Sức hấp dẫn của ăn chay
Không chỉ ăn chay vì lý do tôn giáo hay vì mối quan tâm đến quyền của động vật và môi trường, thời gian gần đây nhiều người có xu hướng chọn ăn chay vì thực đơn đa dạng, món ăn thơm ngon.
Ăn chay là một cách cân bằng và lành mạnh sẽ giúp cơ thể chúng ta thay đổi theo hướng tích cực, giúp da khỏe mạnh, giúp giảm cholesterol, giảm nguy cơ bị béo phì, cải thiện sự trao đổi chất, cải thiện sức khỏe tim mạch…
Nếu như lúc trước chị Trần Thị Hương (29 tuổi, Q.3) thường xuyên hẹn bạn bè tới các quán chuyên món lẩu/nướng để thưởng thức các món ăn được chế biến từ thịt, cá… thì dạo gần đây nhóm bạn của chị hay rủ nhau đi ăn chay.
“Lên mạng thấy người ta giới thiệu nhiều món chay, nhìn hấp dẫn nên mình tới ăn, ngon lắm đó (cười)”, chị Hương rạng rỡ chia sẻ. Sau những bữa ăn chay, chị cảm nhận cơ thể dễ tiêu hóa thức ăn.
Ghi nhận trên thị trường, bên cạnh những nơi bán các phần ăn chay với giá bình dân 30.000 đồng, nhiều nhà hàng nằm ở trung tâm thành phố, có không gian rộng rãi, trang trí phong cách nhẹ nhàng, gần gũi với thiên nhiên… bán các món ăn với giá cao hơn.
Chẳng hạn, tại các nhà hàng, món cơm gỏi lá sen, nấm rơm kho tiêu xanh, mướp hương xào nấm mối, gỏi thái cay, phở cuốn, salad cải mầm kèm rong nho và xốt mè, mì Ý xốt cà phô mai, cà ri nấm hầu thủ… có giá từ 100.000 – 150.000 đồng/món.
Các món lẩu nấm mối rau rừng, lẩu Thái chua cay… dành cho 3 – 4 người ăn có giá khoảng 350.000 đồng/phần. Trung bình một người chi ra khoảng 250.000 – 400.000 đồng khi tới nhà hàng chay sang trọng.
Để tiết kiệm chi phí, thêm động lực ăn chay, cũng như biết cách nấu nhiều món mới, nhiều người tìm đến các kênh trên mạng chuyên dạy nấu món chay như: “Ăn chay cùng Nhi”, “Ducan Kitchen”, “Thầy Viễn nấu chay”, “Bà Mẹ Quê”, “Tuệ Vân – Vân du chay”…
“Ban đầu tìm chỗ mua đồ về nấu ăn chay hơi lúng túng, nhưng giờ đơn giản rồi. Mình nhờ người thân ở quê gửi cho, siêu thị gần nhà cũng có bán nhiều lắm, an tâm chất lượng”, chị Bích Liên cho hay.
Hiện nay thịt thực vật – thịt chay (plant-based meat) cũng được nhiều người quan tâm. Khác với các món “chay giả mặn”, thịt thực vật có màu sắc và cấu trúc chất đạm “bắt chước” thịt động vật, nhưng lại được chiết xuất từ cây trái. Các sản phẩm thịt chay cũng rất đa dạng như thịt bò, cá ngừ, cá hồi, gà, tôm… làm từ thực vật.
Dịp lễ Vu lan – tháng Bảy âm lịch năm nay, nhiều người cũng chia sẻ công thức các món chay dễ nấu và ngon như: gỏi sen, gỏi rau muống bào, gỏi măng cụt chay, chả giò bắp đậu gà, salad trái cây xốt bơ đậu phộng, nấm chiên xù, rong biển – sườn chay kèm xốt chua ngọt, tàu hũ non nấu cà ri, canh măng chua chay, bún gạo lứt và chả bắp đậu gà, bún gạo trộn nước tương, cháo đậu xanh nấm rơm, tàu hũ nấm mèo hấp, nấm thập cẩm nướng giấy bạc…
Theo tìm hiểu, những người ăn chay thường không sử dụng đạm từ bất kỳ loại thịt cá nào, chủ yếu tiêu thụ các loại thực vật. Trong đó có 4 nhóm ăn chay cơ bản gồm: chay tuyệt đối, chay có sữa, chay có sữa và trứng, chay linh hoạt (thỉnh thoảng có ăn thêm thịt, cá).
Bên cạnh những người ăn chay trường, ăn chay vì lý do tôn giáo, vì muốn bảo vệ quyền của động vật và môi trường thì cũng có không ít người ăn chay xen kẽ với các bữa ăn mặn, hoặc lâu lâu ăn chay để trải nghiệm điều mới mẻ, thưởng thức món ăn thơm ngon.
Theo TTO