Vì sao gọi là cãi lộn, đánh lộn?
Trong tiếng Việt khi hai người đang cãi nhau ta gọi là cãi lộn, và khi hai người đang đánh nhau ta gọi là đánh lộn. Rồi sau đó cả hai sẽ được gì?
Khi hai người không cùng quan điểm và bắt đầu tranh cãi xem bên nào thắng. Bên A cố gắng dùng mọi lý lẽ để thắng bên B. Bên B cũng vậy dùng mọi lý lẽ để cố thắng bên A.
Hai bên cứ tiếp tục tranh cãi với nhau. Càng tranh cãi thì cảm xúc cả hai bên cũng càng dâng cao. Khi cảm xúc cả hai bên dâng cao thì cãi nhau cũng nâng lên một chiều kích cao hơn để bên này mau chóng hạ gục bên kia.
Lúc bấy giờ sự tranh cãi không còn đơn thuần là ai đúng ai sai, mà lúc bây giờ sẽ công kích nhau về mặt nhân cách và đạo đức. Cả hai bên lục tìm quá khứ của nhau hoặc vu khống bịa đặt những câu chuyện không có thực để lăng mạ và hạ uy tín của nhau.
Những điều cần ghi nhớ để chấm dứt tranh cãi
Rồi sau đó cả hai sẽ được gì? Có lẽ sẽ được một chút hả hê vì nghĩ rằng mình là người thắng cuộc, hả hê vì cái tôi bản ngã của cả hai đều có một chút thỏa mãn, có một chút vuốt ve.
Nhưng khi ta nhìn sâu thì cả hai đều đang thua. Không bên nào thắng bên nào cả.
Đối tượng bên A hướng đến để tranh cãi là bên B. Đối tượng bên B hướng đến để tranh cãi là bên A. Nhưng thật ra đối tượng chính, chính là hạt giống tham lam, sân hận, u mê trong lòng mỗi người nên được chuyển hoá. Bên A và bên B đã chọn lộn đối tượng để tranh đấu.
Nhìn dưới gốc nhìn thiền quán này ta chợt nhận ra giây phút mà ta cãi nhau với ai, giây phút mà ta tranh hơn thua với ai. Giây phút đó ta đã lộn đối tượng rồi. Giây phút đó ta phải tập nhận diện ngay đối tượng mà ta nên chú ý, nên tranh hơn thua đó không phải ngoài ta mà chính đang ở trong ta, chính là những cảm xúc của chúng ta.
Còn hướng đến đối tượng bên ngoài thì cãi như thế gọi là cãi lộn. Mà đã là cãi lộn thì cả hai cùng thua, thua ngay từ lúc bắt đầu.
Tổ tiên người việt của ta đã hiểu điều này rất rõ, nên trong giao tiếp khi thấy hai người đang cãi nhau ta thường nói là cãi lộn. Tuệ giác này đã ẩn chứa trong ngôn từ ta dùng hàng ngày và đợi chờ chúng ta khám phá lại để rồi ta được nhắc nhớ và ứng dụng tuệ giác này trong cuộc sống.
Khi thấy hai người đánh nhau cũng vậy, ta hay nói là đánh lộn. Bởi vì thứ đáng bị đánh nhất không phải là người kia mà là chính cảm xúc trong ta, chính là những hạt giống tiêu cực đang chi phối ta nói năng hay hành động làm tổn thương ta và tổn thương người.
Có một câu chuyện khá hay để mình họa điều này.
Một người đàn ông nọ đi ngang qua lề đường và thấy có một con chó đang nằm. Ông ta đã lượm cục đá bên lề đường và ném vào con chó.
Con chó đang nằm bỗng nhiên bị cục đá ném chúng mình nên giựt mình đuổi theo cục đá vừa sủa vừa cắn, vì nghĩ rằng cục đá là nguyên nhân.
Cục đá không phải nguyên nhân, mà người ném cục đá mới là nguyên nhân chính.
Nhận ra ý nghĩa của hai từ cãi lộn và đánh lộn thì ta sẽ không bị nhầm nữa. Và mỗi khi ta có khuynh hướng muốn cãi với ai hay đánh ai ta liền nhớ ngay đến việc ta đã lộn rồi. Mà đã lộn rồi thì ta không nên tiếp tục cãi hay đánh nữa, ta phải dừng lại và nhìn sâu vào tâm mình để thấy rõ đâu là nguyên nhân gốc để chuyển hoá.
Pháp Nhật