Tỉnh giác để tránh hại mình
Hoà bình, hạnh phúc và no ấm là những mong ước sâu xa trong mỗi trái tim con người. Nhưng trong một vài hoàn cảnh, chúng ta không ý thức trọn vẹn được sự thật cộng sinh (cái này có vì cái kia có và ngược lại) và sự thật nhân quả (mình sẽ nhận lại kết quả mình làm) của thế giới sống.
Chúng ta ít biết hoà bình, hạnh phúc và no ấm của mình có liên hệ đến hoà bình, hạnh phúc và no ấm của người khác. Từ đó, chúng ta chỉ muốn mình có hoà bình, hạnh phúc và no ấm, bất chấp người khác bị bất hạnh và tổn thương. Chúng ta muốn ít làm mà nhiều hưởng. Chúng ta muốn ít xây dựng mà có dư hoà bình. Chúng ta muốn ít đầu tư mà nhiều no ấm. Nhiều khi chúng ta còn muốn đánh cắp thành quả hoà bình, hạnh phúc và no ấm của người khác bằng chiến tranh, vu khống, cướp bóc, ám hại, đe doạ và dối lừa. Chúng ta vô tình tự hại mình, tự làm mình mất hạnh phúc và thêm khổ đau.
Hai mươi sáu thế kỷ trước, tại Savatthi, khi vua A-xà-thế (Ajatasattu) đem quân tiến đánh và chiếm được thành Kasi của vua Ba-tư-nặc (Pasenadi) nước Kosala, Đức Phật nói với các học trò:
“Thắng trận sanh thù oán; Bại trận nếm trải khổ đau; Ai từ bỏ thắng, bại; Tịch tịnh, hưởng an lạc.”[1]
Rồi không bao lâu, sau khi chuẩn bị, Vua Ba-tư-nặc (Pasenadi) đưa quân đánh lại vua A-xà-thế (Ajatasattu), kết quả là A-xà-thế bại trận, bị bắt sống. Nhưng vua Ba-tư-nặc (Pasenadi) suy nghĩ: “Tuy A-xà-thế làm hại ta, dù ta không làm hại ai, nhưng dù sao A-xà-thế vẫn là cháu trai ta. Ta sẽ tịch thu hết binh khí, nhưng sẽ tha mạng cho A-xà-thế.”
Đức Phật, sau khi biết sự việc, Ngài tiếp tục nói với các học trò:
“Vì nghĩ đến tư lợi nên cướp và hại người. Khi người khác cướp lại, chính mình bị hại mà còn làm hại người khác. Ai sát người, sẽ bị người sát. Ai thắng người, sẽ bị người thắng. Ai mắng người, sẽ bị mắng lại. Ai não hại người, sẽ bị não hại lại. Nghiệp sẽ được tiếp diễn. Bị hại, rồi lại hại người”.[2]
Đức Phật, tại núi Linh Thứu (Gijjhakuta), cũng có lần chia sẻ: “Vì lợi dưỡng, danh vọng, mình tự hại mình. Vì lợi dưỡng, danh vọng, mình làm bất hạnh cho người.”[3] Ngài còn nói thêm: “Đưa đến hại mình, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai là do thân làm ác, miệng nói ác và ý nghĩ ác”.[4]
Trong cuộc sống, thiện ác lẫn lộn, sai đúng khó nhìn. Nhiều lúc, giữa sinh tồn, tự vệ và tìm kiếm công lý, chúng ta có thể buộc phải đấu tranh, buộc phải sử dụng hành động mạnh và ngôn từ gay gắt. Nhưng tuyệt đối đừng để thù hận, tham lam, kiêu mạn và tự ái dẫn dắt. Chúng ta hành động đơn giản là thấy cần hành động. Chúng ta không có kẻ thù. Chúng ta biết trong chiến tranh, dù cấp độ nào, cả hai đều khổ. Cái khổ đó còn có di chứng kéo dài trong ta, quanh ta ở tương lai. Chưa nói đến hậu quả của hận thù tiếp nối hận thù. Ta, người thân ta, cộng đồng ta và quê hương ta cũng sẽ cộng nghiệp cùng ta trong tan thương, mất mát, tuyệt vọng và khổ đau do chiến tranh và thù hận.
Chúng ta có thể buộc phải tranh đấu, buộc phải sử dụng hành động mạnh và ngôn từ gay gắt, nhưng chúng ta phải thật sáng suốt. Những gì chúng ta làm là để tìm ra giải pháp, tìm ra cơ hội, tìm ra cho nhau một hướng đi. Chúng ta đừng để bất cứ một hận thù, tham lam, kiêu mạn hay tự ái nào thúc đẩy chúng ta hành động. Chúng ta sẽ hại mình, hại người và hại cả hai khi hận thù, tham lam, kiêu mạn và tự ái dẫn dắt tâm tư và hành động của chúng ta.
Nhuận Đạt (tu sĩ)
———————-
[1] Tương Ưng Bộ I, Hai Lời Nói Về Chiến Tranh.
[2] Tương Ưng Bộ I, Hai Lời Nói Về Chiến Tranh.
[3] Tăng Chi Bộ I, Devadatta.
[4] Tăng Chi Bộ I, Ba Pháp.