Tiếp nối Thầy là một cách báo ân

Người Việt mình có câu “Không thầy đố mày làm nên” để nhắc về tầm quan trọng của người thầy trong việc dạy dỗ/ giáo dưỡng/ chỉ đường để ta đi đến đích tốt đẹp, thành công, đạt được một vị trí nào đó trong cuộc đời.

 

Từ cô giáo dạy mình ê-a đánh vần, nắn nót với từng nét chữ đầu tiên đến người truyền trao nhiều kiến thức, kinh nghiệm, triết lý cao siêu trong đời đều là người Thầy mà ta cần tri ân, báo ân.

Thuở khai sinh, thậm chí tượng hình trong bụng mẹ, ta đã được bố mẹ dạy mình qua hình thức thai giáo, hát ru, truyền trao hơi ấm, lối sống hằng ngày. Bước vào “trường đời” rộng lớn, có ai đó bảo, bất cứ ai ta có duyên gặp trong đời cũng là Thầy mình. Thực ra, nếu nhìn theo nghĩa học từ cuộc sống thì bất kỳ ai, điều gì, biểu hiện nào cũng là Thầy mình cả.

Người xấu dạy mình tránh điều ác. Người tốt dạy mình năng làm lành. Người thầy ở trường dạy những kiến thức khoa học, thực chứng. Thầy trong đạo khuyến hóa mình giảm sân-sân-si, dồi trau giới-định-tuệ. Chiếc lá dạy mình vô thường, sanh diệt. Bông hoa dạy mình hiến tặng vô tư. Ta cứ thế lắng mình lại, kham nhẫn, nhẹ nhàng quan sát, tinh tế lắng nghe sẽ học được nhiều, dung thêm kiến thức, kinh nghiệm…

Ơn giáo dưỡng một đời nên huệ mạng

Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền

Thầy là người vun cho mình trí tuệ, từ sở học thế gian đến trí xuất thế gian đều cần Thầy khai thị, mở lối đi, chỉ hướng nhìn ta mới có thể nhanh chóng qua bờ bên kia, dễ dàng hơn trong hành trình giác ngộ.

Tri ân Thầy Cô, công việc ấy vì thế không chỉ được biểu hiện bởi duy nhứt một ngày trong năm, mà phải được thực thi mỗi ngày. Tiếp nối Thầy mình làm những điều tốt đẹp, tích cực, thiện lành… chính là cách báo đền ân sâu đã được học, hành khi còn được Thầy Cô trực tiếp giáo dưỡng.

Tiếp nối Thầy - Ảnh: Làng Mai

Tiếp nối Thầy – Ảnh: Làng Mai

Thầy Nhất Hạnh dạy, tiếp nối Thầy, tiếp nối Bụt chính là báo ơn Thầy, báo ơn Bụt.

Chúc tụng nhau trong ngày lễ tri ân, ngày nhà giáo… là nét đẹp nhưng vận dụng kiến thức Thầy Cô trao, sống theo tinh thần “sống đẹp” của Thầy mỗi ngày, vào cuộc sống của mình có lẽ mới là món quà quý giá nhứt mà những người Thầy mong nhận được từ học trò của mình. Là người học trò nhỏ của Bụt, ta thấm nhuận điều này qua pháp dâng hương, cúng dường cao quý nhứt không phải là hương trầm hay hương chiên đàn mà là hương giới, hương định, hương tuệ, hương giải thoát.

Kính chúc quý Thầy Cô luôn an vui, với thật nhiều học trò vững chãi “theo gót chân thầy” trên mọi bước đường.

 

Lưu Đình Long