Vô hiệu hóa hậu báo nghiệp bất thiện như thế nào?

Người có đức tin về nghiệp và quả của nghiệp, mặc dù người này không dám làm ác nhưng đôi khi cũng phạm vào sát sanh, trộm cắp…do nương vào các phiền não sai biệt như tham, sân, si… Khi đã phạm rồi thì biết thức tỉnh sợ hãi trong việc sẽ phải gặt quả về hành động bất thiện của mình làm cho phát sanh buồn rầu, chán nản…

Trong hoàn cảnh ấy thì càng làm cho bất thiện tăng trưởng thêm lên, có khả năng cho quả chắc chắn cả kiếp này lẫn kiếp sau suốt cho đến kiếp tiếp theo nữa. Thế là hành động bất thiện của loại người này không có cơ hội trở hành vô hiệu nghiệp được.

Khi đã nhận thức thực hư rồi, muốn hoán chuyển tâm lộ bất thiện nghiệp mà mình đã tạo cho trở thành vô hiệu nghiệp nên hạ quyết tâm rằng: “Ta sẽ không tạo ác hạnh hoặc tà mạng tiếp tục như vậy nữa”. Rồi không hồi tưởng trở lại việc ấy nữa, mà tinh cần tạo trữ thiện thường nghiệp cho sanh lên hoài như học hỏi Phật Pháp và năng đọc kinh sách, tụng kinh, đảnh lễ Chư Tăng, đặt bát tạo phước, rải tâm từ thường xuyên, thọ trì ngũ giới, bát quan trai giới, xuất gia thành tu sĩ, sa môn, Chư Tăng hoặc luôn tu tiến Chỉ Tịnh nghiệp xứ, Minh Sát nghiệp xứ.

Nếu thực hành như thế cho đến suốt đời thì bất thiện hiện báo nghiệp, sanh báo nghiệp ngoài trọng nghiệp ra thường không có cơ hội cho quả mà trở thành vô hiệu nghiệp. Còn đối với bất thiện hậu báo nghiệp cho dù sẽ không trở thành vô hiệu nghiệp được nhưng cũng làm giảm nhẹ xuống. Việc cho quả của bất thiện nghiệp loại này bởi mãnh lực của chính thiện thường nghiệp.

Chuyển nghiệp thiện, nghiệp lành, tránh thực hiện nghiệp ác

Vô hiệu hóa hậu báo nghiệp bất thiện như thế nào?  1
Ảnh minh họa. 

Bất thiện hậu báo nghiệp sẽ trở thành vô hiệu nghiệp cũng phải liên quan đến chủ nhân của hành động đó và phải hội đủ viên mãn năm điều kiết tường (Guṇasampatti) trong mọi kiếp sống kể từ kiếp thứ nhất trở đi. Nghĩa là người đó phải là:

1. Người đã từng tạo thiện pháp trong kiếp trước (Pubbe ca katapuññatā).

2. Được ở trong nơi hội đủ Giới, Pháp (Patirūpadesavāsa).

3. Được gặp gỡ, thân cận các bậc chân nhân (Sapparisūpanissaya).

4. Được thính Pháp (Saddhammasavana).

5. Giữ mình theo lẽ chánh (Attasammāpaṇidhi).

Nếu tiến hành như đã đề cập trên, thì có thể làm cho bất thiện hậu báo nghiệp trở thành vô hiệu nghiệp.

1. Sự kiện làm cho mình trở thành người có hội đủ viên mãn 5 điều kiết tường trong mọi kiếp sống. Như nhận thức được việc làm trong kiếp này rồi cố tâm thực hành để trở thành người có giới hạnh như tạo trữ phước thí, trì giới, tu tiến thường xuyên rồi chú nguyện rằng: “Xin cho việc phước thiện này hãy nâng đỡ, trợ duyên cho tôi trong mọi kiếp sống”.

2. Khi hoan hỷ thỏa thích trong trú xứ hội đủ Giới, Pháp rồi chú nguyện rằng: “Xin cho tôi được sanh vào trú xứ hội đủ Giới Pháp trong bất cứ kiếp nào”.

3. Trong việc giao du không hòa nhập lẫn lộn với người ác, nỗ lực tìm cầu thân cận với người có kiến thức và giới hạnh rồi chú nguyện rằng: “Xin cho tôi được gặp gỡ, thân cận bậc chân nhân trong mọi kiếp sống”.

4. Phải chú tâm nghe và học Chánh Pháp, rồi chú nguyện rằng: “Do năng lực của sự nghe và học Pháp của tôi, xin hãy là mãnh lực trợ duyên cho tôi được cơ hội nghe và học Chánh Pháp trong mọi kiếp sống”.

5. Giữ gìn thân, ngữ, ý của mình luôn tiến hành theo thiện hạnh, rồi chú nguyện rằng: “Do năng lực của việc hành trì giữ gìn thân, ngữ, ý theo thiện hạnh, xin hãy cho tôi có tâm vững mạnh trong giới luật và hành trì theo con đường thiện hạnh trong mọi kiếp sống”.

Việc thực hành làm cho trở thành người hội đủ viên mãn năm điều kiết tường như đã đề cập. Nếu người nào tiến hành đầy đủ nương vào tín, tấn, niệm, định, tuệ già mạnh thì có thể làm cho người đó hội đủ viên mãn năm điều kiết tường trong những kiếp sống tiếp theo nữa cho đến khi Níp Bàn. Được như vậy, thì bất thiện hậu báo nghiệp sẽ không có cơ hội cho quả mà trở thành vô hiệu nghiệp.

Những phương pháp đã đề cập trên không phải chắc chắn tiến hành được và người thực hành cho viên mãn theo như trình bày trên cũng rất khó. Ngoại trừ người có pháp độ già mạnh mới có thể làm cho thành tựu mà thôi.

Trích từ Thắng Pháp Tập Yếu Luận Hậu Sớ Giải – GTS Saddhamma Jotika.


Việt dịch: TK Khải Minh