Thử làm trụ trì một ngôi chùa

Có bao giờ bạn tự hỏi làm trụ trì một ngôi chùa là như thế nào? Có phải chỉ là một vị sư ngồi trong chánh điện tụng kinh, giảng pháp, hay là người được Phật tử kính ngưỡng, cúng dường? Nếu bạn thử một lần làm trụ trì, bạn sẽ thấy sự thật không đơn giản như vậy.

Làm trụ trì có dễ không? Không hề! Một ngày của vị trụ trì bắt đầu từ lúc trời còn mờ sương, khi đại chúng vẫn đang yên giấc, người đã phải thức dậy chuẩn bị cho ngày mới. Không chỉ là tụng kinh, hành trì mà còn phải lo lắng cho từng bữa ăn của Tăng chúng, cho những Phật tử tìm về chùa nương tựa, cho cả những mảnh đời nghèo khó đến mong một bữa cơm ấm lòng. Đêm đến, trụ trì có ngủ yên không? Đôi khi không phải vì sức khỏe, mà vì những trăn trở về sự sinh tử của con người, về sự phát triển của chùa, về những khó khăn đang chờ đón ngày mai.

Thử làm trụ trì một ngôi chùa 1
Làm trụ trì là làm tất cả: từ quét sân chùa, sửa mái hiên dột, chăm sóc từng gốc cây đến sắp xếp bàn ghế, tiếp khách, giải quyết những mâu thuẫn nội bộ. Ảnh minh họa.

Có phải trụ trì chỉ lo việc tâm linh? Không hẳn vậy! Làm trụ trì là làm tất cả: từ quét sân chùa, sửa mái hiên dột, chăm sóc từng gốc cây đến sắp xếp bàn ghế, tiếp khách, giải quyết những mâu thuẫn nội bộ. Một viên gạch cũ rơi xuống cũng làm trụ trì bận lòng, một Phật tử buồn phiền cũng khiến trụ trì trăn trở. Có những khi Phật tử đến chùa chỉ để trút hết nỗi niềm, nhưng lại mong trụ trì lắng nghe với sự thấu hiểu và từ bi. Có những quyết định tưởng chừng đơn giản, nhưng nếu không đủ trí tuệ và sự khéo léo, có thể làm lay động cả một tập thể Tăng chúng.

Những thử thách của một trụ trì là gì? Đó là những ngày tháng lo nghĩ làm sao để duy trì ngôi chùa, để có kinh phí sửa chữa khi mái ngói xuống cấp, khi tượng Phật cần tu bổ, khi trai đường cần mở rộng. Nhưng có thể nói ra những nỗi lo ấy không? Không thể, vì trụ trì là người gánh vác, không phải là người than thở. Khi có mâu thuẫn giữa các Phật tử, giữa Tăng chúng, ai là người phải giải hòa? Khi có những lời khen chê, ai là người phải giữ tâm bất động? Làm trụ trì, đôi khi cũng giống như làm dâu trăm họ, ai hiểu được lòng mình?

Có cô đơn không khi làm trụ trì? Đôi khi, ngay giữa không gian tĩnh lặng của ngôi chùa, lòng trụ trì vẫn chất chứa những nỗi niềm riêng. Nhìn thấy đệ tử lớn lên, trưởng thành, có người ở lại phụng sự, có người rẽ lối sang một con đường khác, có người quay về đời sống thế tục, lòng trụ trì không khỏi chạnh lòng. Nhưng rồi vẫn phải học cách buông, vẫn phải tiếp tục giữ vững đạo pháp, dìu dắt những thế hệ sau đi đúng con đường mà mình đã chọn.

Làm trụ trì được gì và mất gì? Được niềm an vui khi thấy một người đến chùa tìm được sự bình an, được hạnh phúc khi chứng kiến đệ tử trưởng thành, được niềm tin khi thấy Phật pháp tiếp tục lan tỏa. Nhưng cũng mất đi sự riêng tư, mất đi những phút giây vô ưu vô lo, mất đi quyền được sống cho riêng mình. Người trụ trì không còn thuộc về bản thân mà thuộc về tất cả những ai tìm đến cửa chùa.

Thử một lần làm trụ trì, có dám không? Nếu ai đó nghĩ rằng làm trụ trì là được an nhàn, là có địa vị trong Tăng đoàn, hãy thử một ngày gánh trên vai tất cả những lo toan của một ngôi chùa. Để rồi mới hiểu, làm trụ trì không phải là một vinh dự để hưởng thụ, mà là một trách nhiệm lớn lao, một con đường đầy thử thách nhưng cũng đầy ý nghĩa. Đó là sự hy sinh thầm lặng, là tình thương bao la, là sự dẫn dắt không ngừng nghỉ. Và chỉ những ai thực sự đủ tâm, đủ hạnh mới có thể đi trọn con đường ấy.

_____

(*) Tác giả Nhất Long là Đại đức Thích Nguyên Hiếu, đương nhiệm Phó ban TT-TT Phật giáo tỉnh Quảng Trị, trụ trì chùa Quy Thiện. Hiện thầy Nguyên Hiếu cũng là người quản trị website thông tin phatgiaoquangtri.vn.

Nhất Long