Tại sao tái sinh là khổ?
Tại sao tái sinh trong Tam giới là khổ? Bởi vì ở cõi Dục giới thì ta phải chịu đủ 3 cái khổ (khổ khổ, hoại khổ, hành khổ). Khổ khổ ở đây là bệnh hoạn, tai nạn, sự đày đọa ở các khổ cảnh.
Không tu hành thì từ thân người xuống ống cống làm con gián, con chuột chỉ mất có ba giây, nhưng từ ống cống ngoi lên được làm con người thì không biết bao nhiêu vô số kiếp sống. Ở đó không có cơ hội tu hành, chỉ trông chờ một nghiệp cũ đời xửa đời xưa nào đó trổ quả để quay lên làm người. Nhưng trong một thời dài sa đọa thì cái đầu của mình khờ đi, trở lên mang thân người nhưng không biết suy nghĩ gì, chỉ biết ăn ngủ, nam nữ tìm nhau, trốn khổ tìm vui ham sống sợ chết mà thôi, sống kiểu như vậy thì khi tắt thở quay xuống nữa.
Ở các cõi cao không có khổ nhiều, nhưng hết tuổi thọ ở đó ta phải quay xuống cõi Dục, vì cõi Dục là đơn vị gốc của Tam giới. Bốn cõi khổ là đơn vị gốc của Dục giới, vì tâm bất thiện là đơn vị gốc của chúng sinh. Một lúc nào đó ta có đủ 4 điều kiện (gần người lành, trú xứ thích hợp, được nghe đạo lý, có hành trì) thì sanh về các cõi cao. Sống hết tuổi thọ ở đó phải trở xuống và khó mà gặp được 4 điều kiện vừa nói. Có những chỗ ở, công ăn việc làm, không cho phép mình nghe pháp, xem kinh, giữ giới, ngồi thiền. Đừng cho rằng có tiền, có tuổi trẻ, có nhan sắc, có sức khỏe, may mắn về tình cảm thì muốn tu lúc nào thì tu. Bốn điều kiện trên không phải là dễ dàng gặp. Muốn lên cõi Sắc và Vô sắc thì cần phải cố gắng, còn cõi Dục giới thì chỉ cần sống như mình thích, mở ra là về bốn cõi khổ, trở về đơn vị gốc. Vì sao vậy? Vì 12 tâm phiền não chính là đơn vị gốc của chúng sinh; tu là phải lìa bỏ đơn vị gốc.
Làm sao để biết mình sẽ tái sinh trong cõi luân hồi?

Nếu thật sự dưới vòm trời đầy sao này có những người có lòng cầu đạo giải thoát thì nhớ tâm niệm một điều: Ta không thể đi xa trong Phật pháp được nếu ta không thấy được sự hiện hữu trong Tam Giới là khổ, và không phải thấy đời là khổ thì mình trở thành một người sống bi quan.
Nhiều người cứ nghĩ rằng khi nhắc đến, suy tư về những cái khổ này thì đời mình sẽ u ám. Không phải vậy. Lúc đó mình sẽ ngộ ra một chuyện thú vị: Khi nhận diện bản chất mong manh của đời sống thì cũng là lúc mình sống vui vẻ, thanh thản an lạc.
Cái an lạc này không hề giống với an lạc của một người mù tịt, yêu đời trong mù quáng. Người có tu tập sẽ thấy chính cái biết này cho mình trạng thái tâm trưởng thành, thanh thản.
Lỡ như chuyện xấu (già, bịnh, chết) có xảy đến họ vẫn tiếp tục thanh thản vì họ đã biết trước những điều này từ lâu, đã quan sát trong từng ngày. Lúc đó mới ngộ ra sự quán chiếu vô thường hay như vậy. Người lớn đứt tay không khóc như đứa bé vì từ lâu họ biết “chơi dao có ngày đứt tay”, còn con nít khóc vì không ngờ bị chảy máu, bị đau như vậy…
Sư Giác Nguyên giảng