Bài kệ ‘Tảo địa’ và một cõi lòng cần tảo…
Ai cũng thích cái đẹp cái sạch của ngoại cảnh trần duyên, ai cũng chán ngán chốn bụi nhơ bẩn thỉu tanh nồng.

Sáng 23 Tết. Mang 2 cặp bưởi đã được viết chữ cùng 2 giỏ quà bánh lên tu viện để cúng Phật và chưng trên Chánh điện. Dạo một vòng rồi tranh thủ lao dọn mấy khung cửa sổ phủ bụi thời gian suốt một năm qua, dù rằng, gió biển của vịnh Sơn Vương (Monterey Bay) vẫn thổi đều song cửa.
‘Cần tảo già-lam địa
Thời thời phước huệ sanh
Nhược/tuy vô tân khách chí
Tấc hữu Thánh-nhân hành.’
Tạm dịch:
Siêng năng quét sạch đất chùa
Để cho trí huệ bốn mùa phát sanh
Tuy ngày không có khách lành
Thánh nhơn thường đến kinh hành nơi đây.
Bài kệ ‘Tảo địa’ tôi đã thuộc nằm lòng từ thuở 7-8 tuổi khi đọc bộ ‘Truyện cổ Phật giáo’ của Ôn Ngài Minh Chiếu biên soạn. ‘Tảo địa’ được phóng tác từ nhiều tích cũ, nhưng song le, tích Tôn-giả Culla-panthaka (Châu-lợi-bàn-đặc) được nhắc đến nhiều nhất về công hạnh quét dọn lau chùi này. Ai cũng thích cái đẹp cái sạch của ngoại cảnh trần duyên, ai cũng chán ngán chốn bụi nhơ bẩn thỉu tanh nồng. Nhưng đã ‘thường trú’ nơi uế độ thì làm sao tránh khỏi xú uế nhiễm ô của trần luỵ phàm tình. Sát-na tâm ích kỷ ghét hờn còn đó, lòng phẫn nộ uế nhiễm vẫn đủ đầy. Ta có thể ‘diễn’ với khách tục một chút thanh cao, nhưng làm sao gạt được chính mình soi chiếu.
Và, ‘cần tảo’ không phải chỉ vì đón khách thập phương thăm viếng, mà chỉ là dọn sạch những hệ luỵ huân tập tự thuở nào đây…
… dẫu không có người đến
Ắt cũng Thánh-nhân qua.’
Công năng ‘chuyển hoá’ thù diệu để ‘chuyển rác thành hoa’ của Phật-giáo hay vĩ mô hơn chính là ‘thiết lập Tịnh độ’ trên bổn nguyện-bổn hạnh của một Hữu Tình Giác hoặc Giác Hữu Tình (Bodhi-sattva).
Chỉ nguyện rằng, mỗi một lần ‘cần tảo’ chốn Không môn cũng chính là một lần lắng lòng yên tĩnh, lau chùi tự tâm nhiễm trước…
Bảo Trương (từ Hoa Kỳ)