Trân quý và nâng niu cuộc đời ta

Các vị còn trẻ tuổi thường có một ảo tưởng, là đời sống của mình kéo dài tới vô biên, tức là mình còn rất nhiều năm tháng để sống. Chính Bụt ngày xưa cũng đã nói như vậy.

 

Bụt nói rằng, khi còn thiếu niên, ta có sự tự hào về sức khỏe và về tuổi trẻ của ta. Ta không thấy được cuộc đời là vô thường và ta cũng bị sanh lão bệnh tử rình rập như bất cứ một người nào khác. Quý vị đang còn trẻ nên nhớ lời nói đó của Bụt. Tuổi trẻ đi qua rất mau và có khi tuổi trẻ của chúng ta bị tàn phá, tiêu hoại tuổi trẻ bằng những thao thức, bằng các dự án, bằng những hoạt động không thực sự đem lại hạnh phúc và an lạc cho chúng ta. Những người lớn tuổi nhìn lại thời thiếu niên của mình thì thấy rằng: trong thời gian còn trẻ mình có dạ dục, mình không biết dừng lại để sống một cách sâu sắc những giờ phút của mình. Những năm tháng của tuổi trẻ đã đi qua như là một giấc mộng và năm tháng đó đã đi qua một cách oan uổng. Chúng ta đã làm gì với năm tháng của chúng ta, chúng ta đã làm gì với đời của chúng ta?

Bây giờ chúng ta đã lớn tuổi, khi nhận ra được điều đó mình có một khuynh hướng muốn trân quý những tháng ngày còn lại của mình. Không biết mình còn sống được bao nhiêu năm nữa, có thể là 5 năm, có thể là 7 năm, có thể là 10 năm và cũng có thể là 2 năm. Tại vì cuộc đời vô thường và vì vậy sự tu học bắt đầu từ một hành động tỉnh thức. Tỉnh thức và biết rằng mình đã xài phí những năm tháng của đời mình một cách oan uổng, mình đã không sống một cách sâu sắc những năm tháng đó, những giờ phút đó. Mình phát tâm làm lại cuộc đời và sống cho thật đàng hoàng những năm tháng còn lại.

Tôi còn nhớ Tino Rossi – một ca sĩ nổi tiếng của Pháp. Năm 60 tuổi, ông làm một bài hát và đặt tên là “La vie commence à 60 ans” – đời sống bắt đầu từ năm 60 tuổi. Khi nghe tên của bài hát, mình biết rằng ông đã giác ngộ và ông biết rằng, mình đã tiêu phí tuổi trẻ một cách oan uổng. Ông nhất định bắt đầu sống đàng hoàng từ năm 60 tuổi. Bây giờ ông ta đã thích và đã quyết tâm sống ngày tháng của ông ta một cách rất đàng hoàng. Một điều hơi tiếc là ông ta thức tỉnh như vậy nhưng ông ta không được trao truyền một phương pháp quán niệm hơi thở, phương pháp thiền hành, thiền tọa. Cho nên ông ta đã không thể sống một cách sâu sắc những giờ phút còn lại của ông ta, như chúng ta may mắn là những người trong truyền thống đạo Bụt.

Tôi viết lên bảng hai chữ “trân quý” và “nâng niu”. Tôi muốn quý vị trân quý những ngày tháng còn lại của quý vị. Chúng ta đừng tiêu phí ngày tháng của chúng ta một cách oan uổng như trong quá khứ. Chúng ta phải nâng niu từng giờ từng phút của đời sống. Cuộc đời chúng ta đừng vì tương lai, đừng vì quá khứ, đừng vì lý tưởng mà tàn phá cuộc sống của chúng ta. Tại vì nếu cuộc sống của chúng ta đích thực là một cuộc sống có an lạc, có hạnh phúc thì cuộc sống đó là nền tảng của lý tưởng.

Bụt sống 45 năm sau khi thành đạo và 45 năm đó của Bụt là 45 năm có hạnh phúc. Mỗi bước chân, mỗi cái nhìn, mỗi hơi thở đều mang theo chất liệu của hạnh phúc. Cho nên biết bao nhiêu người được thừa hưởng sự hạnh phúc và tuệ giác của Bụt. Nếu Bụt chỉ có một lý thuyết, dầu là lý thuyết cao siêu mà không có hạnh phúc đó, không có 45 năm hạnh phúc và an lạc đó thì giáo lý của Bụt sẽ không có tầm quan trọng như đã có và đang có.

Hạnh phúc là điều căn bản của lý tưởng. Nếu quý vị có lý tưởng giúp người thì lý tưởng đó chỉ có thể thực hiện được với hạnh phúc của quý vị, phải sống ngày hôm nay cho hạnh phúc.

Hạnh phúc là điều căn bản của lý tưởng. Nếu quý vị có lý tưởng giúp người thì lý tưởng đó chỉ có thể thực hiện được với hạnh phúc của quý vị, phải sống ngày hôm nay cho hạnh phúc.

Hạnh phúc là điều căn bản của lý tưởng. Nếu quý vị có lý tưởng giúp người thì lý tưởng đó chỉ có thể thực hiện được với hạnh phúc của quý vị, phải sống ngày hôm nay cho hạnh phúc. Nếu bước những bước chân mà không có hạnh phúc, nếu nâng một chén trà lên uống không có hạnh phúc, nếu đi thiền hành không có hạnh phúc, nếu ôm người bạn của mình trong hai tay mà không có hạnh phúc thì mình biết rằng mình không có tự do, mình đang bị ràng buộc bởi những nỗi đau buồn tiếc thương của quá khứ hoặc là những sự phóng tưởng về tương lai hoặc là những hối hận, những giận hờn. Tất cả những điều đó, mình phải nhận diện chúng để trân quý và nâng niu cuộc đời của chúng ta và không để chúng trôi qua một cách oan uổng.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh