Cách đối diện với tham ái
Nếu đời sống thế tục thuận lợi cho việc hành thiền, Đức Phật đâu có khuyến khích chúng ta đi tu làm gì. Thân và tâm chúng ta là những băng đảng cướp của giết người luôn luôn lôi kéo chúng ta đến hầm lửa tham lam, sân hận, si mê.
Đời sống thế tục có rất nhiều khó khăn trở ngại, ngũ dục luôn luôn lôi cuốn. Chúng mời gọi chúng ta đến căn nhà ái dục với một giọng nói ngọt ngào thân thiện, “Đến đây! Hãy đến đây!” Và khi bạn đến gần, cửa mở, súng nổ.
Bạn có thể đối trị tham ái bằng cách hành phép đầu đà – chỉ dùng các vật dụng cũ kỹ, không hấp dẫn, hoặc hành thiền quán sát tử thi. Xem mọi người, kể cả chính bạn, chỉ là những xác chết, những bộ xương. Hành thiền cách này thực ra không phải dễ, bởi vì khi chợt thấy hình ảnh một cô gái đẹp, bạn sẽ không còn thấy xác chết nữa.

Hãy làm như người đã chết, mặc dầu lòng tham ái của bạn không bao giờ chết; đúng vậy, nhưng xem chúng như đã chết.
Niệm thân là cách tập luyện để đối kháng lại những quan niệm sai trái của mình. Chúng ta thường xem thân này tốt đẹp. Trong khi đó Đạo giải thoát bảo ta nhìn cơ thể này chỉ là những tập hợp của vô thường và bất toại nguyện. Khi chúng ta còn trẻ trung, khoẻ mạnh, chưa nhuốm bệnh ngặt nghèo, chúng ta dễ có những hành động và ý nghĩ sai lầm – cái chết đối với chúng ta thật xa vời, chẳng phải sợ hãi gì cả. Những người không hành thiền thì mãi đến lúc mang bệnh nặng hay tuổi già đến, họ mới thay đổi quan niệm. Tại sao phải đợi đến lúc ấy? Hãy làm như người đã chết, mặc dầu lòng tham ái của bạn không bao giờ chết; đúng vậy, nhưng xem chúng như đã chết.
Đôi khi cần phải đi đến một thái cực, chẳng hạn sống gần với thú dữ, thấy nguy hiểm đe doạ tánh mạng mình, bạn không còn thì giờ để nghĩ đến tình dục nữa. Bạn cũng có thể bớt ăn hay nhịn ăn để giảm sự kích thích.
Có nhiều người cho rằng chúng ta điên khi thấy chúng ta ngồi trong rừng bất động như những tượng đá. Nhưng họ đã sống ra sao? Họ cười, họ khóc, họ dính mắc vào sự vui buồn. Có khi họ giết nhau hay tự sát vì tham lam sân hận. Vậy thì ai điên đây?
Hãy luôn luôn nhớ kỹ trong tâm: Tại sao ta xuất gia? Người nào đến hành thiền như chúng ta mà không hưởng được hương vị giải thoát thì đã phí thì giờ vô ích. Những cư sĩ, với gia đình, nghề nghiệp, trách nhiệm, mà còn nếm được hương vị giải thoát, huống hồ một người xuất gia. Một tu sĩ nếu chịu hành thiền chắc chắn sẽ thành công.
Thiền sư Ajahn Chah