Vu lan – Lễ hội tình thương

Tháng bảy, bạn thường làm gì? Có lẽ, nhiều người tự bày ra nỗi sợ tháng bảy vì mặc định đây là tháng cô hồn, tháng xui rủi.

Thực tế, tháng nào cũng có những chuyện bất như ý xảy đến, không người này gặp thì cũng người khác phải trải. Đó là quy luật bình thường của cuộc sống có sinh có tử, có vui có buồn, có được có mất này.

Và đó cũng chính là quy luật nhân quả, rằng con người nếu đã từng gieo nhân xấu thì sẽ gặp quả tương ứng, nhân tốt sẽ cho ra những niềm an vui cho tự thân và cuộc đời, không sớm thì muộn sẽ đến.

Kiên trì với niềm tin nhân quả, con người sẽ biết làm lành, lánh ác, sẽ kiên trì hiến tặng những điều tốt đẹp cho cuộc đời mà không gửi kèm bất kỳ một mong ước nào khác.

Một trong những điều thiện của con người mà tất cả các nền văn mình kim cổ đều thừa nhận đó là lòng hiếu, là tri ân, báo ân.

Nước mắt mùa Vu lan. Ảnh: Chùa Giác Ngộ
Nước mắt mùa Vu lan. Ảnh: Chùa Giác Ngộ

Tháng bảy, không chỉ phật tử mà những người có cùng ý niệm tri ân, báo hiếu dường như đều thổn thức nghĩ về cha, mẹ, tổ tiên, ông bà.

Nghĩ về với lòng biết ơn, sự hối lỗi và đâu đó cũng có cả sự hối tiếc vì nhiều người vẫn chưa kịp làm cho đấng sinh thành, dưỡng dục của mình những điều tốt đẹp hằng mong muốn.

Biết ơn là một tâm thiện giúp con người sống tích cực hơn để báo ân đã được nhận. Đó có thể là làm những việc đơn giản nhất như chăm sóc người thân, cha mẹ khi họ về già hoặc ốm đau, bệnh tật; là giúp đỡ, sẻ chia với người yếu thế vì họ đang rất khổ và mình cũng từng được tiếp sức để vượt qua; là “đáp đền tiếp nối” bằng cách trở thành một phần con người ấy với nhân cách tốt đẹp mà họ đã dành cho mình…

Biết ơn trong mùa Vu lan tháng bảy với truyền thống của đạo Phật và dân tộc Việt Nam không chỉ gói gọn trong hiếu – ân với cha mẹ, ông bà, tổ tiên huyết thống mà còn mở rộng ra bằng sự biết ơn Tổ quốc, non sông, những người đã giữ yên bờ cõi, kiến tạo hòa bình.

Rộng hơn còn là biết ơn đất trời, vạn loại, bằng những nhân duyên riêng đã dưỡng nuôi sự sống, giúp mình được tồn tại, phát triển, trở thành một con người sinh học khỏe mạnh trước khi tiếp thu thêm kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm để đứng vững trong cuộc đời với con người xã hội được phân công theo năng lực, nguyện ước cá nhân.

Biết ơn sâu tự dưng sẽ sống tích cực, tử tế. Do vậy, tháng bảy, thay vì lo sợ – là tháng cô hồn – hãy nghĩ về tình thương với những lễ hội tri ân, báo ân, được thể hiện bằng nhiều cách, gần gũi và thân thương nhất chính là quay về với gia đình, cảm ơn và xin lỗi cha mẹ, người sanh dưỡng.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói rằng, “chừng nào còn biết ơn, chừng đó ta còn hạnh phúc”. Biết ơn là chìa khóa của hạnh phúc, bởi vì từ đó, con người biết vươn lên thay vì để mình chìm ngập trong những não phiền, nghiệp chướng.

Hay nói cách khác, từ lòng biết ơn, con người biết lánh ác, làm lành, đó chính là đang tạo nhân cho quả hạnh phúc của chính mình và cuộc đời này.

Lưu Đình Long- Nguồn Báo Tuổi Trẻ