Từ chuyện Nhà vua “hóa hổ” ngẫm về thần thông và nghiệp lực

Trong Phật giáo, từ thời Đức Phật còn tại thế, Người đã thường xuyên cảnh tỉnh đệ tử không được lạm dụng thần thông, bởi vì chỉ sơ xảy, sẽ gây Nghiệp chướng, đồng thời sẽ gây hệ lụy tai hại cho người đời. Vì sao?

Lịch sử Việt Nam ghi lại một sự kiện hết sức kỳ quái về việc vua Lý Thần Tông bỗng dưng “hóa hổ”, toàn thân mọc lông như lông hổ, gầm thét, vồ cắn người, đến mức triều đình phải làm một cái cũi bằng vàng để nhốt vua.

Nguyên nhân của sự việc này đến từ một chuyện trong tiền kiếp của nhà vua, chính là thiền sư Từ Đạo Hạnh.

Từ Đạo Hạnh (1072–1116), là một thiền sư nổi tiếng của thời nhà Lý, ông sinh tại làng Láng, nên tục còn gọi là Đức Thánh Láng.

Trong một lần cùng hai người bạn đồng tu – Nguyễn Minh Không và Giác Hải – đi học phép tại Tây Thiên, Từ Đạo Hạnh đã lĩnh hội được nhiều pháp thuật cao cường. Thậm chí, ông có thể “rút đất,” thu ngắn khoảng cách đường đi, hay biến hình thành loài vật.

Trong một lần cao hứng, biết hai người bạn mình đang trên đường núi về chùa, ông ra nấp ở một góc, đợi hai người tới nơi, liền dùng phép hóa thành một con hổ để dọa Nguyễn Minh Không và Giác Hải. Không ngờ, không những hai người bạn không sợ, mà còn bình thản quan sát Nhân quả rồi nói:

– Muốn làm hổ thì kiếp sau sẽ thành hổ.

Lời nói khiến Từ Đạo Hạnh bừng tỉnh, ông vốn biết rõ về quy luật nhân quả, hiểu được người tu hành dù có thần thông cao cường cũng không thể thoát khỏi Nghiệp lực, xong nhất thời sơ sót gây ra cái nhân này. Ông hối hận mà thốt lên:

– Ngay cả Đức Thế Tôn viên mãn quả phúc vẫn chịu quả báo kim sương, huống chi ta ở thời mạt pháp này có thể nào tự giữ mình được? Ta nay sắp tạ thế, nghiệp qua kiếp sau quyết là khó tránh nổi. Ta với người có duyên, xin cứu giúp nhau.

Năm 1116, ông trút bỏ thân xác, đầu thai thành Lý Dương Hoán, con trai của Sùng Hiền Hầu. Năm lên ba, được chọn làm người nối ngôi, trở thành vua Lý Thần Tông (1127–1138)

Đến một năm, đột nhiên nhà vua mắc một căn bệnh kỳ quái: toàn thân mọc lông cọp, gầm thét như hổ, phải nhốt trong cũi vàng. Trong lúc triều đình bối rối, tất cả ngự y thất thủ, không hiểu đây là bệnh gì mà chữa, thì nghe được trẻ con khắp kinh thành truyền nhau bài đồng dao:

“Bắc Nam có Tây Đông,

Đáy bể ẩn có rồng,

Vua mắc bệnh khó chữa,

Hãy đón Nguyễn Minh Không.”

Triều đình liền cho sứ giả mời thiền sư Nguyễn Minh Không vào cung chữa bệnh cho vua. Biết trong triều có nhiều người không tin ông có tài chữa được bệnh, ra vẻ khinh thường, thiền sư Nguyễn Minh Không lấy một chiếc đinh lớn đóng vào cột, thách các danh y nhổ ra khỏi cột. Khi không ai làm được, Nguyễn Minh Không chỉ dùng hai ngón tay đã rút đinh ra, khiến mọi người kính phục.

Khi ấy, thiền sư Nguyễn Minh Không mới bắt đầu chữa, ông sai lấy một vạc lớn đựng nước nấu sôi tới cả trăm lần, dùng tay quậy lên khoảng bốn lần, rồi thò tay vào trong vạc dầu đang sôi sùng sục lấy ra đủ 100 cái kim, rồi châm cứu cho vua. Bệnh liền bớt ngay. Sau khi khỏi bệnh, cảm phục tài năng, Vua Lý Thần Tông phong ông là Quốc sư, miễn thuế dịch cho vài trăm hộ.

Thần thông có chi phối được nghiệp lực không?

Thiền sư Nguyễn Minh Không chữa bệnh “hóa hổ” cho vua Lý Thần Tông.

Lạm bàn:

Trong Phật giáo, từ thời Đức Phật còn tại thế, Người đã thường xuyên cảnh tỉnh đệ tử không được lạm dụng thần thông, bởi vì chỉ sơ xảy, sẽ gây Nghiệp chướng, đồng thời sẽ gây hệ lụy tai hại cho người đời. Vì sao?

Bởi vì người đời thường không đủ trí tuệ, hễ cứ thấy ai có thần thông là mê mệt tin theo, không còn biết Đạo lý gì nữa. Người tu hành, dù chưa chứng Thánh quả, thậm chí tu sai, đôi khi vẫn cứ xuất hiện thần thông. Người đời tin nghe theo những kẻ tu hành “nửa vời” như thế

Giống như thời Đức Phật, ông Đề Bà Đạt Đa dù tâm địa xấu, làm ra đủ chuyện hại Phật. Nhưng vì đắc Thiền, vẫn xuất hiện thần thông.

Ông ta đã dùng phép hiện hình vào cung, biến hóa đủ thứ kỳ lạ, khiến thái tử A Xà Thế hoa mắt, trầm trồ thán phục, hết mực tin tưởng, từ đó nghe theo lời Đề Bà Đạt Đa xúi giục, gây ra những nghiệp chướng khủng khiếp: giết cha soán ngôi, sau đó phải chịu quả báo thê thảm.

Xét trên thời gian dài, lạm dụng thần thông không có trí tuệ, sẽ gây ra hiểu lầm, khiến người ta tu hành không phải vì cầu Giải Thoát, Giác Ngộ, mà chỉ vì mong có thần thông. Trong khi thực ra, lực của thần thông rất hạn chế, khi đứng trước Nghiệp lực, chỉ như trứng chọi đá, không thể chống đỡ dù chỉ một khắc.

Ta có thể thấy được rõ điều này qua sự việc ngài Mục Kiện Liên – đại đệ tử thần thông đệ nhất của Đức Phật, vào cuối đời khi bị ngoại đạo vây đánh. Dù ngài thừa thần thông để bay lên trời, hoặc biến mất, hoặc đánh thắng được cả đạo quân. Nhưng vì biết đã đến lúc trả Nghiệp kiếp xưa, thần thông vô ích khi quả báo đến, nên Ngài đã thu phép, để yên cho những kẻ ngoại đạo đánh đến chết.

Vậy nên người theo Phật tu học, cần nắm chắc bài học quan trọng này.

“Nhân quả mạnh mẽ vô vàn

Thần thông gặp Nghiệp, cũng tàn ra tro”

Từ đó tập trung sức lực và thời gian của mình, thay vì hoa mắt trước những người có thần thông, rồi răm rắp tin theo, thì hãy học sâu kinh điển, hiểu rõ các Quy luật của vạn vật, nhất là luật Nhân quả.

Rồi theo đó, vận dụng nghiệp lực, nỗ lực gieo nhân lành, tránh xa việc bất thiện. Chỉ có con đường đó mới đảm bảo hạnh phúc vững bền.

Quang Tử