Tĩnh lặng thực sự rất kỳ diệu

Ngồi thở, tĩnh lặng và thênh thang như thế, anh chị em sẽ rất ngạc nhiên: Một nguồn hỷ lạc từ tĩnh lặng sẽ bao trùm lấy anh chị em.

Thở và tĩnh lặng. Ảnh: FB Thanh Tin
Thở và tĩnh lặng. Ảnh: FB Thanh Tin

Một lúc nào đó, anh chị em thử ngồi thật yên. Ngồi thở và thư giãn. Không mục đích và không kế hoạch gì hết. Chỉ thở có ý thức và nghe sự tĩnh lặng của tâm trí và sự sống. Thở thật tự do và cảm nhận cũng thật tự do cái rung động tĩnh lặng trong từng tế bào sống. Thở, cảm nhận tĩnh lặng và để cho tâm trí cũng như thân xác được nghỉ ngơi và tĩnh lặng như chính nó. Tôi và của tôi không có gì quan trọng nữa. Người và của người cũng không có gì bận tâm nữa. Chỉ thở, tĩnh lặng và thênh thang.

Ngồi thở, tĩnh lặng và thênh thang như thế, anh chị em sẽ rất ngạc nhiên: Một nguồn hỷ lạc từ tĩnh lặng sẽ bao trùm lấy anh chị em. Tuỳ vào mức độ tĩnh lặng, anh chị em sẽ chạm tới được những gì mà các bậc thầy tinh thần gọi là “nội tĩnh nhất tâm” hay “an bình nội tại”. Cơ thể anh chị em lúc này sẽ kích hoạt cơ chế tự chữa lành và tâm trí anh chị em lúc này cũng được “an bình nội tại” làm mới và sung mãn. Anh chị em có thể thấy những bất ổn thể chất và tâm thần dần dần tự chữa lành chính nó. Tinh thần anh chị em lúc này không còn giới hạn trong ý thức bản ngã nữa. Anh chị em rất mới và hạnh phúc. Mới và hạnh phúc trong sự tĩnh lặng và vượt thoát con người cá nhân nơi thân xác và tâm thức chính mình.

Tĩnh lặng thực sự rất kỳ diệu. Nó là nguồn năng lượng tái tạo vĩ đại cho con người và thế giới sống. Nó là cội nguồn của hạnh phúc và minh triết. Từ nghìn xưa nhân loại đã biết: “Tĩnh là chủ của động”[1]. “Tĩnh lặng là vĩ đại”.[2] “Cái tĩnh lặng là yếu tố mà nhờ nó những việc lớn lao được tạo thành”[3]. Thậm chí một nhà văn Đức còn nhấn mạnh: “Một người dại khờ nhất cũng trở thành khôn ngoan khi họ biết giữ sự tĩnh lặng”[4].

Thở, tĩnh lặng. Thở tự do và cảm nhận rung động tĩnh lặng của cơ thể và tâm trí. Ngồi thở, cảm nhận và tĩnh lặng. Anh chị em sẽ thấy, từng bước một, sức khoẻ, an yên và hơn thế nữa vốn đã có nơi tâm tĩnh lặng, thân tĩnh lặng và vũ trụ tĩnh lặng, ngay bây giờ và tại đây, trong chính anh chị em.

———————

[1] 老子, 道德经, 【靜 為 躁 君】.

[2] Alfred de Vigny (Nhà thơ Pháp, 1797 – 1863), “Seul le silence est grand”.

[3] Maurice Materlinck (Triết gia Bỉ, 1862 – 1949), “Le silence est l’élément dans lequel se forment les grandes choses”.

[4] Erust Salomon (Nhà văn Đức, 1902 – 1972), “L’ínsensé même passe pour sage lorsqu’il se tait”.

Nhuận Đạt (tu sĩ)