Thập như thị (Phần 6)

Hai việc hành trì và thực chứng có hay không, nhiều hay ít, làm đến nơi đến chốn tận cùng rốt ráo hay bỏ dở thoái lui, tất cả đều tùy thuộc vào quý đạo hữu độc giả vì lý do giản dị ai hành người ấy chứng.

Kết luận:

Pháp môn quán chiếu Thập Như thị nguồn gốc từ lý Như thị là như thế. Vai trò của pháp môn này trên đường giải thoát để tri kiến Phật là như thế. Ngay từ khi cất bước đầu tiên cho đến suốt dọc đường hành giả kiên trì giữ tín tâm như thế. Kẻ cầm bút viết bài này trình bầy sự lý giải chỉ được có như thế. Sự hành trì miên mật và sự thực chứng toàn phần cần thiết là như thế.

Hai việc hành trì và thực chứng có hay không, nhiều hay ít, làm đến nơi đến chốn tận cùng rốt ráo hay bỏ dở thoái lui, tất cả đều tùy thuộc vào quý đạo hữu độc giả vì lý do giản dị ai hành người ấy chứng. Tha nhân đồng tâm đồng cảnh vì tình tương thân tương trợ chỉ biết hoan hỷ khích lệ khi thành công hay vỗ về an ủi khi thất bại, điều này dĩ nhiên là như thế.

Cầu xin chư Phật gia hộ cho quý bạn được hành trì và thực chứng viên dung đạo quả như sở nguyện.

Thập như thị (Phần 5)

396724117_1064439124546622_7833644420050637275_n

Chú thích: 

1. Như Lai thức: Cũng gọi là Như Lai tạng, Phật thức, Am-ma-la thức do phiên âm từ tiếng Sanskrit âmra có nghĩa là trong sạch, không có vết dơ nào. Do nội dung ý nghĩa này nên cũng gọi là Thanh tịnh thức, Vô cấu thức, Bạch tịnh thức, Chân như thức. Theo Pháp tánh tông, đây là thức thứ chín vì có khả năng nhận thức chư pháp siêu việt hơn Bát thức, căn cứ vào tánh thanh tịnh trọn vẹn đã lìa khỏi tất cả mọi phiền não vô minh, đã hội nhập tánh Không khi nhận thức chư pháp. Pháp tướng tông không thừa nhận việc lập thêm ra thức thứ chín, cho rằng Như Lai thức chỉ là tỉnh hoa của A-lại-da-thức tức thức thứ tám. Bát thức gồm có Lục thức, cộng thêm Mạt-na thức và A-lại-da thức tức Tàng thức. Lục thức gồm có: Nhãn thức (thị giác), Nhĩ thức (thính giác), Tỷ thức (khứu giác), Thiệt thức (vị giác), Thân thức (xúc giác) và Ý thức (suy xét mà biết).

2. Nhất chân, Nhất như, Chân như: Đề tài này được trình bầy tường tận ở Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Phương tiện.

3. Vận hành liên hợp: Sự liên hệ có tác dụng với nhau giữa nhiều dữ kiện theo lý Tương duyên tương sinh gọi tắt là lý Duyên sinh.

4. Lục độ ba-la-mật: gọi tắt là Lục ba-la-mật có nghĩa là sáu đại hạnh dùng làm nền tảng Bồ-tát đạo gồm có Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ. Bực Đại Bồ tát sắp chứng quả thành Phật còn hội đủ thêm đại hạnh thứ bẩy gọi là hạnh Phương tiện để tùy duyên hoằng pháp vừa tự độ vừa độ tha.

5. Thập nhị Nhân Duyên: Mười hai Nhân Duyên gồm có:

– Hai thuộc quá khứ: Vô minh và Hành.

– Tám thuộc hiện tại: Thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ và hữu.

– Hai thuộc tương lai: Sanh và Lão tử.

6. Thập bát giới: Mười tám giới chia làm ba loại

– Lục căn: Nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn và ý căn.

– Lục trần: Sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần, xúc trần và pháp trần.

– Lục thức: Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.

Giới nói ở Thập bát giới là những yếu tố hợp lại tạo thành tâm thức con người. Căn nói ở Lục căn là giác quan, bộ phận căn bản tạo nên đời sống thể xác và tâm lý con người. Trần nói ở Lục trần là đối tượng của Lục căn tức sáu giác quan. Thức là khả năng nhận biết của Lục căn. Lục căn là chủ thể, Lục trần là đối tượng, Lục thức là năng lực nhận xét, hiểu biết trong mọi sinh hoạt của con người. Ví dụ: ai cũng nhận thấy bông hoa hồng giả bằng ni-lông có mầu hồng đẹp nhưng không thơm. Phân tách như sau:

– Mắt nhìn, mũi ngửi và óc suy nghĩ là nhãn căn, tỷ căn và ý căn.

– Mầu hồng có dáng đẹp, không có hương thơm là sắc trần, hương trần và pháp trần (suy nghĩ mới biết là không thơm)

– Nhận thấy mầu hồng đẹp, hoa bằng ni-lông nên không thơm là nhãn thức, tỷ thức và ý thức.

7. Bát-nhã ba-la-mật: Phiên âm tiếng Sanskrit từ ngữ prajnāpāramita, dịch ra tiếng Hán Việt là Trí tuệ đáo bỉ ngạn, có nghĩa là sự nhận thức siêu việt của con người đã rời bờ bên này (bờ Mê) sang tới bờ bên kia (bến Giác). Đây là thứ nhận thức của bậc Giác ngộ, không cần do nhận xét và suy luận mới có mà do sự trực tiếp hội nhập thẳng vào bản tánh Không của vạn pháp, trực ngộ Pháp tánh không cần nương theo Pháp tướng mới nhận thức ra vạn pháp. Đây là trí tuệ vô ngại, lậu tận thông lậu tận minh của hàng Đại Bồ-tát đã chứng quả Bồ-đề toàn phần không còn sự phân biệt chủ thể năng kiến và đối tượng sở kiến.

Bát-nhã ba-la-mật cũng gọi là Phật trí, Phật tuệ, Nhất thiết chủng trí tuy những tiếng Hán Việt không diễn tả được hoàn toàn hết ý. Do đó trường hợp cần diễn tả nội dung đầy đủ, chính xác vẫn dùng tiếng phiên âm.

Hết.

Bảo Thông