Tự nhiên mới là hoàn hảo nhất

Ai cũng muốn mọi sự đều hoàn hảo, nhưng cái gì là hoàn hảo và cái gì là không hoàn hảo?
Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Thứ nhất, khi nghĩ đến sự hoàn hảo thì đó chỉ là đang tưởng tượng, đang tạo nên ý tưởng về hoàn hảo. Với một người muốn nấu canh mít, thì mít non là lựa chọn phù hợp, một người khác muốn ăn mít chín thì mít lúc chín mới là hoàn hảo. Như vậy sự hoàn hảo chỉ là lý tưởng của mỗi người, chứ không có trong thực tế đời sống. Dù mình có hoàn toàn đạt được mong muốn đúng như ý mình thì mình cũng không cảm thấy hoàn hảo chút nào. Hầu hết những người trúng số độc đắc đều vẫn cảm thấy chưa được như ý, họ đau khổ, lo lắng nhiều hơn.

Thứ hai, khi tưởng tượng ra một sự hoàn hảo lý tưởng, rồi cố gắng luyện tập để đạt được nó tức đang muốn tạo ra sự hoàn hảo. Tuy nhiên bất kỳ điều gì do mình tạo ra đều không hoàn hảo, vì chính mình sẽ tìm ra chỗ sơ hở, chỗ còn thiếu sót của nó. Như một kiến trúc sư vẽ ra bản vẽ ông ta rất hài lòng, nhưng khi ngôi nhà được xây xong, ông ta sẽ lại cảm thấy nếu mình điều chỉnh chút nữa thì sẽ hoàn hảo hơn.

Nếu có một định nghĩa nào đó về sự hoàn hảo thì chính định nghĩa ấy cũng không hoàn hảo, bởi vì đó chỉ là quan điểm, quan niệm của một hay một nhóm cá nhân nào đó.Nếu hoàn hảo phải là một-cái-gì-đó-nhất-định thì không có cái gì trên đời có thể hoàn hảo vì cái gì cũng đang diễn biến. Đêm không thể hoàn hảo vì đêm đang trong tiến trình chuyển sang ngày, ban ngày cũng không thể hoàn hảo, vì hết ngày lại đến đêm. Mọi sự mọi vật đều đang trong những tiến trình tự nhiên của chính nó, không có cái gì dừng lại được cả, và chính điều này mới là sự hoàn hảo thật sự. Đó là sự hoàn hảo tự nhiên ngay trong chính nó, vượt ra ngoài mọi ý niệm của con người. Chúng ta cứ tưởng cuộc đời vô thường-khổ-vô ngã là không hoàn hảo, nên cần nhanh chóng tu học để được giải thoát sang một nơi nào đó khác hoàn hảo hơn, không biết rằng chính sự vô thường-khổ-vô ngã đã hoàn hảo ngay trong chính nó.

Chúng ta cần thấy ra hai điều:

Chỉ có sự hoàn hảo tự nhiên sẵn có nơi mọi sự mọi vật, nhận ra điều này thì không còn đau khổ và phiền não.

Không thể có sự hoàn hảo nào đó theo ý mình, chính ý muốn được hoàn hảo đã là đau khổ, đã là bất toàn.

Cho nên ngay lúc này nếu tâm trở về trọn vẹn trong sáng một cách tự nhiên với thực tại như nó là thì hoàn toàn không có khổ đau. Nhưng nếu khởi lên ý niệm mong phải là sẽ là, tức chưa thấy được sự hoàn hảo tự nhiên như nó đang là thì sẽ rơi vào vô minh ái dục, sinh ra cầu toàn, mong đợi sự hoàn hảo nào đó trong tưởng tượng. Phiền não khổ đau liền xuất hiện…

Nguồn: trích khóa thiền số 14, chừa Bửu Long 2014

Thầy Viên Minh