Vượt thoát ý niệm “muốn” để luôn đủ đầy từ bên trong
Nếu trong mọi ý nghĩ, hành động từ khi 1 ý niệm “muốn” khởi lên, ta đều nhận biết miên mật như vậy, ta sẽ thực sự biết đủ từ tận gốc. Nhờ đủ đầy từ sâu bên trong, những ham muốn của ta cũng sẽ bớt đi – một cách tự nhiên không gượng ép.
Trong Kinh chỉ dạy, cận tử nghiệp sắp đến mà khát ái về ăn uống, thì người này tức khắc sa đọa ba đường ác. Không chỉ về ăn uống, khát ái bất cứ cái gì thì cảnh đó hiện ra để mình tái sinh vào. Cho nên Phật dạy, thiểu dục tri túc thì sinh tử đoạn tuyệt.
Mà thực ra, chưa cần tới giờ phút cận tử nghiệp, ngay khi ta bị cuốn theo bất kỳ 1 ý niệm “muốn” nào mà thiếu sự nhận biết là ta đã bị sa chân vào ba độc: tham (có rồi muốn có thêm), sân (nếu không đạt được sẽ buồn giận) và si (vui thích và mê đắm trong đó) rồi.
Nói như vậy không có nghĩa là ta phải ngay lập tức kìm nén, loại bỏ toàn bộ ham muốn của mình. Ta vẫn có thể tiếp tục ăn món mình thích, thương người mình thương, mua đồ mình cần, tới nơi mình muốn đến, làm việc mình đam mê, nhưng điều quan trọng hơn là ta cần liên tục nhận biết khi ta thực hiện những mong muốn đó.
Sống tri túc và giữ tâm thanh tịnh

Cho tới khi nào ta nhận biết từng đoạn đường đi lối về của tâm – từ khi ý niệm mong muốn phát khởi cho tới khi nó dồn dập trong tâm, thôi thúc ta hành động cuốn theo buộc ta hành động khi đạt được, thấy ra rằng nó cũng chỉ làm thỏa mãn ta nhất thời rồi tan biến, tạo cho ta cảm giác hụt hẫng tiếp tục lao theo 1 mong muốn khác, và cứ luân hồi như vậy. Hoặc giả như không đạt được, thì cơn phiền giận quấy nhiễu trong tâm ta lâu thế nào, làm thân ta đau khổ ra sao, v.v., là ta biết ta đã đi được một quãng đường trên hành trình tu tập.
Nhiều lần quan sát và rõ ràng nẻo đi của tâm như vậy, ta sẽ hiểu thật sâu về tâm mình và nếu đủ duyên, ta còn thấy được cả trước khi niệm đó khởi là gì. Ngay nơi nhận biết đó, ta thoát khỏi sinh tử – là sinh tử của từng ý niệm, dần dần tiến tới thoát khỏi sinh tử cuộc đời, khi giờ phút cận tử nghiệp kéo đến.
Quan sát kỹ tâm mình, ta sẽ nhận ra, những ái dục thô như: ăn, ngủ, nghỉ, luyến ái, v.v. dẫn ta đến ba độc như thế nào, thì những ái dục vi tế như khao khát tu tập, tĩnh lặng, giải thoát, giúp người, v.v. cũng dẫn dắt ta không kém gì, đôi khi còn lôi ta đi xa hơn, khiến ta tưởng nhiều hơn và làm ta day dứt hơn, nếu ta không tròn đầy nhận biết.
Vẫn còn thấy những năng lượng khó chịu, lên-xuống đó, là dấu hiệu để ta yên lặng với chính mình, tiếp tục mở rộng không gian trong tâm, để ánh sáng nhận biết đào thêm vào những hạt giống vi tế còn ẩn sâu dưới tâm mình – đôi khi là hạt giống không chỉ của đời này, mà từ nhiều đời tích tụ lại. Nên nhớ – là lặng yên với chính mình để soi ra mình, chứ không phải bám vào một ai khác hay nơi nào khác bên ngoài.
Nếu trong mọi ý nghĩ, hành động từ khi 1 ý niệm “muốn” khởi lên, ta đều nhận biết miên mật như vậy, ta sẽ thực sự biết đủ từ tận gốc. Nhờ đủ đầy từ sâu bên trong, những ham muốn của ta cũng sẽ bớt đi – một cách tự nhiên không gượng ép. Lúc đó, trong ta sẽ có thật nhiều khoảng trống để chứa đựng được nhiều yêu thương và tự do. Nhờ vậy, những mong muốn tủn mủn đời thường dần bớt lại, thay vào đó bằng… Bằng gì thì mỗi người chúng ta tự khám phá nhé.
Thiểu dục tri túc đơn giản như vậy. Dần dần, ta sẽ thấy ra, tu tập không phải là buông bỏ hết những mong muốn ở cuộc đời, mà là nhờ luôn tỉnh thức, nên ta luôn thấy đủ đầy và không còn bị những ham muốn cám dỗ và chi phối.
“Thấy chân tướng ái dục
Tâm ái dục không sinh
Tâm ái dục không sinh
Ai cám dỗ được mình.”
(Trích Kinh “Tuổi trẻ và Hạnh phúc”).
Sư cô Tịnh Viên