mạnh mẽ (sati), vị hành giả bắt đầu cảm nhận một cảm giác nhẹ nhàng, thư thái, vì không còn gánh nặng của cơn đau. Nhưng cơn đau sẽ biến mất ngay lập tức, trước mắt người hành giả, khi họ đang làm tan biến cơn đau với chánh niệm mạnh mẽ. Đây là cách mà một người có thể đạt được dukkha-nirodha, sự diệt khổ, chấm dứt sự đau khổ trong chính đời này, trong lúc ngồi thiền. Trạng thái chấm dứt dukkha, chấm dứt đau khổ này gọi là Niết-bàn.
Có nhiều khoảnh khắc tuyệt vời khi mọi người chứng kiến sự biến mất của tâm, của cảm thọ, của cơn đau, của cảm giác, v.v. Điều này chứng tỏ họ đã tiến bộ đáng kể trong hành trình tu tập của mình.
10.
Bây giờ, tôi sẽ giải thích về chân lý thứ tư. Chân lý thứ tư này được gọi là magga (con đường/đạo). Magga có nghĩa là con đường, lối đi. Chân lý về con đường, là con đường cao thượng. Con đường là phương pháp đi tới để đạt được sự chấm dứt khổ. Nó bao gồm tám yếu tố, tám nguyên lý. Những nguyên lý này được gọi là Bát chánh đạo. Chúng có thể áp dụng trong đời sống hàng ngày. Một khi bạn hiểu rõ chúng là gì, bạn sẽ nhận thấy chúng rất đơn giản và dễ hiểu. Vì vậy, tóm lại, bạn phải biết rằng Bát chánh đạo là con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ đau.
11.
Tôi đã giải thích Tứ Diệu Đế một cách tóm tắt, nhưng trong buổi giảng tối nay tôi sẽ giải thích chi tiết hơn, bao gồm cả Mahāsatipatthāna Sutta (Kinh Đại Niệm Xứ). Nguyện tất cả quý vị có thể hiểu Tứ Diệu Đế trong chính thân, tâm của mình, và cả bên ngoài thế giới. Bằng cách hiểu Tứ Diệu Đế, nguyện quý vị có thể đạt được sự chấm dứt khổ đau nhờ ứng dụng Bát Chánh Đạo.
>> Trạng thái tâm khởi lên từ thân và thọ
Thy Lam (Hoa Kỳ)