Tham ái và vô minh – động cơ của luân hồi
“Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi. Rồi có nhiều Tỷ kheo đi đến, ngồi xuống một bên, bạch Thế Tôn. – Có bao nhiêu kiếp, bạch Thế Tôn, đã đi qua, đã vượt qua?
– Rất nhiều, này các Tỷ kheo, là những kiếp đã đi qua, đã vượt qua. Thật không dễ gì để có thể đếm chúng được là một vài kiếp, một vài trăm kiếp, một vài ngàn kiếp, một vài trăm ngàn kiếp.
– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có thể cho một ví dụ được không?
– Nhiều như vậy, này các Tỷ kheo, là những kiếp đã đi qua, đã vượt qua. Thật không dễ gì để có thể đếm chúng được là một vài kiếp, một vài trăm kiếp, một vài ngàn kiếp, một vài trăm ngàn kiếp.
– Vì sao? Vô thỉ là luân hồi này, này các Tỷ kheo, là vừa đủ để các ông nhàm chán, là vừa đủ để các ông từ bỏ, là vừa đủ để các ông giải thoát đối với tất cả các hành”.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ II, chương 4, phẩm 1, phần Các đệ tử, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.317)
Lời bàn:
Trừ các bậc Thánh A la hán, không một ai có thể biết được chúng ta từ đâu đến và sẽ đi về đâu trong cuộc tử sinh bất tận, vô thỉ và vô chung này. Thế giới vô biên, những chúng sinh sống trong các thế giới vô số lượng và sự sinh tử luân hồi của họ cũng vô cùng.
Luân hồi là hình ảnh bánh xe quay tròn, quay mãi không dừng. Sự trôi lăn tử sinh lên xuống của chúng sinh trong sáu nẽo trời, người, a tu la, súc sinh, ngạ quỷ và địa ngục cũng như vậy. Chính nghiệp hoặc thiện hoặc ác do mỗi chúng sinh gây tạo trong quá khứ và hiện tại là động lực thúc đẩy tiến trình tái sinh. Trong đó, tham ái là tác nhân quan trọng, chính yếu nhất của chu trình luân hồi sinh tử.
Dù vậy, bánh xe quay nếu hết trớn cũng dừng, ngọn đèn cháy hết dầu phải tắt, vòng luân hồi vô tận kia nếu diệt hết tham ái cũng phải vỡ tan. Giới, định và tuệ chính là những chất liệu làm xói mòn tham ái, tan chảy cơ chế tái sinh. Vì thế, để chấm dứt luân hồi, mỗi người con Phật phải tự nỗ lực đoạn trừ tham ái, bằng cách thành tựu Tam vô lậu học.