TP.HCM: Hòa thượng Bửu Chánh thuyết giảng Vi Diệu Pháp tại Trường hạ Ngọc Phương

Sáng ngày 28/5/2022 (nhằm 28/4/Nhâm Dần), chư Ni Trường hạ Ngọc Phương thành kính cung đón sự quang lâm của Hòa thượng Thích Bửu Chánh, Ủy viên HĐTS GHPGVN, Phó ban Hoằng pháp TƯ, Phó Viện trưởng kiêm Trưởng khoa Pali HVPGVN tại TP.HCM, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai, Viện chủ Thiền viện Phước Sơn (Đồng Nai). Mùa hạ năm nay, Hòa thượng tiếp tục thuyết giảng Vi Diệu Pháp đến hội chúng hành giả an cư Trường hạ Ngọc Phương.

Như thường lệ, trước khi đi vào bài giảng, Hòa thượng cùng đại chúng ngồi thiền 10 phút, trước là giúp tĩnh tâm sau là để cho buổi học thêm nhiều hiệu quả. 10 phút với hơi thở có chánh niệm, tỉnh thức trong thời khắc hiện tại chính là nguồn sống vi diệu, liều thuốc tinh thần làm thân khỏe tâm an.

Trong buổi giảng đầu tiên của mùa hạ năm nay, Hòa thượng định nghĩa xuất xứ và khái quát sơ lược về Vi Diệu Pháp. Vi Diệu Pháp được dịch từ Tiếng Phạn là Abhidhamma có nghĩa là những giáo lý cao siêu, vi diệu. Tiếp đầu ngữ Abhi dùng để diễn đạt sự tinh tế, thù thắng, sâu xa. Danh từ Dhamma dịch là Pháp, có nhiều nghĩa, ở đây nó có nghĩa là lời dạy của đức Phật, giáo điều hay giáo lý. Vi Diệu Pháp là những giáo lý tinh hoa của đức Phật có tính chất đặc thù hơn Kinh tạng và Luật tạng. Vi Diệu Pháp thuộc Luận tạng nằm trong Tam tạng Thánh điển: Kinh – Luật – Luận. Luận tạng hay tạng Vi Diệu Pháp được kết tập vào Đại hội kết tập kinh điển lần thứ III sau khi đức Phật nhập Niết Bàn 218 năm tức là vào năm 326 TCN, được trùng tuyên bằng miệng và mãi cho đến kỳ kết tập kinh điển lần thứ IV, Tam tạng Thánh điển mới được ghi lại trên lá buông.

i Diệu Pháp là hệ thống sơ đồ các pháp chơn đế và tục đế, gồm trên 300 thuật ngữ Hán Việt là các khái niệm Phật học. Hòa thượng giải thích rằng chúng ta cần học Vi diệu pháp bởi vì mục đích của môn học này là giải quyết tâm phiền não của chính mình:
“Tâm sân buộc tội chúng sanh
Trí tuệ buộc tội các pháp hữu vi”.

Vi Diệu Pháp là môn học khó, khô khan nhưng với lối giảng sinh động xen những bài thơ hay, nhiều câu chuyện đời thực ý nghĩa mạng tính giáo dục ứng dụng cao, Hòa thượng luôn khiến đại chúng cười hoan hỷ và có lẽ sẽ nhớ mãi lời dạy của ngài để làm tư lương trong đời sống tu tập.

Trước khi kết thúc bài giảng, Hòa thượng không quên dặn dò đại chúng học thuộc bài và vẽ sơ đồ Vi Diệu Pháp, cũng là cách giúp người học dễ nhớ, dễ phân tích và hiểu hơn về môn học này.

                                                                                                                                     Ban truyền thông NGKS